Fathi Abu al-Aradat – một thành viên cấp cao của Fatah – đã xác nhận thông tin trên. Một nguồn tin an ninh Lebanon và Cơ quan Thông tấn Quốc gia Lebanon cũng đưa tin cùng thông tin như vậy.
Một phóng viên AFP tại hiện trường vụ tấn công cho biết chiếc xe chở Khalil al-Maqdah bị không kích khi đang di chuyển gần các trại tị nạn của người Palestine có tên Ain al-Hilweh và Mieh Mieh. Lực lượng cứu hộ đã kéo một thi thể ra khỏi chiếc xe bị cháy đen.
Quân đội Israel cũng tuyên bố một “máy bay của không quân đã tấn công… Khalil Hussein Khalil al-Maqdah ở khu vực Sidon, miền nam Lebanon”.
Al-Maqdah là anh trai của Mounir al-Maqdah, người đứng đầu chi nhánh Lebanon của phong trào Fatah. Israel cáo buộc họ”chỉ đạo các cuộc tấn công khủng bố” ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng.
Trong khi đó, Fatah nói rằng Al-Maqdah có “vai trò trung tâm” trong việc “hỗ trợ người dân Palestine và cuộc kháng chiến của họ” tại Gaza và “vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhóm kháng chiến” trong nhiều năm ở Bờ Tây.
Đây vụ tấn công đầu tiên nhằm vào một thành viên cấp cao của Fatah, phong trào do Chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas lãnh đạo, ở Lebanon sau khi chiến tranh bùng nổ ở Gaza.
Tawfiq Tirawy, một thành viên của Ủy ban Trung ương Fatah, phát biểu với hãng thông tấn AFP tại Ramallah rằng “vụ ám sát một lãnh đạo Fatah là bằng chứng nữa cho thấy Israel muốn châm ngòi cho một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực”.
Kể từ khi chiến sự giữa Hamas và Israel nổ ra vào ngày 7/10, Hezbollah thường xuyên giao tranh với Israel ở biên giới để ủng hộ đồng minh Hamas.
Theo hãng tin AFP, bạo lực đã giết chết khoảng 593 người ở Lebanon, chủ yếu là các chiến binh Hezbollah nhưng cũng bao gồm ít nhất 130 thường dân. Về phía Israel, bao gồm cả Cao nguyên Golan bị chiếm đóng, 23 binh sĩ và 26 thường dân đã thiệt mạng, theo số liệu của quân đội nước này.
Fatah không tuyên bố thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào vào Israel từ Lebanon kể từ khi các cuộc xung đột Israel – Hamas bắt đầu và cũng không để tang các thành viên Hezbollah hay Hamas bị Israel bắn chết tại Lebanon.
Dù cùng là các phong trào chính trị – vũ trang của người Palestine, nhưng Hamas và Fatah đã trở thành những đối thủ của nhau từ khi Hamas buộc Fatah phải rời khỏi Gaza sau cuộc bầu cử năm 2006 tại dải đất này.
Hiện tại, phong trào Fatah là cơ quan lãnh đạo Chính quyền Palestine (PA) và có quyền kiểm soát hành chính một phần ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng.
Nguyễn Khánh (theo AFP, Le Monde)
Nguồn: https://www.congluan.vn/israel-khong-kich-lam-thiet-mang-quan-chuc-cap-cao-cua-phong-trao-fatah-o-lebanon-post308716.html