Sau đây, bác sĩ sẽ giải thích về việc có nên đi bộ khi bụng đói và đưa ra lời khuyên cho bạn.
Tập thể dục khi bụng đói liệu có tốt?
Theo phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Jen Roper, chuyên gia khoa học sức khỏe và con người tại Đại học Loyola Marymount (Mỹ), tập thể dục khi bụng đói thường an toàn đối với hầu hết mọi người, nhưng có thể dẫn đến tác dụng phụ, theo trang tin sức khỏe Health.
Tập thể dục khi bụng đói được gọi là bài tập tim mạch khi đói, thường gồm các bài tập thể dục nhịp điệu như đi bộ, chạy bộ, đạp xe. Cách tập này khiến cơ thể sử dụng năng lượng từ chất béo và carbohydrate dự trữ. Từ đó giúp giảm mỡ nhiều hơn, theo tờ Times Of India.
Nghiên cứu cho thấy tập thể dục khi bụng đói có thể giúp kiểm soát cân nặng. Nghiên cứu năm 2016 phát hiện ra rằng những người tập luyện khi bụng đói vào sáng sớm đốt cháy nhiều mỡ hơn.
Tập thể dục khi bụng đói, cơ thể có thể sử dụng protein làm nguồn năng lượng. Điều này cũng có thể giúp xây dựng và phục hồi cơ bắp.
Tuy nhiên, tập luyện khi bụng đói có thể khiến cơ thể yếu đi. Không ăn trước khi tập có thể dẫn đến đuối sức và hiệu suất tập luyện kém. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu có xu hướng giảm dẫn đến chóng mặt và buồn nôn.
Những ai nên tránh tập luyện khi bụng đói?
Tiến sĩ Dana Ellis Hunnes, chuyên gia dinh dưỡng tại Trường Y tế công cộng Fielding UCLA và tiến sĩ – bác sĩ Uma Naidoo, Giám đốc Khoa Tâm thần dinh dưỡng và chuyển hóa tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) đều đồng ý rằng, ngoại trừ người bệnh tiểu đường hoặc hạ đường huyết, tập thể dục khi bụng đói nói chung là an toàn.
Bác sĩ Naidoo lưu ý: Người bệnh tiểu đường không nên tập thể dục lúc bụng đói ngay khi thức dậy, vì có thể làm tăng tình trạng kháng insulin. Người đang dùng insulin để điều trị bệnh tiểu đường cũng vậy, theo Health.
Ngoài ra, bác sĩ Hunnes lưu ý: Nếu tập các bài tập cường độ trung bình đến cao và các bài tập sức bền kéo dài (hơn 1,5 giờ), bạn nên ăn một chút trước khi tập.
Nên ăn gì trước khi tập?
Theo các bác sĩ, nên ăn nhẹ với carbs và một ít chất béo, protein, như yến mạch hoặc lát bánh mì đen với bơ đậu phộng hoặc 1 quả chuối với một nắm hạt. Cần đảm bảo không ăn quá no để có thể tập luyện tốt, nhưng cũng đảm bảo glucose vẫn lưu thông trong hệ thống.
Riêng người bệnh tiểu đường hoặc mắc các bệnh cần phải ăn trước khi tập và nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Cuối cùng, các chuyên gia đồng ý rằng ăn hay không ăn trước khi tập luyện tùy vào từng người. Điều quan trọng nhất là mọi người phải vận động thường xuyên.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-giai-thich-di-bo-the-duc-khi-bung-doi-lieu-co-tot-185240821161306763.htm