Kiến nghị không cắt giảm số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước với tỉnh khó khăn
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng, năm học 2023 – 2024, tỉnh Điện Biên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp cơ bản theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ và sách giáo khoa mới, sẵn sàng tổ chức cho học sinh tựu trường và khai giảng năm học mới.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tỉnh Điện Biên còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, đội ngũ giáo viên còn thiếu khá nhiều so với định mức quy định; thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Đội ngũ có biến động khá lớn sau mỗi khi kết thúc năm học do chuyển công tác về miền xuôi. Thiếu giáo viên gây áp lực khá lớn đối với các thầy cô do phải dạy tăng giờ, dạy liên cấp, liên trường.
Cơ sở vật chất trường lớp học tuy đã được ưu tiên đầu tư nhưng còn thiếu khá nhiều, nhất là nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên; một số phòng học đã xuống cấp cần được thay thế. Chế độ chính sách dành cho học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên còn nhiều bất cập. Đời sống của đa số cán bộ, giáo viên, nhân viên còn khó khăn.
Từ thực trạng trên, tỉnh Điện Biên đề nghị Chính phủ, Bộ GĐ-ĐT và các Bộ, ngành liên quan một số vấn đề như không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn, không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên và bố trí đủ giáo viên hưởng lương từ ngân sách theo định mức đối với các tỉnh này.
Giao tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật và giáo viên tiểu học cho các cơ sở đào tạo giáo viên để đáp ứng nhu cầu nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương.
Ưu tiên các nguồn vốn đầu tư cho tỉnh Điện Biên, đặc biệt là nguồn vốn từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất trường lớp học.
Bên cạnh đó, kiến nghị nâng mức hỗ trợ cho trẻ mầm non, học sinh nội trú, học sinh bán trú, mức hỗ trợ tổ chức nấu ăn các trường. Có chế độ hỗ trợ cho các trường phổ thông có học sinh bán trú nhưng không phải là trường bán trú. Kéo dài thời gian được hưởng các chính sách hỗ trợ tại các xã đặc biệt khó khăn khi các xã này được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.
Tỉnh Điện Biên cũng kiến nghị áp dụng chính sách thu hút giáo viên trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Hợp đồng không thời hạn đối với giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn từ 10 năm trở lên.
Đồng thời, hỗ trợ giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, như: tiền thuê nhà, tiền đi lại đối với giáo viên dạy tại các điểm bản; tiền trực trưa. Sớm trình Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo.
Kiến nghị rà soát đánh giá lại việc bổ sung biên chế giáo viên
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định, năm học 2023 – 2024, sự nghiệp giáo dục Thủ đô đạt được những kết quả toàn diện ở các cấp học, ngành học, hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm.
Toàn thành phố có 2.913 trường mầm non, phổ thông, tăng 39 trường so với cùng kỳ năm học trước với gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên.
Công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được tăng cường, kiểm soát tốt các hoạt động, vấn đề phát sinh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Công tác tham mưu về cơ chế chính sách được thực hiện chủ động. Từ tháng 7.2024 đến tháng 7.2025, Sở đã tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố thông qua 9 Nghị quyết tại các Kỳ họp của HĐND Thành phố.
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm. Ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong xã hội. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của học sinh thành phố năm nay tiếp tục có chuyển biến mạnh với 99,81% học sinh tốt nghiệp, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp vị trí thứ 11).
Công tác cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được quan tâm. Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về kết quả triển khai Học bạ số cấp tiểu học với 97,6%. Hà Nội còn thực hiện thành công tuyển sinh trực tuyến, triển khai học liệu số, xây dựng các bài giảng trực tuyến trên truyền hình.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nêu khó khăn về biên chế giáo viên, khi quy mô tăng, dẫn đến số biên chế thiếu. Từ đó, kiến nghị Chính phủ rà soát đánh giá lại việc bổ sung biên chế giáo viên cho phù hợp với thực tiễn.
Luật Giáo dục Đại học quy định phân cấp quản lý cho UBND cấp tỉnh. Hiện Hà Nội có hơn 120 trường đại học, cao đẳng với 1 triệu sinh viên. Do đó, Hà Nội đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của địa phương quản lý để phù hợp với thực tế.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vừa qua, Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô, trong đó có điều 22 quy định phát triển giáo dục đào tạo, có chính sách đặc thù. Hà Nội hiện đang cụ thể hóa các nội dung trong Luật và mong các bộ ngành quan tâm, hướng dẫn.
Hoàn thành Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 trong tháng 8
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, năm học 2024 – 2025, cùng với cả nước, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ lớn được giao tại Nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo.
Năm học mới với tinh thần đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng, toàn ngành Giáo dục sẽ ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt hơn và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra.
Trong đó, triển khai ngay nội dung Kết luận 91 của Bộ Chính trị tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương; hoàn thành tổ chức triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện thời gian qua.
Triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế, thực chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá – hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong đó, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật cao, bao gồm ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Bộ trưởng cho biết Bộ GD-ĐT sẽ tham mưu ngay và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai Kết luận số 91 của Bộ Chính trị tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở đó ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ một cách bài bản, khoa học, phù hợp tinh thần thực tiễn, bảm đảm tính khả thi và hiệu quả.
Trong tháng 8, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thành Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, cố gắng vượt qua những thách thức, hướng tới một năm học có kết quả tốt hơn nữa.
Trước thềm năm học mới với những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ trưởng mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/giao-duc–y-te1/kien-nghi-bo-tri-du-giao-vien-huong-luong-tu-ngan-sach-theo-dinh-muc-doi-voi-tinh-kho-khan-i384709/