Trình bày tờ trình Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, Dự Luật gồm 9 chương với 121 điều, trong đó, kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều, bỏ 4 điều, gộp 4 điều vào các điều khác. Dự Luật bổ sung 59 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp, cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần…
Với yêu cầu cấp thiết cần sớm hoàn thiện và ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) sớm nhất có thể để triển khai trong thực tiễn, bảo đảm an ninh năng lượng trong giai đoạn sắp tới, do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này theo quy trình một kỳ họp (cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV).
Báo cáo thẩm tra về Dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về giá điện và giá các dịch vụ về điện, Thường trực Ủy ban đề nghị, nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc bảo đảm cơ cấu giá điện ổn định; quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện như: xoá bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, thực hiện giá điện hai thành phần, giá điện cho khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, giá điện nhập khẩu, xuất khẩu… để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giá điện.
Chủ nhiệm Lê Quang Huy cũng cho rằng, đây là Dự án Luật khó, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Do vậy, đề nghị đối với dự án Luật này nên được xem xét, thông qua theo quy trình 2 kỳ họp để Quốc hội có thêm thời gian nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của Luật, bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật.
Trường hợp Dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tám theo quy trình tại một kỳ họp.
Thảo luận về tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, đối với chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực, quy định về Nhà nước “độc quyền” trong vận hành truyền tải điện là cần thiết nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhưng nghiên cứu vấn đề Nhà nước “độc quyền” ở mức nào đó, còn lại việc vận hành truyền tải điện dưới cao áp, cục bộ địa bàn có thể giao các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư để huy động hiệu quả nguồn lực xã hội tham gia công tác vận hành truyền tải điện.
Các ý kiến trong Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, cần có quy định “mở” để phát huy xã hội hóa trong đầu tư vận hành truyền tải điện, thực hiện lộ trình giá điện theo cơ chế thị trường, từ đó bảo đảm sự đồng bộ trong huy động xã hội hóa giữa đầu tư dự án nguồn điện và dự án vận hành truyền tải điện.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị quá trình sửa đổi Luật lưu ý các quy định về cơ chế quản lý, điều tiết giá điện là những quy định ảnh hưởng đến đời sống thực tiễn và được dư luận rất quan tâm. Do đó, việc xây dựng nguyên tắc định giá điện phải thực hiện một cách nhất quán, bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế, hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho các đơn vị điện lực, phù hợp với mặt bằng thị trường.
Chủ tịch Quốc hội cũng tin tưởng, việc sửa đổi Luật sẽ tháo gỡ trở ngại để phát triển kinh tế – xã hội, tháo gỡ khó khăn trong đời sống, sinh hoạt của người dân.
“Người dân rất quan tâm đến Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) vì điện liên quan đến đời sống hằng ngày của mọi người”- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Với đề xuất của Chính phủ về việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào tháng 10/2024 có đủ tiêu chuẩn hay không, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra Dự án Luật cần làm rõ hơn. Ngoài ra, cần chú trọng đến việc thúc đẩy lưới điện, đảm bảo an ninh mạng lưới điện; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội; phát triển năng lượng; điện gió ngoài khơi…
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/quy-dinh-ro-nguyen-tac-lo-trinh-ve-cai-cach-gia-dien-trong-luat-dien-luc.html