Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Phan Thị Minh Giang nêu bật các nỗ lực phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế để tạo lập môi trường di cư an toàn, ngăn ngừa nguy cơ mua bán người trong bối cảnh mới.
Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Phan Thị Minh Giang chia sẻ tại Bàn tròn trực tuyến “Phòng chống mua bán người: Cuộc chiến không khoan nhượng” của Báo Thế giới và Việt Nam. |
Chia sẻ tại Bàn tròn trực tuyến “Phòng chống mua bán người: Cuộc chiến không khoan nhượng” của Báo Thế giới và Việt Nam, bà Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, đã chỉ ra những nguy cơ từ tội phạm mua bán người trong bối cảnh hiện nay, đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực và phương hướng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là trẻ em, trong thời gian tới.
Thưa bà, xin bà cho biết thực trạng mua bán người, đặc biệt là mua bán trẻ em ở Việt Nam hiện nay?
Thời gian qua, tình hình mua bán người ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, cả mua bán người trong nước và mua bán người qua biên giới.
Ở trong nước, chủ yếu xảy ra các vụ việc mua bán người nhằm mục đích cưỡng bức lao động, phần lớn là bị ép buộc phục vụ trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (quán karaoke, massage…); một số ít thì bị ép buộc làm việc trên tàu cá.
Đối với mua bán người qua biên giới, chúng ta biết rằng, từ năm 2021 cho đến nay, khu vực Đông Nam Á nổi lên là địa bàn trọng điểm của hoạt động tội phạm mua bán người tại các cơ sở lừa đảo trực tuyến nhằm mục đích ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, vẫn có một bộ phận công dân bị lừa gạt đi làm việc ở một số nước trong khu vực, bị ép làm việc tại các sòng bài, cơ sở lừa đảo trực tuyến, bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng, trên các tuyến biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia, hoạt động tuyển mộ nam, nữ (chủ yếu trong độ tuổi 14-28) để tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài (bao gồm xuất cảnh hợp pháp và trái phép) nhằm mục đích bóc lột lao động, cưỡng bức làm việc vẫn có xu hướng tăng.
Thủ đoạn phổ biến hiện nay của tội phạm mua bán người là sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Telegram…) hoặc lập trang mạng quảng cáo việc làm, tiếp cận nạn nhân bằng ứng dụng hẹn hò, thông qua các hội nhóm sử dụng tên tuổi, địa chỉ giả để kết bạn làm quen, lừa gạt, đe dọa, ép ghi giấy nợ…
Cũng tương tự như mua bán người trong nước, thủ đoạn chính của tội phạm mua bán người ra nước ngoài là sử dụng mạng xã hội để quảng cáo về “việc nhẹ lương cao” (800-1.000 USD/tháng) nhằm tiếp cận nạn nhân. Khi nạn nhân đồng ý đi nước ngoài làm việc thì tổ chức, hướng dẫn nạn nhân ra nước ngoài.
Nạn nhân bị ép buộc làm những công việc như: lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, làm việc tại sòng bạc; lôi kéo khách hàng tham gia đánh bạc trên mạng. Trong quá trình làm việc, nạn nhân bị ép làm việc khổ cực (15-16h/ngày), không được cho ra ngoài, không được trả lương đúng cam kết, bị mua đi bán lại giữa các công ty nếu làm việc không hiệu quả. Người nào từ chối làm việc, muốn quay trở về Việt Nam thì bị đánh đập, giam giữ, bắt ký giấy nợ và phải nộp tiền chuộc rất cao (1.500-3.000 USD, thậm chí lên tới 8.000 USD/người).
Theo số liệu năm 2023, trong tổng số 311 trường hợp được xác định là nạn nhân bị mua bán, có 146 người dưới 18 tuổi, trong đó có 121 nạn nhân là trẻ em (dưới 16 tuổi) (chiếm tỷ lệ gần 39%). Năm 2022, có 74 người dười 18 tuổi trên tổng số 255 nạn nhân bị mua bán, trong đó 23 trường hợp là trẻ em. Như vậy, số lượng nạn nhân bị mua bán là trẻ em trong năm 2023 tăng gấp hơn 5 lần so với năm 2022.
“Thủ đoạn phổ biến hiện nay của tội phạm mua bán người là sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Telegram…) hoặc lập trang mạng quảng cáo việc làm, tiếp cận nạn nhân bằng ứng dụng hẹn hò, thông qua các hội nhóm sử dụng tên tuổi, địa chỉ giả để kết bạn làm quen, lừa gạt, đe dọa, ép ghi giấy nợ…” |
Với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng số, trẻ em đang đứng trước những rủi ro trên môi trường mạng, trong đó có nguy cơ mua bán người. (Nguồn: Gia đình) |
Trong bối cảnh phát triển của các nền tảng số hiện nay, trẻ em đang đối mặt với những nguy cơ nào từ tội phạm mua bán người?
Theo Báo cáo Tổng quan kỹ thuật số toàn cầu công bố đầu năm 2024 của Wearesocial, tính đến đầu năm 2024, trên toàn thế giới có 5,35 tỉ người sử dụng internet, chiếm 66% dân số thế giới; 5,04 tỉ người dùng mạng xã hội, tăng 5,6% so với năm 2023; thời gian sử dụng trung bình mạng xã hội hàng ngày là 2 giờ 23 phút.
Tại Việt Nam có hơn 78 triệu (78,44 triệu) người dùng internet, tương đương 79,1% dân số. Có 72,7 triệu tài khoản mảng xã hội, tương đương với 73,3% dân số Việt Nam.
Theo khảo sát năm của Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 89% trẻ em sử dụng internet, 87% sử dụng hàng ngày, trong khi chỉ có 36% người trong độ tuổi từ 16-17 tuổi được dạy về an toàn mạng.
Trẻ em được xem là đối tượng dễ bị nhắm tới. Tội phạm mua bán người lợi dụng tình trạng tổn thương của trẻ em như: các vấn đề về tâm lý, thể chất, cảm xúc, gia đình…; sử dụng các nền tảng xã hội, các ứng dụng nhắn tin, phòng chát, ứng dụng hẹn hò, quảng cáo nhằm tiếp cận và tuyển mộ trẻ em cho mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động và những hình thức bóc lột khác.
Cơ quan Phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã chỉ ra có hai chiến lược mà tội phạm mua bán người sử dụng đó là săn mồi và câu mồi. Săn mồi tức là chủ động tìm kiếm nạn nhân. Câu mồi là để nạn nhân tự sập bẫy.
Những thủ đoạn này dường như dễ dàng hơn khi được áp dụng cho trẻ em bởi trẻ em có nhận thức, hiểu biết còn hạn chế, dễ tin tưởng người lạ (ví dụ như quảng cáo việc làm với cơ hội hấp dẫn dễ làm cho trẻ em tin theo và sập bẫy).
Với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng số, trẻ em đang đứng trước những rủi ro trên môi trường mạng, trong đó có nguy cơ mua bán người nếu như chúng ta không tăng cường các biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.
Trước thực trạng mua bán người có những xu hướng mới như trên, Việt Nam đã triển khai các biện pháp gì nhằm phòng, chống mua bán người, đặc biệt là mua bán trẻ em?
Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhiệm vụ phòng, chống mua bán người theo Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm mua bán người, giảm nguy cơ mua bán người.
Có thể kể đến các những giải pháp, nhiệm vụ như truyền thông phòng ngừa; đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; truy tố xét xử tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân; hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế.
Về hợp tác quốc tế, Việt Nam tích cực tham gia các cơ chế, diễn đàn quốc tế, khu vực về di cư, phòng, chống mua bán người như Tiến trình Bali, Tiến trình COMMIT; triển khai có hiệu quả các hiệp định, bản ghi nhớ về hợp tác song phương trong phòng, chống mua bán người.
Trước thực trạng mua bán người có những xu hướng mới như hiện nay, các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các nhóm giải pháp nhiệm vụ nêu trên, đồng thời đặc biệt tập trung ưu tiên tăng cường công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Đối với trẻ em, một số chương trình liên quan đến trẻ em đã đề ra nhiều giải pháp nhằm góp phần phòng, chống mua bán người, ví dụ như:
Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” (Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ) nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật;
Chương trình “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó một trong những nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình là phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đã ban hành “Kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021-2025” (Kế hoạch 506).
Năm 2021, Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được thành lập với sự tham gia của 24 đơn vị bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì điều phối)… nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động của TikTok tại Việt Nam, phát hiện 110 nhóm với gần 15 triệu thành viên (30% là trẻ em; 40% là thanh thiếu niên).
Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Lào về hợp tác phòng, chống mua bán người năm 2010-2022. (Nguồn: tapchivietlao) |
Trong nhiều vụ mua bán người, bao gồm trẻ em, các nạn nhân bị đưa qua biên giới sang nước ngoài. Vậy công tác bảo hộ và giải cứu công dân Việt Nam trong các trường hợp này đang được triển khai như thế nào?
Công tác bảo hộ và giải cứu công dân cho đến nay được thực hiện rất khẩn trương, kịp thời. Có những vụ việc do cơ quan chức năng trong nước trực tiếp thực hiện thông qua phối hợp với lực lượng chức năng nước ngoài. Có những vụ việc do phía nước ngoài giải cứu trên cơ sở đề nghị của phía ta.
“Bộ Ngoại giao cũng đã tổ chức nhiều tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ CQĐD, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để họ có thể triển khai một cách tốt nhất công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong trường hợp xảy ra vụ việc mua bán người ở sở tại, trên nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm.
“Bộ Ngoại giao cũng đã tổ chức nhiều tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ quan đại diện, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để họ có thể triển khai một cách tốt nhất công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong trường hợp xảy ra vụ việc mua bán người ở sở tại, trên nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm”. |
Trong những vụ việc đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong nước rất chặt chẽ: giữa các cơ quan của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Cục Lãnh sự, cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời trao đổi với phía sở tại xác minh thông tin, định vị nơi công dân đang lưu trú, tiến hành giải cứu, thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân và các chế độ hỗ trợ đối với những trường hợp được xác định là nạn nhân theo quy định. Các chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân gồm có: hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại, hoặc y tế.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Ngoại giao cũng đã tổ chức nhiều tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ CQĐD, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để họ có thể triển khai một cách tốt nhất công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong trường hợp xảy ra vụ việc mua bán người ở sở tại, trên nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm.
Đặc biệt, Bộ Ngoại giao cũng đã ban hành Sổ tay Hướng dẫn xác định, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán dành cho cán bộ CQĐD Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có bảng câu hỏi sàng lọc các dấu hiệu nạn nhân bị mua bán.
Trong năm 2023, các CQĐD đã tiếp nhận thông tin 167 công dân nghi là nạn nhân bị mua bán (nhiều nhất tại Lào với 121 trường hợp), trong đó có 15 trường hợp được xác định là nạn nhân bị mua bán, 77 trường hợp đã được giải cứu, hỗ trợ về nước.
Toàn cảnh buổi tập huấn về bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài ngày 26/6. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Gia đình và xã hội đóng vai trò như thế nào trong cuộc chiến đẩy lùi tội phạm mua bán người? Theo bà, chúng ta cần làm gì để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là trẻ em, trong thời gian tới?
Trong Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, chúng ta đã xác định cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân. Đây là trách nhiệm không phải chỉ của các lực lượng chức năng thực hiện công tác phòng, chống mua bán người mà cần sự tham gia của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
Thời gian qua, ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do hoàn cảnh khó khăn, hiểu biết pháp luật hạn chế, vẫn có tình trạng cha mẹ, người thân đã gả bán trẻ em qua biên giới để lấy chồng nước ngoài. Trong bối cảnh mua bán người nhằm mục đích ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đang diễn ra phức tạp như hiện nay, cũng đã xảy ra thực trạng nhiều đối tượng lừa gạt cả chính người thân bạn bè của mình vào bẫy việc nhẹ lương cao ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, những vấn đề gia đình, tệ nạn xã hội cũng được xem là một trong những nguyên nhân tác động đến tâm lý, hành vi của trẻ em, dẫn đến dễ tin theo thủ đoạn lừa gạt, dụ dỗ của tội phạm trong đó có tội phạm mua bán người, đặc biệt là trên môi trường mạng.
Do đó, gia đình và xã hội có vai trò quan trọng trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người. Không phải chỉ bằng báo tin, tố giác, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người, mà quan trọng là gia đình và xã hội cần phát huy trách nhiệm, tạo môi trường lành mạnh để ngăn ngừa nguy cơ dẫn đến mua bán người, bảo đảm là chỗ dựa vững chắc, an toàn trước các nguy cơ mua bán người và hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bị mua bán trở về nhanh chóng hòa nhập, ổn định cuộc sống.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là trẻ em, tôi cho rằng trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục chú trọng thực hiện các biện pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về thủ đoạn của tội phạm mua bán người, đặc biệt là những thủ đoạn trên nền tảng số, nhằm nâng cao nhận thức và cách thực tự chủ động phòng ngừa rủi ro, hướng đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Trong đó, đối với trẻ em, chúng ta cần tăng cường trang bị cho trẻ em kỹ năng sử dụng mạng an toàn, biết bảo vệ danh tính số, biết kiểm chứng thông tin, sử dụng thông tin tin cậy.
Thứ hai, tăng cường các biện pháp phòng, chống mua bán người trên môi trường mạng; phát triển những công cụ số để kiểm soát nội dung trên internet; phát huy sự tham gia của các nhà mạng, các công ty công nghệ; tiếp tục bảo đảm các biện pháp an sinh xã hội, tăng cường tư vấn, hướng nghiệp về việc làm an toàn, di cư an toàn để phòng ngừa rủi ro mua bán người trong hành trình di cư
Thứ ba, nâng cao phối hợp liên ngành và tăng cường hợp tác quốc tế trong triệt phá các đường dây đưa người di cư trái phép, mua bán người qua biên giới; lừa đảo tuyển dụng trực tuyến; thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch liên quan đến phòng, chống mua bán người trong đó có Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) nhằm tạo môi trường di cư an toàn, ngăn ngừa nguy cơ mua bán người trong bối cảnh di cư quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
Xin cảm ơn bà!
Đối thoại cùng lãnh đạo: Phụ nữ và Thanh thiếu niên tích cực đẫn dầu công tác truyền thông phòng, chống mua bán người tại Hà Nội, ngày 2/8. (Nguồn: IOM) |
Nguồn: https://baoquocte.vn/bao-ve-cong-dan-truoc-mong-vuot-cua-toi-pham-mua-ban-nguoi-283153.html