Theo ý kiến của nhiều trí thức, chuyên gia Việt kiều, “chìa khóa” để phát triển xanh, bền vững đất nước là đầu tư vào lĩnh vực khoa học, công nghệ, biến thách thức thành cơ hội cho Việt Nam.
Trí thức và chuyên gia kiều bào sẽ tích cực tham gia các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở trong nước, thiết thực đóng góp cho sự phát triển xanh, bền vững của đất nước.
Đó là quyết tâm được thể hiện rất rõ nét trong Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 diễn ra ngày 22/8 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ Tư.
Sự dịch chuyển tri thức từ nước ngoài về Việt Nam
Công tác ngoại giao nhân dân trong những năm qua đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, bảo vệ lợi ích quốc gia, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam, về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong khi đó, kiều bào ta ở nước ngoài – với hơn 6 triệu người sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ – là một lực lượng quan trọng, đã làm tốt vai trò ngoại giao nhân dân, cũng như huy động các nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo quan sát của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Việt kiều tại Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ từ nước ngoài trở về Việt Nam lập nghiệp, trong đó có cả những người sinh ra ở nước ngoài. Điều này chứng tỏ có một sự dịch chuyển không nhỏ của tri thức từ nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt là ở các nước có nền công nghệ và kinh tế phát triển.
Theo ông, để thu hút hơn nữa nguồn lực tiềm năng này, Chính phủ nên có chiến lược khuyến khích sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.
Theo đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề nghị Chính phủ nên áp dụng cơ chế sandbox, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, những mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện hơn nữa để các bạn trẻ kiều bào được thuận lợi trong việc xin quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước…
Ông cũng đưa ra những đề xuất nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, bao gồm việc xem xét cơ chế “một cửa” dành riêng cho kiều bào, nơi có thể cung cấp thông tin, tư vấn và giải quyết nhanh chóng các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Quang Hiệu, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố con người trong việc phát huy sức sáng tạo của cộng đồng Việt Nam, thúc đẩy giao lưu, hợp tác ở sở tại và hướng về phát triển quê hương, đất nước.
Theo đó, quán triệt phương châm “Đoàn kết là sức mạnh,” Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã và đang đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn kết cộng đồng, phát triển và củng cố các hội đoàn của người Việt Nam tại Nhật. Cộng đồng vừa là chủ thể, tổ chức triển khai, vừa là người thụ hưởng; tích cực hỗ trợ, ủng hộ hội người Việt ở các địa phương phát huy sự sáng tạo trong tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội.
Theo ông Phạm Quang Hiệu, Đại sứ quán Việt Nam đã động viên, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp, hiệp hội tích cực tham gia vào các chương trình phát triển của đất nước, tăng cường giao lưu, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực
chuyên môn, nhất là trong những lĩnh vực mới mang tính chiến lược như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ cao…
Kiến tạo các ‘vườn ươm’ công nghệ
Nhiều đại biểu kiều bào đã đưa ra giải pháp đầu tư vào khoa học, công nghệ để phát triển bền vững đất nước.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt, thúc đẩy chuyển đổi số, tuy nhiên cần quy hoạch các “cụm công nghệ” với hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, đặt tại các thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm, nơi doanh nghiệp và các start-up công nghệ có thể tương tác, chia sẻ tri thức và hợp tác nghiên cứu.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng cần có thêm cơ chế ưu đãi đặc biệt cho những dự án hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển AI, bán dẫn, thúc đẩy các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Chúng ta nên có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các ‘vườn ươm’ công nghệ, đầu tư mạo hiểm vì đó là những thành tố chính trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giúp cho những người sáng tạo thuận lợi trong việc tạo ra các công nghệ mới và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ đó,” ông nói.
Cùng chung quan điểm, Tiến sỹ Lê Viết Quốc, “quái kiệt AI” của tập đoàn Google cho rằng Việt Nam nên tập trung phát triển mạnh mẽ các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, đặt ra những mục tiêu quốc gia đầy tham vọng, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực như y tế công cộng, giao thông và nhiều lĩnh vực khác.
“Xu thế phát triển của trí tuệ nhân tạo sẽ là một thách thức lớn khi nhiều công việc truyền thống bị tự động hóa. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội vô cùng lớn cho Việt Nam. Trong khi nhiều quốc gia khác vẫn tiếp tục bị ràng buộc bởi các công việc hiện tại, Việt Nam có thể tiến lên phía trước và phát triển cùng với trí tuệ nhân tạo,” ông Lê Viết Quốc nói.
Ông Quốc cho rằng Việt Nam nên đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ở bậc đại học, cụ thể là xây dựng một trường đại học tầm cỡ châu Á về trí tuệ nhân tạo, với các chương trình đào tạo chuyên sâu ngay từ những năm đầu.
“Sau khi đã đầu tư vào con người, chúng ta cần phải tìm cách tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là đầu tư vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy, trong mỗi cuộc cách mạng đều có kẻ thắng, người thua, và cách hiệu quả nhất để tìm ra người thắng cuộc là tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng và mạnh mẽ,” ông Quốc nói.
Cuối cùng, ông Quốc đề xuất rằng Việt Nam nên thành lập một hội đồng cố vấn cấp cao về chip và trí tuệ nhân tạo. Đây là những lĩnh vực đang phát triển với tốc độ chóng mặt và hội đồng này sẽ giúp đưa ra những quyết sách nhanh chóng và chính xác trong các lĩnh vực mũi nhọn này.
Tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt mong muốn đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tích cực tham gia đóng góp vào các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở trong nước, cụ thể là tham gia đề xuất những giải pháp thiết thực để Việt Nam có thể thực hiện việc chuyển đổi nhanh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dẫn dắt, kết nối đưa khoa học và công nghệ trong nước hội nhập với khoa học và công nghệ thế giới.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đề nghị kiều bào cung cấp các kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia phát triển, hỗ trợ thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài cho khoa học, công nghệ và đối mới sáng tạo; tham mưu cho công tác quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo.
Vietnamplus.vn
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tri-thuc-kieu-bao-hien-ke-de-phat-trien-xanh-ben-vung-dat-nuoc-post971913.vnp