Xác định hành động đầu tiên trong CĐS là chuyển đổi nhận thức, UBND huyện Lập Thạch đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân ý nghĩa của CĐS, từ đó thay đổi nhận thức, coi CĐS thực sự là thời cơ, vận hội, tích cực ứng dụng các thành tựu của CĐS phục vụ cho chính cơ quan, đơn vị mình, cho cộng đồng và xã hội.
Bám sát các yêu cầu, chỉ tiêu về CĐS đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, Lập Thạch tập trung phát triển hạ tầng số đi trước một bước để đảm bảo sẵn sàng và tạo động lực phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Đến nay, hạ tầng mạng viễn thông truyền dẫn trên địa bàn huyện đã được cáp quang hóa 100%, kết nối đến tất cả các xã, thị trấn. 100% các trạm thu, phát sóng thông tin di động trong huyện đã phủ sóng di động 3G, 4G.
Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) từng bước phát triển, các phòng, ban, ngành của huyện, UBND các xã, thị trấn đều được kết nối mạng Internet băng thông rộng, mạng LAN được nâng cấp, bảo trì thường xuyên, đảm bảo truy cập thông suốt.
Huyện cũng kết nối với mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ, Cổng thanh toán tập trung Quốc gia và sẵn sàng kết nối đến cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương; thiết lập được nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của tỉnh và huyện.
Các phần mềm phục vụ công tác quản lý và điều hành được UBND huyện triển khai tích cực và hiệu quả. Hiện, 100% đơn vị, địa phương trong huyện thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận và xử lý trên hệ thống thông tin một cửa điện tử…
Nhiều ứng dụng trên nền tảng số được triển khai và áp dụng hiệu quả như hóa đơn điện tử; hồ sơ sức khỏe; định danh và xác thực điện tử; dạy học trực tuyến…
Toàn huyện hiện có 22 điểm cầu hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ các cuộc họp trực tuyến từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện và cấp xã, thị trấn, bảo đảm linh hoạt, thuận tiện, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và kinh phí.
Cùng với đó, nguồn nhân lực phục vụ CĐS trên địa bàn được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, từng bước nâng cao kỹ năng, trình độ khai thác dữ liệu, ứng dụng công nghệ số.
An ninh, an toàn thông tin mạng được đảm bảo nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp về an toàn dữ liệu, liên kết, vận hành, bảo mật cho các ứng dụng và cơ sở dữ liệu của tỉnh, các ngành với hệ thống thiết bị, phần mềm đồng bộ, hiện đại.
Cổng Thông tin – Giao tiếp điện tử huyện được vận hành, cập nhật dữ liệu thường xuyên theo quy định, kịp thời đăng tải công khai các thông tin và dịch vụ công trực tuyến, góp phần nâng cao tính minh bạch và đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn có bước phát triển mạnh mẽ, số lượng người dân có tài khoản điện tử không ngừng tăng lên, đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa trực tuyến.
85% siêu thị mini, cửa hàng kinh doanh ứng dụng máy POS và các thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt; 68% cửa hàng kinh doanh có mã QR để phục vụ người dân thanh toán qua tài khoản Internet banking; 65% người từ 18 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại tổ chức tín dụng.
100% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn huyện sử dụng hóa đơn điện tử. Các doanh nghiệp cũng tích cực tham gia các chương trình phổ biến kiến thức về công nghệ số, các mô hình kinh tế số, đổi mới sáng tạo trên nền tảng số.
Nhờ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, kết quả CĐS của huyện trong năm 2023 đã có sự bứt phá ngoạn mục. Từ vị trí thứ 5/9 huyện, thành phố năm 2022, Lập Thạch vươn lên vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng CĐS khối các địa phương trong tỉnh năm 2023 với 744,213/1.000 điểm, cao hơn năm 2022 là 161,8 điểm và cao hơn điểm tối đa của địa phương dẫn đầu năm 2022 là 113 điểm.
17/17 chỉ tiêu, nhiệm vụ CĐS của huyện đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, 2/9 nhóm tiêu chí thành phần là Hoạt động kinh tế số và Hoạt động chính quyền số của huyện xếp vị trí dẫn đầu toàn tỉnh.
Tuy nhiên, quá trình CĐS của huyện Lập Thạch vẫn còn không ít khó khăn. Hạ tầng công nghệ thông tin tuy đã được quan tâm đầu tư, song nhiều thiết bị đến nay đã xuống cấp, khó đáp ứng được nhu cầu xử lý công việc trên môi trường điện tử. Phần lớn cán bộ phụ trách công nghệ thông tin là cán bộ kiêm nhiệm, trình độ và kỹ năng còn hạn chế; nhận thức của một bộ phận người dân về những lợi ích CĐS chưa kịp thời…
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Lập Thạch tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số và tăng cường tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.
Tuyên tuyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp tiếp tục khai thác, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường phối hợp triển khai, lựa chọn những giải pháp công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây; Interrnet vạn vật; dữ liệu khối; tự động hóa; trí tuệ nhân tạo… để quản lý tập trung hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung toàn huyện, đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền số, đô thị thông minh và đảm bảo an toàn thông tin.
Quan tâm, bố trí kịp thời nguồn ngân sách và tăng cường huy động nguồn xã hội hóa đầu tư, hỗ trợ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; có cơ chế ưu đãi phù hợp để khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực phục vụ CĐS.
Từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
Nguồn: https://mic.gov.vn/lap-thach-dan-dau-ve-chuyen-doi-so-197240821085124281.htm