Dự án sẽ tập trung vào việc phát triển các điểm truy cập cho các mạng vô tuyến 6G tiềm năng. Các tổ chức cũng muốn đóng góp vào hoạt động tiêu chuẩn hóa 6G sau khi chính phủ Ấn Độ khẳng định muốn trở thành nước dẫn đầu trong thế hệ Internet di động tiếp theo.

Trong các mạng truyền thống, các khu vực được chia thành các vùng (zone) khác nhau, được gọi là các tế bào (cell), mỗi khu vực được một ăng-ten phục vụ. Một số chuyên gia chỉ ra cách tiếp cận này tồn tại một số nhược điểm, chẳng hạn mức độ nhiễu cao hơn.

Mặt khác, các mạng cell-free loại bỏ các ranh giới bằng cách triển khai một số điểm truy cập (access point – AP) trên một khu vực rộng lớn để phục vụ nhiều thiết bị cùng một lúc. Trong trường hợp này, một người dùng có thể được nhiều AP hỗ trợ.

Trong thông cáo báo chí chung, C-DOT cho biết, dự án nhằm thúc đẩy thương mại hóa, tạo ra quyền sở hữu trí tuệ và phát triển lực lượng lao động lành nghề để hỗ trợ 6G.

Theo Cục Viễn thông, thỏa thuận được ký kết theo đề án Quỹ phát triển công nghệ viễn thông. Đề án được thiết kế để cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công ty, các startup, học viện và các tổ chức R&D trong lĩnh vực viễn thông nội địa.

ycmyk6d2.png
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (ngoài cùng bên trái) tại sự kiện công bố tài liệu ‘Tầm nhìn 6G Bharat’ tại New Delhi, ngày 23/3/2023. Ảnh: Kamal Narang

Năm 2023, chính phủ Ấn Độ ra mắt Liên minh 6G Bharat, sáng kiến nhằm tập trung tất cả các nỗ lực 6G dưới một ngọn cờ duy nhất. Ấn Độ có kế hoạch thiết kế, phát triển và triển khai các công nghệ mạng 6G với chi phí phải chăng vào năm 2030.

Quốc gia Nam Á dự định phát triển các tiêu chuẩn cho 6G trong giai đoạn một của sứ mệnh 6G Bharat, kéo dài hai năm kể từ năm 2023. Giai đoạn hai liên quan đến xây dựng hệ sinh thái 6G trong vòng 5 năm, đến năm 2030. Mục tiêu là cung cấp Internet tốc độ cao, nhanh gấp 1.000 lần so với tốc độ tối đa 1Gbps của 5G.

Từ đó tới nay, Liên minh 6G Bharat đã ký các biên bản ghi nhớ với Liên minh Next G Bắc Mỹ, các công ty châu Âu như 6G Flagship và Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ và Mạng thông minh 6G.

Chính phủ cũng nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của Ấn Độ trong các cơ quan tiêu chuẩn hóa như Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).

Ấn Độ hình dung các kịch bản sử dụng 6G trong nhà máy được điều khiển từ xa, xe hơi tự lái và thiết bị đeo thông minh lấy dữ liệu trực tiếp từ các giác quan của con người. Nước này cũng mong muốn trở thành nhà cung cấp hàng đầu về công nghệ và giải pháp viễn thông tiên tiến.

(Theo Livemint, 6gworld)