Với mục tiêu du học ngành hóa học, Rafael Wang đã nhắm đến các chương trình thạc sĩ tại Mỹ. Tuy nhiên, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh của Wang đã bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt vào năm 2020. Sau đó Wang quyết định theo học tại Đại học Công nghệ Chalmers ở Thụy Điển.
Wang, 24 tuổi, chia sẻ: “Hiện Mỹ vẫn hấp dẫn đối với tôi. Nhưng vấn đề là ngay cả khi một trường đại học chấp nhận tôi, tôi cũng không thể xin được thị thực du học. Vì vậy, tôi quyết định học ở châu Âu”.
Sự sụt giảm số lượng sinh viên Trung Quốc tại Mỹ
Không chỉ Wang, một số sinh viên Trung Quốc trong những năm gần đây cũng đã tránh xa các chương trình cấp bằng tại Mỹ, từng là điểm đến hàng đầu trong mong muốn du học của họ. Một số lo sợ bị cuốn vào cuộc cạnh tranh địa chính trị căng thẳng giữa hai nước, những người khác lo lắng về việc bị từ chối cấp thị thực và một số người nói rằng họ sợ khả năng xảy ra bạo lực.
Trong khi đó, các trường đại học ở Trung Quốc tiếp tục cải thiện, vươn lên trong bảng xếp hạng toàn cầu, khiến bằng cấp nước ngoài trở nên kém hấp dẫn hơn đối với sinh viên Trung Quốc.
Sự sụt giảm số lượng sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học Mỹ đã ảnh hưởng đến nguồn nhân tài nước ngoài tại Mỹ, đồng thời củng cố năng lực trí tuệ tại Trung Quốc vào thời điểm nước này đang đối rất cần kỹ thuật viên lành nghề trong các ngành công nghiệp quan trọng.
Theo báo cáo Open Doors năm 2023 của Viện Giáo dục Quốc tế phi lợi nhuận, Mỹ có 289.526 sinh viên Trung Quốc trong năm học 2022-2023. Con số này đánh dấu mức giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm 22% so với mức đỉnh điểm là 372.532 sinh viên Trung Quốc tại Mỹ trong năm học 2019-2020.
Báo cáo cũng lưu ý rằng một số trường học ở Mỹ đã mất 89% số lượng tuyển sinh là sinh viên Trung Quốc kể từ năm 2017. Tuy nhiên, bất chấp sự suy giảm, số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ năm ngoái cho thấy sinh viên đến từ Trung Quốc vẫn chiếm nhóm sinh viên quốc tế lớn nhất tại Mỹ.
Tình trạng bài châu Á và gánh nặng chi phí
Phó giáo sư khoa học chính trị Deborah Seligsohn tại Đại học Villanova ở bang Pennsylvania đã chỉ ra sự gia tăng tình trạng bài châu Á ở Mỹ trong thời kỳ đại dịch. Bà lưu ý rằng một số sinh viên Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về khả năng bị thẩm vấn khi nhập cảnh vào Mỹ, hoặc bị buộc tội là điệp viên nước ngoài.
Vào tháng 1, Trung Quốc cáo buộc chính quyền Mỹ gây khó sinh viên Trung Quốc trong việc nhập cảnh và cho biết hàng chục công dân Trung Quốc bị từ chối nhập cảnh mỗi tháng. Quan hệ Mỹ-Trung đã xấu đi kể từ năm 2018 vì cuộc chiến thương mại, chuyển giao công nghệ và một loạt các khác biệt về địa chính trị.
Mối lo ngại gia tăng thêm khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cho biết vào tháng 6 rằng Mỹ cần tuyển thêm sinh viên quốc tế trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, không chỉ từ Trung Quốc.
Li Huiyan, 22 tuổi, sinh viên Đại học California đến từ tỉnh Hồ Bắc, nhận thấy rằng “sống ở Mỹ có thể khiến bạn cảm thấy không an toàn”, trong khi chi phí sinh hoạt ở đây vượt quá nhiều quốc gia khác.
Theo ước tính của tổ chức nghiên cứu Education Data Initiative vào tháng 5, giáo dục đại học tại Mỹ tiêu tốn của mỗi sinh viên trung bình 38.270 USD mỗi năm, bao gồm học phí, sách vở và chi phí sinh hoạt. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết bằng cử nhân tại Mỹ có chi phí trung bình cao hơn 8.200 USD so với hầu hết 38 quốc gia thành viên OECD.
Theo ước tính của nền tảng tài nguyên sinh viên trực tuyến Keystone Education Group, sinh viên tại các trường đại học công lập ở Trung Quốc chỉ phải trả khoảng 2.000 đến 10.000 USD mỗi năm.
Su Di ở Bắc Kinh muốn theo đuổi bằng thạc sĩ về nghiên cứu giới tính và thấy rằng chương trình lý tưởng của cô là ở Chicago. Nhưng đó là vào năm 2020, khi Chicago và các thành phố lớn khác của Mỹ phải đối mặt với tình trạng bạo lực đường phố gia tăng sau vụ giết một người đàn ông da đen bị cảnh sát giam giữ.
Su, 26 tuổi, cho biết: “Khi tôi chuẩn bị nộp đơn, tình hình ở Chicago rất hỗn loạn. An ninh lúc đó thực sự rất tệ”.
Bằng cấp nước ngoài “mất giá” tại Trung Quốc
Khoảng 4 năm qua, các trường đại học Trung Quốc đã cải thiện về điểm trung bình cao hơn trong giảng dạy và nghiên cứu, theo cơ quan văn hóa và giáo dục của Hội đồng Anh cho biết trong một nghiên cứu vào tháng 10. Trung Quốc có 13 trường đại học nằm trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới của Times Higher Education năm 2024, tăng từ 7 trường vào năm 2020.
“Bằng cấp nước ngoài đã mất giá trị. Sinh viên có thể làm tốt hơn với bằng đại học từ Trung Quốc”, phó giáo sư Seligsohn nói.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm và duy trì được thị thực Mỹ đã thúc đẩy nhiều sinh viên tốt nghiệp trở về Trung Quốc.
Theo một nghiên cứu của Đại học York, tỷ lệ sinh viên Trung Quốc trở về từ nước ngoài đã tăng từ 14% vào năm 2002 lên hơn 80% vào năm 2019. Tờ China Daily ước tính tỷ lệ trở về năm 2021 là 69%.
Phó giáo sư Rory Truex tại Khoa Chính trị của Đại học Princeton, cho biết sự sụt giảm số lượng sinh viên Trung Quốc sẽ gây tổn hại đến khoa học và nghiên cứu của Mỹ.
Truex cho biết: “Sinh viên Trung Quốc, đặc biệt là nghiên cứu sinh tiến sĩ, ngày càng cảm thấy không được chào đón tại Mỹ. Nhóm dân số này cực kỳ tài năng và quan trọng đối với doanh nghiệp khoa học và nghiên cứu của Mỹ, nhưng thật không may, họ đã bị coi là mối đe dọa tiềm tàng”.
Hoài Phương (theo SCMP)
Nguồn: https://www.congluan.vn/bang-dai-hoc-my-khong-con-la-giac-mo-voi-sinh-vien-trung-quoc-post308466.html