Ngày 22/8, tỉnh Bạc Liêu tổ chức tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bạc Liêu, năm học qua, ngành đã thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bố trí, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành;…
Tính đến cuối tháng 5/2024, tỉnh Bạc Liêu có 283 cơ sở giáo dục; hơn 162.000 học sinh, học viên; có 7.680 nhà giáo đã qua tuyển dụng.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, tỉnh vẫn còn thiếu hàng trăm giáo viên nhưng việc tuyển dụng chưa kịp thời. Để đảm bảo giảng dạy, các cơ sở giáo dục phải phân công giáo viên dạy tăng giờ hoặc thỉnh giảng giáo viên ngoài nhà trường.
Tuy nhiên, việc này có khó khăn là kinh phí chi trả tiền tăng giờ, thỉnh giảng lại cao hơn rất nhiều so với mức lương khởi điểm nên dự toán giao bổ sung không đủ để chi trả cho giáo viên.
“Thiếu giáo viên chủ yếu các địa phương cấp huyện nhưng chưa được tháo gỡ, đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm hơn vấn đề này”, ông Dương Hồng Tân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu, kiến nghị.
Ngành giáo dục Bạc Liêu cũng cho biết, thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi mầm non đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học, cũng như còn thiếu ở một số nhóm, lớp so với quy định.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở một số trường còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuyển đổi số và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày…
Bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu, mong muốn với những khó khăn về mặt khách quan, lãnh đạo tỉnh, địa phương, sở, ngành sẽ hỗ trợ để ngành giáo dục hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đề nghị lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh tiếp tục phân tích, đánh giá để có kế hoạch chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót vừa qua.
“Những khó khăn, vướng mắc nào vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh để tháo gỡ”, ông Thăng yêu cầu.
Trong năm học mới, Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu lưu ý ngành giáo dục và các địa phương thực hiện tốt chính sách, có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em được đến trường học tập.
“Tập trung ưu tiên phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng có nhiều đồng bào dân tộc Khmer, nhằm nâng cao dân trí, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về giáo dục giữa các vùng”, ông Thăng chỉ đạo.
Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, từ năm học 2023-2024, toàn ngành giáo dục tỉnh này thiếu 1.876 giáo viên (GV) so với định mức. Trong đó, bậc học mầm non thiếu 635 GV, tiểu học thiếu 434 GV, trung học cơ sở thiếu 201 GV, trung học phổ thông thiếu 606 GV.
Trong khi chờ đợi tuyển dụng, ngành giáo dục phải hợp đồng GV thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng gặp khó khăn trong việc chi trả lương.
Để khắc phục khó khăn này, thời gian qua ngành giáo dục Sóc Trăng đã có một số giải pháp như: Rà soát, sắp xếp lại GV theo đề án vị trí việc làm để đảm bảo định mức biên chế; sắp xếp mạng lưới, quy mô lớp các cấp học; định hướng phân luồng học sinh trung học; xây dựng kế hoạch tuyển dụng GV và chỉ đạo các trường tổ chức dạy thêm giờ có trả lương;…
Năm học 2024-2025, số học sinh của tỉnh tăng so với năm học trước nên dự báo sẽ thiếu GV nhiều hơn.
Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các trường sắp xếp lớp học và số học sinh theo quy định, không bố trí lớp quá mỏng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/chua-chay-thieu-giao-vien-bang-viec-tang-gio-day-thinh-giang-20240822145954332.htm