Ngày 23/8, ông Phạm Thanh Lâm, Giám đốc Cảng hàng không Cà Mau cho biết, tính từ ngày 1 – 22/8/2024, khai thác chuyến bay TP.HCM – Cà Mau và ngược lại, hàng ngày, hệ số ghế trung bình đạt khoảng 80%.
Hai chuyến bay thứ sáu và chủ nhật có hệ số ghế đạt khoảng 65%, đáp ứng được yêu cầu để duy trì đường bay.
Như vậy, hệ số ghế hàng ngày, ngày thứ sáu và chủ nhật tăng 114% so với kỳ từ ngày 24/5-14/6/2024.
Theo ông Lâm, đường bay TP.HCM – Cà Mau và ngược lại duy trì một chuyến/ngày bắt đầu kể từ ngày 1/8/2024, để duy trì khai thác hiệu quả tần suất đường bay này, Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) Chi nhánh Cà Mau đã có chính sách giảm giá vé cho bà con đi lại và được áp dụng theo từng trường hợp cụ thể (người dân có hộ khẩu Cà Mau, người khuyết tật, người trên 60 tuổi).
“Cùng với đó, chúng tôi cũng mong muốn tỉnh Cà Mau tuyên truyền, định hướng người dân, cán bộ và doanh nghiệp ưu tiên khai thác đường bay.
Nhất là vào các ngày thứ sáu và chủ nhật để nâng hệ số ghế lên (đạt khoảng 80%, khoảng 60/72 ghế so với các ngày còn lại)”, ông Lâm chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Lâm, VASCO cũng đã điều chỉnh giờ bay để phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, cán bộ và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, đường bay đi/đến Cà Mau từ TP.HCM do VASCO khai thác với lịch bay thường lệ hằng ngày, tần suất 7 chuyến/tuần, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân.
UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, qua thực tế khai thác cho thấy, tần suất và giờ bay như hiện nay là khá phù hợp, thuận tiện di chuyển cho người dân, doanh nghiệp và khách du lịch, cũng như việc đi lại của cán bộ, công chức trong quá trình công tác.
UBND tỉnh Cà Mau cam kết đồng hành cùng Vietnam Airlines và VASCO trong việc quảng bá, thông tin rộng rãi đến công chức, viên chức, người lao động và người dân nắm thông tin về tần suất, lịch bay và các chính sách ưu đãi của VASCO.
Từ đó chủ động bố trí công tác và các hoạt động cần thiết khác, cũng như việc tạo điều kiện tăng hệ số ghế cho các chuyến bay.
VASCO Chi nhánh Cà Mau cho biết, lịch bay được chia làm hai giai đoạn.
Cụ thể, từ ngày 1/8/2024 – 26/10/2024, TP.HCM – Cà Mau và ngược lại từ thứ 2,3,4,5,7: chuyến bay TP.HCM – Cà Mau cất cánh lúc 13h35, hạ cánh lúc 14h40; chuyến bay Cà Mau – TP.HCM cất cánh lúc 15h, hạ cánh lúc 16h15.
Thứ sáu và chủ nhật: TP.HCM – Cà Mau cất cánh lúc 5h45, hạ cánh lúc 6h50; Cà Mau – TP.HCM cất cánh lúc 7h10, hạ cánh 8h25.
Từ ngày 27/10/2024 – 28/3/2025, TP.HCM – Cà Mau từ thứ 2,3,4,5,6,7 và Chủ nhật cất cánh lúc 11h20, hạ cánh 12h20; Cà Mau – TP.HCM cất cánh lúc 12h40, hạ cánh 13h50.
Trong giai đoạn này, giá đang dao động linh hoạt từ 1,3 – 1,8 triệu đồng (tùy thuộc vào thời điểm mua và hạng đặt chỗ mở bán).
Ngoài ra, hãng vẫn tiếp tục duy trì sản phẩm giảm giá với mức giảm 15% giá công bố. Áp dụng cho tất cả các hạng đặt chỗ mở bán với kênh áp dụng: Mua trực tiếp tại phòng vé VASCO (số 191, đường Trần Hưng Đạo, phường 5, thành phố Cà Mau).
Đối tượng áp dụng: người dân có hộ khẩu Cà Mau, người khuyết tật, người cao tuổi (trên 60 tuổi).
Mục tiêu quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau, thời kỳ 2021 – 2030, cấp sân bay 4C và sân bay quân sự cấp II; công suất khoảng 1 triệu hành khách/năm và 1.000 tấn hàng hóa/năm; loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh: CAT I đầu 27 và giản đơn đầu 09.
Tầm nhìn đến năm 2050, cấp sân bay 4C và sân bay quân sự cấp II; công suất khoảng ba triệu hành khách/năm và 3.000 tấn hàng hóa/năm; loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh: CAT I đầu 27 và giản đơn đầu 09.
Theo quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, sân đỗ tàu bay phía nam đường cất hạ cánh đáp ứng khoảng bốn vị trí đỗ.
Tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch sân đỗ tàu bay phía Bắc đồng bộ với khu hàng không dân dụng mới, đáp ứng khoảng 10 vị trí đỗ và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.
Nhà ga hành khách, thời kỳ 2021 – 2030, mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu đáp ứng công suất khoảng một triệu hành khách/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch nhà ga hành khách mới khu vực phía bắc đường cất hạ cánh, công suất khoảng ba triệu hành khách/năm; dự trữ đất phát triển khi có nhu cầu.
Thời kỳ 2021 – 2030, quy hoạch kho hàng hóa phía tây nhà ga hành khách, gần sân đỗ tàu bay hiện hữu, đáp ứng công suất khoảng 1.000 tấn hàng hóa/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch kho hàng hóa phía đông nhà ga hành khách mới, đáp ứng công suất khoảng 3.000 tấn hàng hóa/năm.
Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 184,22ha. Tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 244,43ha.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tin-hieu-tot-duy-tri-duong-bay-tphcm-ca-mau-va-nguoc-lai-mot-chuyen-ngay-192240809084611257.htm