Sơn Hải xây ruộng bậc thang; PV Power đầu tư trạm sạc xe điện; Kịch tính ghế nóng Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai
Tasco Auto bắt tay Mitsui & Co; Kịch tính ghế nóng Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai; GELEX trở thành cổ đông lớn của Eximbank; Đường sắt bắt tay cùng siêu ứng dụng thuần Việt; PV Power xây trạm sạc xe điện…
Mitsui & Co trở thành cổ đông chiến lược của Tasco Auto
Tasco và Mitsui & Co, Ltd. (Mitsui) công bố đã hoàn tất thỏa thuận để Mitsui trở thành cổ đông chiến lược của Tasco Auto – đơn vị thành viên của Tasco và đồng hành cùng Tasco Auto để triển khai nhiều kế hoạch, chiến lược phát triển trong thời gian tới. Khoản đầu tư được giải ngân thành các đợt và đợt đầu tiên đã hoàn thành ngày 31/7/2024.
Tasco và Mitsui & Co, Ltd. (Mitsui) công bố đã hoàn tất thỏa thuận để Mitsui trở thành cổ đông chiến lược của Tasco Auto |
Thông qua việc hợp tác này, Tasco Auto sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm vận hành, quản trị quốc tế, tối ưu hiệu quả cũng như tận dụng được vị thế, mạng lưới sẵn có từ đối tác; qua đó cụ thể hóa tiềm năng tăng trưởng của ngành và tiếp tục theo đuổi các mục tiêu phát triển trong dài hạn. Đồng thời, Mitsui sẽ mang đến những giải pháp công nghệ, tư vấn và đồng hành cùng Tasco nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện cấu trúc quản trị, giúp bộ máy tinh gọn và hiệu quả.
Về phía Mitsui, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Nhật Bản tham gia sâu hơn vào các lĩnh vực đang phát triển rất nhanh tại một thị trường 100 triệu dân như Việt Nam.
Mitsui & Co là tập đoàn thương mại và đầu tư hàng đầu Nhật Bản hiện diện ở hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ với hoạt động kinh doanh trải dài ở nhiều lĩnh vực. Tập trung chiến lược của Mitsui & Co vào bền vững và đổi mới. Công ty tìm kiếm, phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh của mình thông qua quan hệ đối tác toàn cầu với các đối tác đáng tin cậy bao gồm các công ty hàng đầu thế giới, kết hợp thế mạnh về mặt địa lý và ngành nghề để tạo ra giá trị bền vững lâu dài và thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cho các bên liên quan.
Tasco Auto là nhà phân phối ô tô hàng đầu tại Việt Nam, chiếm khoảng 13,3% thị phần ô tô tại Việt Nam, là đối tác tin cậy của 14 thương hiệu xe ô tô qua hệ thống 90 showroom trải dài từ Bắc vào Nam, trong đó có nhiều thương hiệu lớn như Toyota (gần 20% thị phần), Ford (gần 30% thị phần), Mitsubishi… và xe sang Volvo, góp phần đưa thương hiệu này trở thành top 3 xe sang được ưa thích nhất tại thị trường trong nước chỉ sau 1 thời gian ngắn.
Kịch tính gương mặt ghế nóng Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai
Vị trí Giám đốc kiêm đại diện người pháp luật của Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai được đổi sang bà Lê Thị Hoàng Yến vào ngày 05/08 mới đây. Bà Yến, sinh năm 1987 chính là con gái của ông chủ Mường Thanh Lê Thanh Thản.
Bà Lê Thị Hoàng Yến là Giám đốc kiêm đại diện người pháp luật của Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai |
Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bán lại cho Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai hồi nửa cuối năm 2023, mang về khoản lợi nhuận ước tính hơn 144 tỷ đồng cho Tập đoàn.
Công ty Hoàn Sinh Gia Lai cũng chỉ mới thành lập vài ngày trước thời điểm tiếp nhận khách sạn nổi tiếng nhất phố núi Pleiku này.
Vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng, trụ ở tại đường 3/2, quận 10, TP.HCM. Cơ cấu cổ đông lúc mới thành lập gồm bà Nguyễn Thị Huyền nắm 51% và ông Đỗ Xuân Đức 49%. Ông Đức đảm nhiệm chức vụ Giám đốc và người đại diện pháp luật Công ty.
Chủ nhân mới của khách sạn Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu lộ diện dần từ tháng 5 năm nay.
Cụ thể, vào ngày 20/05, bà Đoàn Thị Nguyên Nguyên (em gái của ông Đoàn Nguyên Đức) ngồi vào vị trí của ông Đỗ Xuân Đức. Ngày 10/06, vị trí này tiếp tục đổi qua bà Nguyễn Thị Huyền, cổ đông lớn ban đầu của Hoàn Sinh Gia Lai. Ngày 26/07, Doanh nghiệp thay đổi địa chỉ đăng ký từ quận 10, TP.HCM về địa điểm của khách sạn, số 01 Phù Đổng, phường Phù Đổng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ngày 02/08, Công ty giảm vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng còn gần 51 tỷ đồng. Ông Đỗ Xuân Đức thoái hết vốn, thay vào đó là bà Nguyên nắm 52,127% và bà Huyền nắm 47,873%. Ba ngày sau, 05/08, bà Lê Thị Hoàng Yến chính thức ngồi vào ghế Giám đốc và người đại diện pháp luật Công ty.
Bà Lê Thị Hoàng Yến sinh năm 1987, từng có nhiều năm du học ở Anh trước khi về tiếp quản vị trí Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Mường Thanh khi chưa đầy 30 tuổi.
GELEX trở thành cổ đông lớn của Eximbank
Sau các giao dịch với tổng 89 triệu cổ phiếu, GELEX sở hữu 174,6 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank, tương đương 10% vốn điều lệ của ngân hàng này. Như vậy, GELEX hiện là cổ đông lớn nhất của Eximbank.
GELEX sở hữu 174,6 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank |
Eximbank đón cổ đông mới trong bối cảnh có nhiều tín hiệu lạc quan Về triển vọng trong tương lai. Hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings vừa công bố mức tín nhiệm đối tác dài hạn của Eximbank giữ nguyên “B+” với triển vọng “Ổn định”, tương đương với mức xếp hạng đã công bố vào tháng 7/2023. Đáng chú ý, tổ chức xếp hạng này đã chỉ ra sự cải thiện tích cực từ các chỉ số về hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của Eximbank trong năm 2023.
Theo đó, lợi nhuận Eximbank đã trở về mức bình thường với ROA đạt 1,1%, so với mức 1,7% trong năm 2022. Điều này phản ánh độ nén của biên lãi thuần (NIM) sau một loạt hành động cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Dù vậy, theo thống kê của Chứng khoán MB, Eximbank là một trong số ít các ngân hàng thương mại cổ phần tầm trung có sự cải thiện tích cực về NIM trong thời gian vừa qua, cùng với các nhà băng khác như HDBank, TPBank, Seabank hay Techcombank.
Ngoài ra, S&P Global cũng ghi nhận Eximbank đã cân đối lại danh mục cho vay vốn đem lại biên độ lợi nhuận cao theo hướng tập trung vào các khoản cho vay khách hàng cá nhân, khách hàng SME, đồng thời xử lý các khoản nợ xấu tồn đọng.
Các nỗ lực tái cơ cấu kinh doanh trên đã giúp ngân hàng duy trì mức sinh lời cao hơn. Đây là cơ sở để giữ nguyên đánh giá tín nhiệm đối tác dài hạn B+ và triển vọng “Ổn định” đối với Eximbank trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Về phía GELEX, luỹ kế 7 tháng đầu năm, GELEX ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 18.527 tỷ đồng, tương đương 57% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.975 tỷ đồng, thực hiện 103% kế hoạch năm. Như vậy, đến thời điểm này, doanh nghiệp này đã vượt kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2024.
Lý giải về việc này, doanh nghiệp cho biết, bên cạnh khoản lợi nhuận thu về từ việc hoàn tất chuyển nhượng 3/4 dự án năng lượng tái tạo cho Sembcorp, các công ty con thuộc mảng sản xuất thiết bị điện của GELEX đã có kết quả kinh doanh tích cực khi tập trung vào công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực quản trị, đẩy mạnh công tác marketing bán hàng…
Hiện, GELEX cũng đang bắt tay với nhiều “ông lớn” đến từ Singapore như Sembcorp, Frasers Property để phát triển các trung tâm công nghiệp theo mô hình cao cấp, đạt chuẩn quốc tế; tìm kiếm các cơ hội trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Đường sắt bắt tay cùng siêu ứng dụng thuần Việt
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã ký kết chiến lược bắt tay cùng “siêu ứng dụng thuần Việt” của BE GROUP để bán vé, chọn ghế online, tích hợp đa phương tiện độc nhất 5 trong 1: Máy bay – Tàu hoả – Xe máy – Xe hơi – Xe khách.
Đại diện Đường sắt Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ghi nhận gần 3,7 triệu lượt khách, tăng trưởng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) bán vé trên ứng dụng BE |
Trong đó, các tuyến đường “bán chạy nhất” có thể kể đến: Sài Gòn đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng; Hà Nội đi Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Lào Cai, Hải Phòng; Nha Trang đi Đà Nẵng; Đà Lạt – Trại Mát. Bên cạnh điểm đến, các yếu tố tác động mạnh mẽ đến quyết định mua vé tàu hỏa bao gồm: Giá cả, Thời gian đến và Loại chỗ ngồi/nằm cũng như chất lượng tàu.
Điều đặc biệt hơn cả là, du lịch bằng tàu hỏa đang ngày càng thu hút nhóm hành khách trẻ và gia đình trẻ đi tìm các trải nghiệm “xê dịch” thú vị, mộng mơ, giá cả lại hợp lý: vừa có không gian khoang tàu lịch sự, vừa nhìn ngắm các cung đường đẹp như mơ khắp mọi miền tổ quốc với giá bán vé chỉ từ 32.000 đồng một chặng…
Sự phát triển này một phần có thể được giải thích bằng chiến lược hợp tác với các siêu ứng dụng, với hơn 50% lượt vé bán qua trực tuyến.
Đơn cử như sự hợp tác với siêu ứng dụng BE, đây là siêu ứng dụng tiên phong có đủ cả 5 loại thức di chuyển từ ô tô, xe máy, máy bay, tàu hoả, xe buýt trên cùng một ứng dụng với tập khách hàng lên tới hơn 10 triệu.
Khi sử dụng mua vé tàu hoả trên BE, khách hàng không những có thể mua vé trước, mà còn có thể chọn ghế, chọn khoang VIP, áp dụng đa dạng tất cả các phương thức thanh toán bao gồm cả Ví trả sau bePaylater với lãi suất ưu đãi, cũng như đa tầng khuyến mại giảm giá đa dạng trên BE
Sở hữu hơn 10 triệu người dùng, BE hiện là ứng dụng bậc nhất tích hợp đầy đủ 5 trong 1 loại hình di chuyển: Máy bay – Tàu hoả – Xe máy – Xe hơi – Xe khách, với hàng trăm nghìn tài xế cũng như hàng nghìn đối tác tích hợp vào nền tảng, tạo thành hệ sinh thái vận chuyển vô cùng đồ sộ và đặc thù.
PV Power xây xong trạm sạc xe điện thí điểm đầu tiên
Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) cho biết đang nghiên cứu và tiến hành đầu tư xây dựng trạm sạc xe điện thí điểm đầu tiên.
Theo đó, PV Power đã ký biên bản Thỏa thuận hợp tác với EN Technologies Inc. để nghiên cứu và phát triển hệ thống trạm sạc tại Việt Nam. Sau thời gian nghiên cứu, đánh giá, PV Power đã quyết định triển khai xây dựng trạm sạc xe điện thí điểm tại số 6 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.
Trạm sạc nhanh đầu tiên do PV Power hợp tác với EN Technologies Inc xây dựng |
Trạm sạc nhanh DC có tổng công suất sử dụng 100-120 kW. Diện tích đặt trạm khoảng 30-35 m2. Trạm sạc gồm 2 cây sạc dạng tủ đứng, có trang bị 2 cổng sạc với công suất từ 50 – 60kW/cổng sạc. Cây sạc có trang bị màn hình hiển thị, thanh toán qua hình thức quét mã QR. Tổng chi phí đầu tư của dự án khoảng hơn 1,8 tỷ đồng.
Doanh thu sạc điện tính trên sản lượng sạc ước tính và đơn giá sạc dự kiến chia 3 mức đơn giá theo các khung giờ thấp điểm, bình thường và cao điểm. Trong đó, đơn giá sạc trung bình dự kiến khoảng 3.858 đồng/kWh, mức giá tương đương với trạm sạc do Vinfast vận hành và thấp hơn một số đơn vị khác như EverCharge, EV One…
Đối tác nước ngoài của PV Power, EN Technologies Inc. được thành lập vào năm 2003 với sự góp vốn của Samsung SDI và LG Electronics. Năm 2007, công ty nhận được khoản đầu tư 45 triệu USD từ liên doanh Samsung và Ngân hàng IBK (Industrial Bank of Korea). Đến năm 2011, công ty tiếp tục được đầu tư 10 triệu USD từ LG Electronics.
Theo giới thiệu, EN Technologies Inc. hoạt động trong lĩnh vực điện tử công suất và thiết bị đóng cắt điện. Công ty là công ty thứ ba có thể sản xuất và cung cấp nguồn điện plasma bên cạnh những doanh nghiệp Hoa Kỳ và Đức. Gần đây, EN Technologies Inc. mở rộng hoạt động kinh doanh sang bộ sạc ESS và EV.
Bên cạnh PV Power, một doanh nghiệp nhà nước khác đã tự sản xuất và lắp đặt trạm sạc nhanh cho ô tô điện từ lâu là EVN, thậm chí còn trước khi Vinfast xây trạm sạc. Theo đó, từ năm 2017, Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nghiên cứu và chế tạo trạm sạc cho xe điện.
Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung đã lắp đặt trạm sạc cho 13 Công ty điện lực thành viên và hợp tác thử nghiệm trạm sạc xe điện kết nối với hệ thống điện mặt trời với Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL).
Tập đoàn Sơn Hải xây một bản làng mới và ruộng bậc thang
Sau những trận lở đất ở vùng bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) năm 2020, Tập đoàn Sơn Hải đã quyết định đầu tư hơn 33 tỷ đồng xây dựng một bản làng mới với 56 ngôi nhà kiên cố để tặng những hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở cao của xã Hướng Lập.
Cùng với 56 ngôi nhà, Tập đoàn Sơn Hải xây dựng 7,5 ha ruộng bậc thang cho dân bản sản xuất. |
56 ngôi nhà đã được khởi công xây dựng từ năm 2022 đến nay đã hoàn thiện. Ngoài ra, mỗi hộ còn được tặng một con bò, 1 ti vi kèm mạng wiFi. Tập đoàn này còn hỗ trợ gạo ăn cho dân bản trong 3 năm đầu.
Ngoài việc tặng nhà, Sơn Hải còn xây tặng một trường mầm non, một trường tiểu học trong bản kèm nhà ở cho giáo viên cắm bản.
Tập đoàn này còn xây dựng 7,5 ha ruộng bậc thang cho dân bản sản xuất.
Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch tập đoàn Sơn Hải là người đưa ra ý tưởng về bản làng đặc biệt này. Ông Hải cho biết mình bắt đầu nghĩ về một nơi ở an toàn cho người dân vùng bắc Hướng Hóa khi chứng kiến những trận sạt lở liên tục trong mùa mưa bão năm 2020.
Tập đoàn Sơn Hải được thành lập từ năm 1998, là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất ở Quảng Bình. Sau hơn 2 thập kỷ thành lập, bên cạnh mảng cốt lõi là xây dựng, kinh nghiệm, quan hệ cũng như nguồn lực tích góp được đã giúp Sơn Hải mở rộng mạnh mẽ sang các lĩnh vực thâm dụng vốn nhưng cũng đầy tiềm năng là năng lượng và bất động sản.
Tính đến tháng 5/2023, vốn điều lệ của Sơn Hải ghi nhận ở mức 2.366 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên nắm 99,912%, còn ông Lê Thanh Hướng, Giám đốc nắm 0,088% vốn điều lệ.
Là một nhà thầu có trụ sở tại Quảng Bình, Công ty Sơn Hải bắt đầu được dư luận chú ý từ năm 2014 khi tham gia dự án mở rộng quốc lộ 1A. Lúc bấy giờ, các đoạn đường thường chỉ được các nhà thầu bảo hành 2 năm, nhưng riêng Sơn Hải đã tuyên bố bảo hành tới 5 năm cho 2 gói thầu mà mình thực hiện, là gói thầu số 10 và gói thầu số 14 dài 15km đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình.
Năm 2022, Tập đoàn Sơn Hải tiếp tục gây xôn xao dư luận khi gửi văn bản tới Bộ Giao thông -Vận tải xin được cam kết bảo hành 10 năm đối với những gói thầu trên những tuyến cao tốc do tập đoàn này thi công.
Những gói thầu này gồm gói thầu 10-XL thuộc dự án Mai Sơn – quốc lộ 45; gói thầu XL-01 thuộc dự án Nghi Sơn – Diễn Châu; toàn bộ dự án Nha Trang – Cam Lâm và các gói thầu tiếp theo của giai đoạn 2 trên tuyến cao tốc Bắc – Nam mà đơn vị này đảm nhận thi công.
Nguồn: https://baodautu.vn/son-hai-xay-ruong-bac-thang-pv-power-dau-tu-tram-sac-xe-dien-kich-tinh-ghe-nong-khach-san-hoang-anh-gia-lai-d222635.html