Sáng 20.8, tiếp tục phiên họp 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo.
Báo cáo dự thảo kế hoạch giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội (QH) Nguyễn Đắc Vinh cho biết mục đích của giám sát là đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Cùng đó, đánh giá được thực trạng nguồn nhân lực; kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Từ đó, đề xuất các kiến nghị, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cũng theo ông Vinh, đối tượng giám sát là Chính phủ, các bộ: GD-ĐT, LĐ-TB-XH, Nội vụ, KH-ĐT và một số bộ, ngành liên quan cùng UBND 63 tỉnh, thành. Phạm vi giám sát trong giai đoạn 2021 đến hết 31.12.2024 (từ Đại hội XIII của Đảng tới nay) trên phạm vi cả nước. Đoàn giám sát cũng dự kiến sẽ tiến hành giám sát trực tiếp tại 10 địa phương, gồm: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đắk Lắk, Khánh Hòa, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Trà Vinh. Trưởng đoàn giám sát sẽ quyết định địa bàn cụ thể, nội dung và hình thức làm việc cũng như việc mời chuyên gia, đại diện một số cơ quan, tổ chức liên quan tham gia đoàn giám sát.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn tán thành với mục đích của chuyên đề giám sát. Theo đó, việc giám sát cần tập trung sâu vào vấn đề đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, chỉ ra được mặt mạnh, kết quả đạt được cũng như mặt hạn chế trong thời gian qua. Từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chủ tịch QH đề nghị đoàn giám sát cần đánh giá, phân tích xem việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực thời gian qua đã phù hợp chưa. “Đào tạo thì phải có việc làm. Vừa qua có thời gian học theo phong trào, thấy lĩnh vực gì dễ thì đăng ký học nhưng ra không có việc làm, thầy nhiều hơn thợ”, Chủ tịch QH nêu. Cạnh đó, Chủ tịch QH cũng đề nghị báo cáo giám sát phải có số liệu đầy đủ, đưa ra được bức tranh tương đối toàn diện về thực trạng nguồn nhân lực hiện nay. Đánh giá rõ quy mô, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực của VN trong tương quan với các nước khu vực và thế giới, qua đó mới đưa ra các kiến nghị đề xuất đúng thẩm quyền, trách nhiệm.
“Chúng ta giám sát nhiều, đi thực tế nhiều nhưng sản phẩm cuối cùng của giám sát là kiến nghị. Khi kiến nghị phải kiến nghị cơ quan nào, ngành nào thực hiện cần chỉ ra cho rõ. Mỗi thành viên đoàn giám sát phải thật sự trách nhiệm, có sản phẩm tham gia góp ý, đề xuất của mình, nhất là quan điểm đối với kết luận giám sát”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Vẫn theo Chủ tịch QH, việc giám sát cũng phải thật sự đổi mới, lấy hiệu quả làm chính, tránh đi nhiều địa phương, nhiều ngành để giám sát nhưng hiệu quả không cao. “Chúng ta phải cân nhắc, thà chúng ta đi ít nhưng hiệu quả, họp ít nhưng chúng ta nắm vấn đề qua nhiều kênh, báo cáo của các ngành đã có giám sát, kiểm tra sẽ hiệu quả hơn”, Chủ tịch QH lưu ý.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/giam-sat-phai-doi-moi-tang-cuong-hieu-qua-185240820231831389.htm