Tại buổi tọa đàm về phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm (LTTP) phát thải thấp tại ĐBSCL, TS. Phạm Thu Thủy – Đại học Adelaide (Úc) nhận định ngành LTTP chiếm 31% tổng phát thải.
Tại Việt Nam, ĐBSCL là nơi chiếm 50% sản lượng lúa; 95% lượng gạo xuất khẩu; 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản; 60% lượng cá xuất khẩu; 70% các loại trái cây… Do đó, vấn đề giảm phát thải trong hệ thống LTTP tại khu vực này cần được quan tâm.
Sản xuất lúa là ngành tiềm năng để giảm phát thải. Ảnh: Lộc Trời
Theo TS. Thủy, hệ thống LTTP gồm tất cả các yếu tố như môi trường, con người, chế biến, cơ sở hạ tầng, thể chế…; các hoạt động có liên quan đến sản xuất, chế biến, phân phối, chuẩn bị và sử dụng LTTP; đầu ra của các hoạt động này, bao gồm cả đầu ra về kinh tế, xã hội và môi trường.
Năm 2022, ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam chiếm 34% tổng lượng phát thải của cả nước; quá trình lên men tiêu hóa từ vật nuôi chiếm 12%, cả hai lĩnh vực trên đều liên quan đến hệ thống LTTP.
Về cơ hội để giảm phát thải trong lĩnh vực LTTP, TS. Thủy cho biết, Chính phủ và các bên liên quan đã có những quan tâm đối với việc biến đổi khí hậu và giảm phát thải hệ thống LTTP. ĐBSCL có ưu thế về thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường của các mặt hàng nông sản trên thị trường quốc tế. Tại đây đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp phát thải thấp thực tế.
Trong khi đó theo PGS TS. Kha Chấn Tuyền – Khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM), thách thức lớn nhất của nông nghiệp vùng ĐBSCL chính là khâu tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật còn manh mún, nhỏ lẻ.
Nông nghiệp ĐBSCL cần tránh phát triển theo chiều rộng còn mang tính tự phát, phá vỡ các quy hoạch ngắn hạn và dài hạn. Việc khai thác tài nguyên đất, nước thiếu kiểm soát, gây nên tác động xấu, biến đổi khí hậu tại khu vực này.
Ông Ong Quốc Cường – Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết: “Ở Đông Nam Á, lượng khí thải từ lúa cao hơn chăn nuôi hoặc các loại cây trồng khác. Canh tác lúa thải ra lượng khí mê-tan cao, chủ yếu là do phương pháp trồng lúa truyền thống, khi ruộng ngập nước giải phóng khí mê-tan và các khí nhà kính”.
Trong toàn bộ ngành nông nghiệp, sản xuất lúa là ngành tiềm năng để giảm phát thải. 1ha lúa phát thải trung bình 12,7 tấn CO2 tương đương mỗi năm. Nếu làm tốt công nghệ canh tác phát thải thấp, ngành lúa Việt Nam có thể giảm từ 40% đến 65% lượng phát thải (65% tương đương 8,3 tấn CO2 tương đương/năm/ha).
Ông Cường gợi ý về phương pháp tưới ngập khô xen kẽ, giúp giảm lượng phát thải trung bình đến 45%; trồng các giống lúa ngắn ngày có thể giúp giảm phát thải 7%; lượng rơm còn lại sau thu hoạch, nếu không đốt có thể giảm phát thải 15%.
Nguồn: https://danviet.vn/chuyen-gia-irri-viet-nam-co-kha-nang-giam-phat-thai-83-tan-co2-cho-1ha-lua-moi-nam-20240823164307943.htm