Trên đây là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, về việc điểm chuẩn của nhà trường năm nay cao đột biến, soán ngôi cả ĐH Y Hà Nội.
Trả lời phóng viên bên lề hội nghị tổng kết năm học diễn ra sáng nay (19/8) tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho biết, không riêng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhìn chung điểm chuẩn năm nay ở các trường đều tăng, một phần do chính sách đãi ngộ học phí thu hút nhiều thí sinh.
Đặc biệt nguyên nhân lớn nhất, năm nay số thí sinh đăng kí vào sư phạm tăng vọt nhưng chỉ tiêu có hạn, do đó chỉ thí sinh top trên mới đủ điểm vào.
“Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có cơ chế tuyển sinh học sinh giỏi quốc gia. Năm vừa rồi, nhà trường tuyển hơn 300 học sinh giỏi quốc gia, trong đó có nhiều ngành khối xã hội, do đó việc cạnh tranh cao hơn”, ông Sơn cho biết.
Về việc một số thí sinh đạt 9,65 điểm vẫn trượt, ông Sơn cho rằng, nếu so sánh điểm chuẩn năm nay với năm trước có thể thấy quá cao nhưng nếu đánh giá việc xét tuyển đại học theo hướng lựa chọn từ trên xuống dưới sẽ thấy hợp lý bởi một khi có nhiều người top trên, chắc chắn những thí sinh top dưới sẽ không còn cơ hội, đấy là quy tắc của việc xét tuyển.
“Tôi hiểu tâm trạng của nhiều phụ huynh khi có con đạt 9,65 điểm không đỗ. Hiện các em được đăng ký rất nhiều nguyện vọng, nếu không đỗ ngành yêu thích, các em sẽ đỗ ngành khác bởi có rất nhiều nguyện vọng, điều đấy hoàn toàn bình thường bởi có thể mình giỏi nhưng vẫn còn nhiều người khác giỏi hơn”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho hay.
Với điểm chuẩn năm nay, PGS.TS Sơn cho rằng, tuyển sinh thường biến động do đó từ năm 2025, các em nên hết sức chú ý những điều chỉnh về chính sách của nhà trường và của Bộ GD&ĐT.
Theo nhận định của ông Sơn, sẽ có những định hướng và thay đổi nhất định trong cách thức tuyển sinh của các trường, trong đó ĐH Sư phạm cũng sẽ điều chỉnh một số ngành. Vậy nên, lời khuyên mà ông đưa ra, việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chắc chắn nhất.
Đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ thi 2 môn bắt buộc nên định dạng kỳ thi của ĐHSP Hà Nội sẽ khác so với trước đây.
Đánh giá về điểm chuẩn năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, Bộ cần có phân tích đánh giá rất kỹ mới đánh giá được.
Tuy nhiên nhìn chung, việc xét tuyển hiện nay thuận lợi minh bạch nên những trường đào tạo tốt, những ngành học có nhu cầu nhân lực cao, các em sẽ tập trung lựa chọn nhiều.
“Trên bình diện cả nước hoặc một khu vực nào đó, có những ngành chỉ tiêu không nhiều nhưng thí sinh tập trung lớn, đẩy điểm chuẩn cao lên, đấy cũng là lý do”, Thứ trưởng Sơn cho hay.
Về việc điểm chuẩn khối C năm nay tăng cao, nhiều ngành thí sinh đạt trên 9 điểm không đỗ, Thứ trưởng Sơn cho biết, Bộ đã có đánh giá từ đầu bởi khi so sánh phổ điểm hai năm cho thấy phổ điểm nhích lên.
“Bộ GD&ĐT sẽ có phân tích kỹ nhưng cơ bản, nếu các phương thức tuyển sinh đã đảm bảo công bằng, đề thi phân hóa rõ, việc điểm chuẩn cao không có gì bất thường. Điều này cho thấy sự cạnh tranh giữa các ngành và các trường uy tín ngày càng rõ rệt hơn”, Thứ trưởng khẳng định.
Nhận xét về điểm chuẩn khối trường sư phạm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ, điểm chuẩn vào ngành sư phạm cao là tín hiệu mừng của khối ngành này bởi điểm chuẩn cao sẽ đẩy chất lượng lên.
Về việc nhiều địa phương thiếu giáo viên nhưng vì sao các trường giảm chỉ tiêu sư phạm, Thứ trưởng cho rằng phải nhìn trên cả tổng thể, ở đây thiếu chỉ tiêu tuyển dụng còn đào tạo phải có tích lũy, không hẳn cứ thấy thiếu là phải đào tạo ngay bởi những năm trước, đào tạo 40.000-50.000 chỉ tiêu nhưng hiện vẫn chưa tuyển dụng hết.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/965-diemmon-van-truot-su-pham-minh-gioi-nhung-nhieu-nguoi-con-gioi-hon-20240819124458828.htm