Nông dân Cò Nòi hăng say lao động sản xuất
Trước đây khi nhắc đến xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) người ta chỉ nghĩ đến một vùng đất trồng ngô, trồng sắn,… người dân lo đến từng bữa ăn con chưa đủ. Nay khi trở lại vùng đất này, cẩm nhân đầu tiên với chúng tôi là một vùng quê đầy sức sống. Cò Nòi giờ đã thực sự chuyển mình, khác xa những gì được biết về một xã khó khăn như trước đây. Không chỉ sầm uất, náo nhiệt ở khu vực trung tâm mà dọc các tuyến đường thôn, xóm, nhiều ngôi nhà xây khang trang mọc lên xen lẫn những vườn cánh đồng mía, vườn cây ăn quả trải dài bất tận.
Về với Cò Nòi lần này, chúng tôi gặp được ông Lò Văn Chiến. Ông Chiến là nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La), những đổi thay của Cò Nòi như ngày hôm nay có lẽ ông là người hiểu nhất.
Ông Chiến kể lại, xã Cò Nòi cách đây 20 năm về trước vô cùng khó khăn, vùng đất hoang sơ và đói nghèo. Người dân trong vùng thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào các loại cây trồng ngắn ngày trên nương như cây ngô, cây sắn, phương thức canh tác thị lạc hậu, đất đai thì bạc màu. Giao thương hàng hóa lúc đó hầu như không phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn cao.
“Bà con nơi đây thời điểm đó khổ lắm, kiếm cái ăn cái mặc hàng ngày. Sản phẩm nông nghiệp làm ra thì không được bao nhiêu, có làm được cũng khó khăn trong việc tiêu thu. Tư tưởng của người dân lúc đấy cũng chỉ làm cho đủ ăn thôi” ông Chiến nọi.
Đến những năm 1996, thời điểm đó, trên địa bàn xã có nhà máy mía đường đi vào hoạt động ổn định, mở ra con đường mới cho nông dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Với sự vận động của nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cùng với sự hỗ trợ về giống, phân bán, công làm đất của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La, các hộ dân tại bản Cò Nòi, bản Nhạp, bản Lếch, Hua Tát,… đã chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng mía, phúc vụ vùng nguyên liệu cho nhà máy. Chỉ 3 năm sau đó, từ 1, 2 bản trồng mía, đã lan rộng đến tất cả các bản, xã Cò Nòi trở thành vùng mía nguyên liệu của công ty mía đường, với hàng trăm héc ta.
“Nhờ có cây mía, cuộc sống của người dân Cò Nòi đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Nhà ít thì hơn 1ha, nhà nhiều thì vài ha mía. Người dân thu hằng trăm chiều đồng mỗi năm, nhà nào cũng có của ăn của để, con cái đều được đến trường đến lớp”, ông Chiến nói.
Không chỉ vùng mía của Sơn La, hiện nay Cò Nòi còn biết đến là vùng trồng cây ăn quả lớn của huyện Mai Sơn, với các loại giống cây trồng mới, cho hiệu quả kinh tế cao. Dọc theo theo tuyến đường nội đồng, chúng tôi tìm đến vùng trồng dâu tây của xã Cò Nòi, khắp các sườn đồi, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp người dân đang tất bật cho một vụ canh tác dâu tây. Những năm trở lại đây, nhờ đưa giống cây trồng mới vào canh tác, người dân nơi đây đã có thu nhập cao, nhà ít thì thu vài trăm triệu, nhà nhiều thi thu cả tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng dâu tây.
Ngay cạnh tuyến đường nông thôn nội đồng đã được bê tông hóa, đi vào sâu trong cánh đồng, chúng tôi gặp anh Lò Văn Tuấn, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) đang cùng vợ chăm sóc vườn dâu tây mới trồng của gia đình. 2 năm trở lại đây nhờ phát triển dâu tây, gia đình anh đã có thu nhập hằng trăm triệu đồng mỗi năm, có của ăn của để, có tiền lo cho con cái đi học.
Anh Tuấn chia sẻ: Những năm trước đây, cuộc sống của gia đình anh còn nhiều khó khăn, phụ thuộc vào cây ngô, cây sắn, thu nhập không được là bào. Thực hiện chủ trương của tỉnh, của huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng giống cây mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Gia đình anh đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng dâu tây. Với giá bán giao động từ 150.000 – 200.000đ/kg, đến mùa thu hái, mỗi ngày gia đình anh thu nhập không dưới 1 triệu đồng.
Xây dựng quê hương Cò Nòi ngày càng giàu đẹp
Không chỉ đẩy mạnh phát triển kinh tế, người dân xã Cò Nòi con đồng lòng góp sức xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Anh Thu, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi thông tin: Từ năm 2012, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, điều kiện của xã hết sức khó khăn. Toàn xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí cũng như đời sống cơ sở vật chất của bà con còn hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo cao nên khi triển khai xây dựng nông thôn mới chúng tôi đã gặp không ít khó khăn.
Thế nhưng, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới diện mạo nông thôn của xã đã có nhiều thay đổi. Toàn xã có có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống như, Kinh, Mông, Thái. Xã có hơn 4.8000 hộ, hơn 20.000 nhân khẩu. Các hộ được sử dụng điện, nước an toàn, đạt 100%. Các tuyến đường giao thông liên bản, liên xã được bê tông hóa đảm bảo cho người dân đi lại thuận tiện. Trường mầm non, trường THCS và tiểu học, Trường THPT được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu dạy và học của các cháu học sinh”.
Ngoài việc đầu tư về cơ sở vật chất, các cấp lãnh đạo từ huyện đến cơ sở đều quan tâm đến chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho người dân. Các mô hình trồng cây ăn quả được quan tâm phát triển, như: Na, xoài Đài Loan, thanh long, cam, bưởi và các mô hình chăn nuôi có giá trị kinh tế cao khác. Đời sống vật chất của người dân không ngừng được nâng cao rõ rệt.
Từ khi về đích nông thôn mới, xã luôn thực hiện các biện pháp tuyên truyền vận động người dân gìn giữ và phát huy các thành tựu xã đã đạt được. Chương trình xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung.
Cò Nòi giờ đây không còn khó khăn nưa, vườn mía, vườn cây ăn quả trải dài, minh chứng cho sự phát triển của mảnh đất này. Thu nhập bình quân đầu người tăng theo từng năm. Cơ cấu kinh tế của địa phương có sự chuyển dịch đúng hướng, từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất cây lúa, cây sắn, cây ngô, nay xã đã chú trọng phát triển các loại cây lâu năm, cây công nghiệp.
Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục được duy trì và phát triển. Cuộc sống của đồng bào nơi đây có nhiều đổi thay, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã giảm.
Nguồn: https://danviet.vn/co-noi-mot-xa-ngheo-co-tieng-o-son-la-nay-tru-phu-co-vuon-cay-treo-day-qua-vang-den-la-no-mat-2024082215201134.htm