Ngày 19-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thi cử phải gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm chi phí, tạo thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, GD-ĐT có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính nền tảng trong việc hình thành và phát triển con người; qua đó góp phần quyết định sự vận động và phát triển của xã hội; là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm sự thành công về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao – 1 trong 3 đột phá chiến lược cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Thủ tướng đánh giá cao năm học 2023 – 2024, toàn ngành giáo dục đạt nhiều kết quả với 10 điểm sáng nổi bật, trong đó thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dần đi vào ổn định, bước đầu đạt được hiệu quả theo mục tiêu đề ra. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định; đào tạo giáo dục đại học ngày càng được chú trọng và được cải thiện rõ rệt về chất lượng.
Thủ tướng hoan nghênh các cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện lùi thời gian tăng học phí thời gian qua để cùng chia sẻ khó khăn trong thời kỳ phục hồi kinh tế, tạo cơ hội cho nhiều sinh viên được học tập…
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra GD-ĐT còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, trong đó vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên cục bộ. Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu mới trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số… Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn…
Thủ tướng cho rằng, công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT và quản trị các nhà trường cần được đặc biệt chú trọng, nâng cao hiệu quả; bám sát thực tiễn, chủ động phát hiện vấn đề phát sinh, vấn đề mới và kịp thời giải quyết; quản trị phải thông minh; ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, trách nhiệm, tâm huyết và tận tụy, thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo.
Phân tích bối cảnh, tình hình hiện nay (trí tuệ nhân tạo tác động toàn diện tới mọi mặt trong ngành giáo dục; sự phát triển mạnh mẽ của KH-CN, những ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao)…, Thủ tướng chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 – 2025 và thời gian tới.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới GD-ĐT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GD-ĐT; tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu phát triển, hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới.
Thủ tướng cũng cho rằng, năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới, do đó Bộ GD-ĐT chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm chi phí, tạo thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh.
Thủ tướng yêu cầu xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” và phù hợp, hiệu quả trên thực tiễn.
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, xác định rõ và tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm “lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể – thầy cô giáo là động lực – nhà trường làm bệ đỡ – gia đình là điểm tựa – xã hội là nền tảng”.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, năm học 2024-2025, ngành giáo dục sẽ triển khai ngay nội dung Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29 của Trung ương; hoàn thành tổ chức triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện thời gian qua; triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật cao, bao gồm ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn…
Tại hội nghị, ý kiến các địa phương, trường đại học đều kiến nghị cần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng đội ngũ… GS-TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu nhấn mạnh, một trong điểm nghẽn chính của giáo dục hiện nay là chất lượng giáo viên.
Theo GS-TS Nguyễn Thị Doan, có nhiều vấn đề tác động, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo viên như bệnh thành tích vẫn còn, đè nặng lên giáo viên, dẫn chứng là vẫn còn văn mẫu, bài học thuộc lòng. Dù đã số hóa nhưng hệ thống sổ sách, báo cáo của giáo viên vẫn còn nhiều, mất thời gian. Hay vấn đề vì đời sống còn khó khăn, nên số giáo viên dành thời gian để tự học, tự đọc không nhiều. Hệ số lương vừa qua được tăng lên, khoảng cách thu nhập của giáo viên mầm non và các bậc khác càng lớn, giáo viên mầm non vẫn rất khó khăn, lương của họ chưa đủ để sống và nuôi con, do đó rất cần phải quan tâm đối tượng này…
“Học sinh bây giờ đắm mình trong công nghệ, nên giáo viên cũng phải chịu khó, đổi mới, nếu không thì giáo dục không thể là giáo dục khai phóng. Giáo viên phải nỗ lực đổi mới, nâng cao trình độ. Còn Nhà nước, các địa phương phải hoàn thiện chính sách, bảo đảm ưu đãi, tạo điều kiện để giáo viên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ”, GS-TS Nguyễn Thị Doan phát biểu.
PHAN THẢO
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/thu-tuong-thi-cu-phai-gon-nhe-giam-ap-luc-chi-phi-tao-thuan-loi-nhat-cho-hoc-sinh-va-phu-huynh-post754739.html