DNVN – Kết quả đánh giá 63 cổng Dịch vụ công năm 2024 cho thấy, các cổng dịch vụ công chưa đáp ứng nhu cầu người dùng, chủ yếu do quy trình hành chính gốc còn phức tạp và chưa số hóa hoàn toàn.
Tại tọa đàm chuyên đề “Đánh giá 63 Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh từ góc độ người dùng năm 2024” ngày 21/8, ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, cho biết, trong bối cảnh Chính phủ số đang phát triển mạnh mẽ, các cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) giữ vai trò then chốt, kết nối Nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Đánh giá các cổng DVC từ góc độ người dùng là cực kỳ quan trọng để bảo đảm rằng chuyển đổi số đáp ứng đúng nhu cầu và kỳ vọng của người dân.
Theo kết quả đánh giá 63 cổng DVC năm 2024, các địa phương đã có một số cải thiện trong việc cung cấp DVCTT so với kết quả rà soát năm 2023. Nhiều cổng DVC đạt mức ‘tốt’ ở hai tiêu chí “Cung cấp thông tin hỗ trợ” và “Mức độ dễ sử dụng của các công cụ tra cứu”.
Ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam.
Tuy nhiên, tất cả 63 cổng DVC đều có những điểm chưa thuận tiện cho người sử dụng, cho dù họ là công chức hay người dân, nhất là với những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, người khuyết tật. Tất cả các tỉnh, thành phố cần đầu tư cải thiện các cổng DVC về nhiều mặt để tăng mức độ thuận tiện, thân thiện, tính tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của mọi người dùng.
“Nhìn chung, các cổng DVC chưa đáp ứng nhu cầu của người dùng, chưa đạt được mục đích cuối cùng là tạo sự thuận tiện khi thực hiện các thủ tục hành chính. Nhiều người dùng cổng DVC vẫn chưa thể tự làm thủ tục mà phải dựa vào sự hướng dẫn trực tiếp hoặc làm thay của đội ngũ công chức”, ông Nguyễn Đức Lâm – đại diện nhóm nghiên cứu đánh giá.
Ông Nguyễn Đức Lâm – đại diện nhóm nghiên cứuđánh giá 63 cổng Dịch vụ công năm 2024.
Cũng theo kết quả nghiên cứu, có đến 60 cổng DVC chưa đạt ở tiêu chí về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư; 39 cổng DVC chưa đạt ở tiêu chí về mức độ tiếp cận đối với người khuyết tật. Hầu hết các cổng DVC mới chỉ đạt mức trung bình về độ tương thích với cả máy tính và điện thoại thông minh.
“Một trong những nguyên nhân gốc rễ của những bất cập và vướng mắc là quy trình và thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp và chưa được số hóa hoàn toàn. Các DVCTT vẫn được đưa lên cổng DVC theo quy trình, thủ tục thực hiện trên giấy và trực tiếp, thay vì theo cách số hóa và gián tiếp…”, ông Lâm nêu.
Để cải thiện việc cung ứng DVCTT, nhóm nghiên cứu khuyến nghị các tỉnh, thành phố cần thực hiện rà soát và khắc phục các lỗi kỹ thuật trên cổng DVC, bảo đảm tính hiệu quả, thực chất và công khai thông tin để nâng cao tính thuận tiện, dễ tiếp cận và thân thiện với người dùng.
Năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc triển khai và cung cấp DVCTT cần được năng cao, đồng thời với công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về sự tiện lợi của cổng DVC và DVCTT.
“Điều quan trọng nhất là phải chuyển đổi tư duy về môi trường số, tập trung vào việc xây dựng các chính sách và triển khai DVCTT từ góc độ quản trị số. Trong đó, chú trọng thúc đẩy tương tác tự nhiên trên môi trường số giữa bên cung ứng và bên sử dụng DVCTT.
Ứng dụng công nghệ số và kết nối dữ liệu cần được thực hiện một cách linh hoạt để gỡ bỏ các rào cản hành chính, đồng thời bảo đảm dữ liệu được chia sẻ và kết nối hiệu quả”, ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) khuyến nghị.
Minh Thu
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/xa-hoi-so/quy-trinh-thu-tuc-hanh-chinh-tren-63-cong-dich-vu-cong-con-phuc-tap/20240821104042914