Nhưng mức mới là bao nhiêu để vừa đảm bảo không thất thu ngân sách, vừa phù hợp thực tế cuộc sống và khuyến khích người kinh doanh nhỏ lẻ làm giàu chính đáng?
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện lần 5 dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua kỳ họp khai mạc vào cuối tháng 10 tới.
Nhiều địa phương đề nghị tăng mức chịu thuế giá trị gia tăng
Góp ý cho dự thảo luật, TP Cần Thơ kiến nghị miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh từ 350 triệu đồng/năm trở xuống. Mục tiêu đảm bảo nâng cao mức sống cho người dân và phù hợp đồng bộ với mức giảm trừ gia cảnh của thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Căn cứ đưa ra kiến nghị mức này, Cần Thơ dẫn chứng một người lao động đang nuôi cha mẹ già và hai con trong độ tuổi đi học thì tổng mức thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân là 343.200.000 đồng/năm. Cụ thể tiền giảm trừ cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/người/tháng (132 triệu đồng/năm). Giảm trừ cho một người phụ thuộc là 4.400.000 đồng/tháng thì tổng mức giảm trừ trong một năm cho bốn người phụ thuộc là 211.200.000 đồng.
Như vậy, với đề xuất của Cần Thơ, doanh thu trên 350 triệu đồng tương ứng với mức bình quân mỗi ngày trên 972.000 đồng thì người buôn bán nhỏ mới phải nộp thuế VAT.
Cũng có chung quan điểm ngưỡng doanh thu mà người buôn bán nhỏ phải nộp thuế VAT phải đảm bảo công bằng xã hội với người có thu nhập từ tiền lương, tiền công, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị luật quy định miễn thuế VAT cho hộ, cá nhân có doanh thu dưới ngưỡng 300 triệu đồng/năm. Điều này có nghĩa là doanh thu trên 300 triệu đồng/năm thì người kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ mới phải nộp thuế VAT.
Theo tỉnh Quảng Ngãi, doanh thu là bao gồm giá vốn của hàng hóa. Với mức doanh thu và giá cả hàng hóa dịch vụ như hiện nay thì gần như tất cả các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đều thuộc diện lập bộ khoán thuế. Nếu trừ giá vốn chiếm 80% doanh thu thì không đảm bảo thu nhập sống tối thiểu của hộ kinh doanh.
Cần khuyến khích người buôn bán nhỏ
Góp ý cho ngưỡng doanh thu tính thuế VAT đối với người kinh doanh nhỏ lẻ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm phải đảm bảo phù hợp với thực tế và khuyến khích kinh tế tư nhân, động viên các cá nhân và hộ gia đình làm giàu chính đáng, đồng thời không bỏ sót nguồn thu.
Theo chuyên gia Nguyễn Thái Sơn, ngưỡng chịu thuế 100 triệu đồng/năm, tương đương 280.000 đồng/ngày, là không phù hợp với thực tế. Điều này ai cũng nhìn thấy, nhưng đến nay cơ quan quản lý vẫn chưa sửa, có thể là lo ngại bị sụt giảm nguồn thu.
“So với mức giảm trừ gia cảnh của người làm công ăn lương, mức 100 triệu đồng/năm cũng thấp hơn nhiều. Trong khi hộ kinh doanh thường có đến 5 – 7 người cùng làm nhưng cũng chỉ được tính một ngưỡng chung là 100 triệu đồng/năm. Như vậy là quá bất hợp lý. Do vậy cơ quan quản lý nên sớm sửa đổi cho phù hợp với thực tế chứ đừng chỉ lo sụt giảm nguồn thu”, ông Sơn đề nghị.
Phản hồi các đề xuất trên, đại diện ban soạn thảo Luật Thuế VAT, Bộ Tài chính cho rằng việc nâng lên ngưỡng doanh thu trên 300 triệu đồng mới phải nộp thuế VAT sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước tại địa phương, nhất là các địa phương có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, nếu áp dụng mức 300 triệu đồng/năm mới chịu thuế thì sẽ không khuyến khích các hộ và cá nhân kinh doanh chuyển sang thành lập doanh nghiệp.
Trong dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi mới nhất mà Bộ Tài chính hoàn tất sau khi tiếp thu ý kiến bộ, ngành, địa phương, ngưỡng doanh thu hàng hóa dịch vụ mà người kinh doanh nhỏ lẻ phải nộp thuế VAT là trên 200 triệu đồng/năm. Nếu chỉ số giá biến động 20% thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét điều chỉnh phù hợp với biến động của chỉ số giá và tình hình thực tế.
* Đại biểu TRẦN VĂN LÂM (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách):
Dự kiến xin ý kiến Quốc hội về ngưỡng doanh thu
Luật Thuế VAT hiện hành đang quy định mức doanh thu không chịu thuế VAT là 100 triệu đồng/năm. Trong dự luật sửa đổi đề nghị điều chỉnh nâng mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế VAT. Dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đưa ra xin ý kiến Quốc hội theo phương án đề xuất một mức khởi điểm nhất định và các mức doanh thu lần sau sẽ điều chỉnh khi có biến động của tình hình kinh tế – xã hội, đồng thời do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề xuất của Chính phủ. Việc đề xuất này nhằm tạo sự linh hoạt, tránh mỗi lần sửa luật mới sửa được mức doanh thu này.
Với mức khởi điểm doanh thu chọn 200 hay 300 triệu đồng/năm đang phải cân nhắc kỹ càng. Chính phủ đang đề xuất mức doanh thu 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên bộ phận nghiên cứu soạn thảo thấy rằng mức doanh thu 200 hay 300 triệu đồng/năm phải có cơ sở, căn cứ. Trước đây khi xây dựng Luật Thuế VAT năm 2013 xác định mức doanh thu 100 triệu đồng/năm là theo tình hình kinh tế – xã hội thời điểm đó.
Sau hơn 10 năm sửa luật, các biến động về chỉ số lạm phát, sức mua đồng tiền, thu nhập bình quân đầu người… đã khác xa. Như vậy căn cứ đầu tiên ở đây là phải xác định trên cơ sở sự biến động này với gốc đối chiếu năm 2013 đến thời điểm này đã có thay đổi như thế nào.
Cùng với đó khi tính toán doanh thu dự kiến như vậy thì thu nhập bình quân của các hộ được miễn giảm có phải nằm trong phạm vi xác định thu nhập hộ nghèo không? Tức phải có các số liệu dẫn chứng đầy đủ, trong đó có các số liệu về chuẩn hộ nghèo mới, từ đó đưa ra căn cứ để lựa chọn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chưa chốt mức khởi điểm nhất định.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ho-buon-ban-nho-nguong-ap-thue-gia-tri-gia-tang-ngay-cang-lac-hau-20240823081909328.htm