Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, vấn đề Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhiều lần được Đảng đề cập trong các văn kiện khác nhau. Đến tháng 11/2022, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lần đầu tiên Đảng ta đã có một Nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết số 27-NQ/TW) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Báo Pháp luật Việt Nam cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó chú trọng làm rõ ý nghĩa của việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền để từng người dân nhận thức được giá trị của pháp luật; yêu cầu của việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện cơ chế thực thi pháp luật hiệu quả trong việc bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật…
Đóng góp ý kiến tại Tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, để xây dựng chủ nghĩa xã hội cần xác định ba trụ cột cốt lõi, đó là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, “dân là chủ”, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Theo ông Trần Đăng Vinh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, với hoạt động thanh tra, pháp luật chính là công cụ, phương tiện để đánh giá hành vi, việc làm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra đồng thời phát hiện những bất cập để hoàn thiện văn bản pháp luật.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị, cần tiếp tục chú trọng tới công tác pháp điển hóa, tổ chức con người, cách làm, cơ chế tài chính…, giúp quá trình thực thi pháp luật đơn giản hơn.
Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Vũ Hoài Nam – Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam chia sẻ, khi Báo Pháp luật Việt Nam được giao chủ trì Tọa đàm, Ban tổ chức rất bất ngờ trước sự quan tâm, tham gia của đông đảo nhà quản lý, các chuyên gia. Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều tham luận, ý kiến đa chiều về rất nhiều vấn đề và các kiến nghị, giải pháp thực hiện Nghị quyết 27.
Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết: “Kết quả Tọa đàm, các ý kiến tham gia Tọa đàm sẽ được ghi nhận, đăng tải trên các ấn phẩm của Báo. Báo Pháp luật Việt Nam đã xây dựng chuyên mục riêng về “Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Rất mong các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp… phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục đóng góp những ý kiến sâu sắc, thiết thực, góp phần triển khai Nghị quyết 27 mang lại thành quả như mong muốn”.
Nguồn: https://www.congluan.vn/bao-phap-luat-viet-nam-toa-dam-ve-xay-dung-va-hoan-thien-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-post308664.html