Cùng với quá trình toàn cầu hóa, phở đã vươn lên trở thành một biểu tượng nổi bật của ẩm thực Việt Nam.
ĐBQH. Bùi Hoài Sơn cho rằng, Phở Việt không chỉ là một món ăn mà còn là một phần của di sản văn hóa. (Nguồn: Quochoi) |
Từ giá trị văn hóa của phở
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ghi danh tri thức dân gian phở Nam Định và tri thức dân gian phở Hà Nội vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là những nỗ lực tiếp theo trong việc ghi danh nghệ thuật ẩm thực để quảng bá loại hình di sản văn hóa độc đáo này không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Phở, với nguồn gốc từ tri thức dân gian, không chỉ là một món ăn mà còn là một phần của di sản văn hóa Việt Nam, chinh phục thực khách toàn cầu. Sự thành công của phở trên trường quốc tế không chỉ đến từ hương vị độc đáo mà còn từ cách mà món ăn này kết hợp hoàn hảo các yếu tố văn hóa và lịch sử. Việc ghi danh tri thức dân gian phở Hà Nội và phở Nam Định giúp món ăn này tỏa sáng trên bản đồ ẩm thực toàn cầu và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Ở Việt Nam, phở là món ăn rất phổ biến. Mỗi vùng miền có những cách chế biến riêng, tạo nên thương hiệu. Phở không chỉ đơn thuần là một món ăn mà còn là biểu tượng đặc trưng tiêu biểu của ẩm thực Việt. Sự phát triển của phở ra toàn cầu làm nổi bật giá trị văn hóa của món ăn, đồng thời tạo cơ hội để thế giới hiểu hơn về bản sắc ẩm thực Việt.
Ghi danh phở như một phần của di sản văn hóa không chỉ khẳng định vị thế của món ăn này trong nền ẩm thực quốc gia mà còn đưa nó lên một tầm cao mới trên bản đồ ẩm thực quốc tế. Hơn nữa, việc ghi danh phở còn có tác động tích cực đến sự phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước. Khi phở được công nhận, thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước, mở ra cơ hội cho việc tổ chức các sự kiện và lễ hội ẩm thực, qua đó quảng bá không chỉ món ăn mà còn văn hóa và hình ảnh của đất nước. Những sự kiện này không chỉ làm tăng lượng khách du lịch mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương thông qua ngành dịch vụ ăn uống và du lịch.
Kinh nghiệm quốc tế
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã có những kinh nghiệm trong việc ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đối với nghệ thuật ẩm thực, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của họ. Nhật Bản đã thành công trong việc ghi danh Washoku, nghệ thuật ẩm thực truyền thống của họ vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO vào năm 2013. Washoku được công nhận vì tầm quan trọng trong việc duy trì lối sống cân bằng và bền vững, sự hài hòa với thiên nhiên và giá trị xã hội, đặc biệt trong các dịp lễ, tết. Việc ghi danh này đã thúc đẩy sự nhận thức và bảo tồn các kỹ thuật nấu ăn truyền thống.
Trong khi đó, bữa ăn kiểu Pháp (Gastronomic meal of the French) được UNESCO ghi danh vào năm 2010. Bữa ăn này không chỉ là một thực đơn mà là cả một nghệ thuật sống, bao gồm cả việc chuẩn bị, trình bày và thưởng thức món ăn. Pháp đã tận dụng danh hiệu này để thúc đẩy du lịch và bảo vệ các truyền thống ẩm thực độc đáo của mình.
Năm 2010, ẩm thực truyền thống của người Maya và Zapotec ở Mexico đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể. Sự công nhận này nhấn mạnh vai trò của thực phẩm trong văn hóa, đời sống xã hội và lễ nghi của các cộng đồng bản địa. Mexico đã sử dụng danh hiệu này để quảng bá văn hóa và du lịch ẩm thực, đồng thời bảo tồn các công thức và nguyên liệu truyền thống.
Kimchi – món ăn truyền thống của Hàn Quốc đã được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2013. Kimchi được coi là biểu tượng của sự kiên nhẫn và sự hòa hợp với tự nhiên. Sau khi được công nhận, Hàn Quốc đã tăng cường các biện pháp bảo vệ, truyền dạy và quảng bá văn hóa làm kimchi thông qua các chương trình giáo dục và lễ hội.
Những kinh nghiệm này cho thấy, việc ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đối với nghệ thuật ẩm thực không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa mà còn góp phần phát triển du lịch, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Phở gà truyền thống Hà Nội không sử dụng quế, hồi mà chỉ có hành, gừng nướng cùng mùi, hành tạo phong vị nhẹ thanh riêng. (Nguồn: VNE) |
Để phở Việt tỏa sáng
Chúng ta cần có thêm nhiều hành động cụ thể hơn để vinh danh các di sản này, hướng tới ghi danh ở cấp độ cao hơn vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO trong những năm tới.
Để nâng cao giá trị của phở và thúc đẩy sự phát triển bền vững của di sản văn hóa này, cần thực hiện các hành động đồng bộ và có chiến lược. Một là, tổ chức các lễ hội phở hàng năm tại Nam Định, Hà Nội và các địa phương khác là một bước quan trọng trong việc thu hút du khách và quảng bá món ăn.
Hai là, phát triển thương hiệu phở hướng ra quốc tế. Để phở có thể khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, cần thực hiện các bước như đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế và các công thức chế biến được tiêu chuẩn hóa để giữ gìn chất lượng đồng nhất. Tận dụng các phương tiện truyền thông quốc tế như truyền hình, báo chí, mạng xã hội để quảng bá phở.
Ba là, để làm phong phú nền ẩm thực phở, cần khuyến khích sáng tạo bằng cách tạo điều kiện cho các đầu bếp và nhà nghiên cứu ẩm thực thử nghiệm các dạng mới của phở, đồng thời tôn trọng và bảo tồn các giá trị truyền thống.
Bốn là, kết hợp phở với du lịch ẩm thực. Phở có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch bằng cách kết hợp món ăn này với các tuyến du lịch tại Hà Nội và Nam Định, từ đó xây dựng các tour du lịch trải nghiệm văn hóa và ẩm thực. Du khách có thể tham quan các làng nghề truyền thống, học cách nấu và thưởng thức phở tại các quán nổi tiếng.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế để quảng bá thương hiệu phở thông qua làm việc với các tổ chức văn hóa và ẩm thực quốc tế để giới thiệu phở trong các sự kiện, triển lãm, lễ hội ẩm thực toàn cầu, giúp quảng bá hình ảnh của phở và văn hóa Việt Nam rộng rãi hơn.
Như vậy, việc ghi danh tri thức dân gian về phở Nam Định và Hà Nội vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự công nhận xứng đáng cho những giá trị ẩm thực độc đáo mà còn là bước đi quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Nguồn: https://baoquocte.vn/dua-pho-viet-ra-the-gioi-283211.html