Khắc phục một bước tình trạng nợ đọng văn bản
Thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023”, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 62 – KL/TW về thực hiện Nghị quyết số 19 – NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2024, trong đó có chuyên đề giám sát nêu trên, thì Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã tập trung chỉ đạo khẩn trương, khắc phục một bước tình trạng nợ đọng văn bản, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Báo cáo kết quả giám sát rất công phu, thông tin rất đồ sộ và đã bám sát vào các mục đích, yêu cầu, đề cương của Đoàn giám sát, chỉ ra các kết quả cũng như các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan, các bài học kinh nghiệm, đặc biệt đã đề ra 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với 9 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Báo cáo kết quả giám sát cho thấy, việc thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua rất tích cực, nhất là giai đoạn 2015 – 2021 đã vượt mục tiêu đề ra: về số lượng đơn vị đã giảm 13,33% so với chỉ tiêu là 10%, các đơn vị sau sắp xếp, tổ chức lại đã phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; tổng biên chế sự nghiệp giảm đạt 11,67%, vượt chỉ tiêu 10% đề ra.
“Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2021-2023 thì đang có xu hướng chậm lại”. Lưu ý vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị phải làm rõ và phải có các giải pháp rất quyết liệt mới có thể đạt được mục tiêu, các nhiệm vụ đề ra trong thời gian tới. “Ngay trong giai đoạn 2015-2021, dù kết quả rất tích cực, nhưng cũng có một số vấn đề đáng quan tâm. Trong tổng số hơn 48.000 đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị tự chủ cấp 2 trở lên cũng rất thấp, chỉ có được 3.139 đơn vị tự chủ, trong đó có 266 đơn vị là tự chủ cả về chi thường xuyên và chi đầu tư, trong đó chi thường xuyên chỉ có 2.873 đơn vị. Mặc dù chỉ tiêu vượt nhưng tỷ lệ của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ còn rất thấp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế chỉ rõ.
Trong lĩnh vực y tế, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập với lĩnh vực này chưa thực sự tính tới các yếu tố đặc thù, nhất là ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên chưa thu hút, giữ chân được lực lượng y, bác sĩ có năng lực làm việc tại các cơ sở y tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi. “Phải làm sao để bảo đảm công bằng thụ hưởng về y tế ở các địa bàn này”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.
Liên quan đến việc sáp nhập đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc thẳng thắn, “việc mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ giữ lại một đoàn nghệ thuật công lập truyền thống tiêu biểu ở một số địa phương còn mang tính cơ học, chưa tính tới yếu tố truyền thống, bản sắc của từng loại hình văn hóa, hiệu quả hoạt động sau sắp xếp chưa cao”.
Mấu chốt là tiếp cận nguồn lực
Đối với nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế trong Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, ai cũng nói hoàn thiện thể chế, nhưng hoàn thiện gì, hoàn thiện ở đâu phải chỉ rõ.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã lập một tổ công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm tổ trưởng, Chính phủ lập một tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm tổ trưởng để rà soát hệ thống pháp luật. “Nhưng khi đi kiểm tra, giám sát, báo cáo về Thường trực Chính phủ, báo cáo về lãnh đạo Quốc hội thì không có gì vướng mắc hết. Việc này mới cách đây chừng 4 – 5 tháng. Tới bây giờ lại nói có nhiều vấn đề vướng mắc. Vậy vướng mắc ở đâu, vướng mắc như thế nào?”
Đặt câu hỏi trên, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu một hiện tượng “ai cũng nói thể chế khó khăn, Quốc hội quyết luật không thực hiện được. Quốc hội quyết luật là trên cơ sở bộ, ngành, Chính phủ trình ra, 2 bên đã thảo luận rất kỹ lưỡng, đưa ra nghị trường biểu quyết. Nhưng khi nói lại thì lại đổ do Quốc hội quyết luật khó thực hiện”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên ngồi lại, kiểm điểm, chỉ rõ ra những khó khăn, vướng mắc là do đâu. “Nhiều khi chưa có hướng dẫn thực hiện đã kêu khó. Như một luật sửa 4 luật vừa qua (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng – PV) thì Chính phủ đã ban hành các nghị định, bây giờ địa phương chưa ban hành, địa phương nói là Chính phủ chưa có hướng dẫn. Bây giờ phải tập hợp lại địa phương nào, như thế nào, ở đây có các bộ phận chuyên môn nói rõ về việc đó”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Dự thảo Nghị quyết cũng giao cho các địa phương trong năm 2024 phải hoàn thành việc xây dựng định mức, đơn giá, kỹ thuật, đây là nội dung rất quan trọng, bởi theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, nội dung về định mức kinh tế – kỹ thuật cần bám sát nhu cầu của thực tiễn, bảo đảm sự minh bạch trong việc thu hút các nguồn lực xã hội hóa vào việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, do vậy cần phải xem rõ trong quá trình tổ chức thực hiện, xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật thì các địa phương vướng gì? “Phải rõ nguyên nhân do các địa phương tổ chức thực hiện, không tổ chức thực hiện hoặc chậm tổ chức thực hiện, hay do còn vướng mắc ở các hướng dẫn của các cơ quan trung ương dẫn đến việc chậm ban hành”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị.
Báo cáo kết quả giám sát cũng đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật về thuế để thúc đẩy, khuyến khích xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, giải pháp này chưa đủ mạnh, vì thực tế lợi nhuận của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công rất thấp, cho nên các chính sách ưu đãi về thuế doanh nghiệp, kể cả thuế thu nhập cá nhân hoặc các loại thuế khác cũng không mang lại tác động thật sự hiệu quả.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, quan điểm chủ đạo là phải cố gắng hướng tới sự bình đẳng trong việc cung cấp dịch vụ công giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp ngoài khu vực công. Đơn cử như tiếp cận về đất đai, đây là nguồn lực vô cùng quan trọng, nếu các đơn vị ngoài công lập có thể tiếp cận được đất đai một cách thuận lợi, chắc chắn sẽ hỗ trợ cho nhiều địa phương có thêm các cơ sở dịch vụ công từ tư nhân hoặc từ đầu tư nước ngoài, giảm gánh nặng rất tốt.
Hiện nay các địa phương có các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập làm giáo dục thì chi thường xuyên trong ngân sách sẽ giảm rất nhiều. Nhiều địa phương chỉ riêng chi cho giáo viên đã đến gần 50% tổng chi sự nghiệp hàng năm. Dẫn chứng thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị, trong trường hợp khuyến khích khu vực tư nhân hoặc nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực giáo dục, y tế thì mấu chốt là tiếp cận đất đai.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị bám sát chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, giải quyết cho bằng được 3 điểm nghẽn: Một là, không để sắp xếp cơ học. Hai là, thống nhất, đồng bộ trong thực hiện cơ chế tự chủ. Ba là, cải cách hành chính để tạo bình đẳng giữa công và tư.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/hoan-thien-the-che-gi-o-dau—phai-chi-ro-i384670/