Ngày 20/8, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên”.
Chủ trì hội thảo gồm: GS.TS Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Đinh Ngọc Giang – Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Lê Văn Đính – Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III.
Hội thảo nhằm có cơ sở cung cấp những luận cứ khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh theo hướng bền vững, qua đó, góp phần tư vấn chủ trương Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc triển khai tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII và Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Theo đó, Ban tổ chức đã tiếp nhận và tuyển chọn được hơn 41 bài tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý và hoạt động thực tiễn từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực III, từ các cơ quan nghiên cứu, các trường Chính trị; các Sở, Ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội của các địa phương khu vực miền Trung- Tây Nguyên.
Các tham luận gửi đến Ban tổ chức và các tham luận được trình bày cùng các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã đánh giá, luận giải một cách khách quan, khoa học và thẳng thắn những vấn đề lý luận và thực tiễn về: bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, Quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các công ước quốc tế về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được UNESCO ghi danh;
Những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên; các định hướng chính sách và giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh theo hướng bền vững trong tình hình mới.
Các tham luận và các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã đề xuất nhiều kiến nghị với 4 nhóm giải pháp chính gồm: Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo, quản lý các địa phương; cho chủ thể di sản trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên;
Thứ hai, nghiên cứu và ban hành một số cơ chế phù hợp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, cụ thể hóa những chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân trong các loại hình nghệ thuật truyền thống này. Quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động cho địa phương, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân dân gian, các câu lạc bộ, các địa phương duy trì thường xuyên hoạt động thực hành di sản. Gắn kết chặt chẽ giữa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa với các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng, nhất là vùng dân tộc thiểu số, miền núi và có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản, kể cả trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới;
Thứ ba, tăng cường ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học, các tổ chức quốc tế ở nước ngoài nhằm mục đích học hỏi kinh nghiệm, học hỏi chiến lược bảo tồn, khai thác di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển kinh tế – xã hội;
Thứ tư, tiếp tục hợp tác chặt chẽ với UNESCO và các tổ chức quốc tế khác để tiếp nhận sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm trong công tác bảo tồn di sản.
Trên cơ sở các tham luận và các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, Ban tổ chức hội thảo sẽ tổng hợp và chắt lọc để đề xuất kiến nghị với các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên về các giải pháp đột phá nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh theo hướng bền vững trong tình hình mới.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện sở hữu 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản văn hóa vật thể và thiên nhiên, 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh.
Việc các di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh một mặt vừa khẳng định giá trị của các di sản, mặt khác góp phần nâng cao uy tín, vị thế, nhận thức của cộng đồng quốc tế và cộng đồng thực hành bảo vệ di sản của họ. Việc ghi danh cũng góp phần tăng cường các nguồn lực quốc tế, từ các Chính phủ, các tổ chức và từ các chương trình, dự án của địa phương trong đầu tư bảo vệ di sản.
Mặt khác, di sản được ghi danh cũng tạo nên hiệu ứng hấp dẫn, thu hút khách du lịch, hình thành các sản phẩm văn hóa, du lịch từ di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Quan trọng hơn, việc ghi danh sẽ tác động tới nhận thức, là nguồn động viên lớn của cộng đồng trong việc chung tay bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị di sản.
Trong tổng số 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, ở miền Trung – Tây Nguyên có 5 di sản, bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế (UNESCO ghi danh năm 2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ (2017) và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (2022).
Với 5 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trong hơn 20 năm qua, khu vực miền Trung – Tây Nguyên tự hào là một vùng đất hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa tinh thần vô giá của dân tộc. Trí tuệ, tâm hồn, sức sáng tạo của các cộng đồng dân cư, các tộc người sinh sống trên dải đất nhiều nắng gió này được kết tinh trong âm nhạc, trong các làm điệu dân ca, dân vũ, trong tinh thần gắn kết cộng đồng bền chặt,…
Có thể nói, các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tạo nên những điểm nhấn đặc sắc trong bức khảm văn hóa miền Trung – Tây Nguyên, góp phần làm nên đặc trưng thống nhất trong đa dạng, giàu bản sắc của văn hóa Việt Nam.
Nguồn: https://toquoc.vn/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-phi-vat-the-duoc-unesco-ghi-danh-tren-dia-ban-mien-trung-tay-nguyen-20240820094731474.htm