Theo đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM đã triển khai cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội trên mạng Internet trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố, nhằm đánh giá sự quan tâm của người dân và các ý kiến đề xuất liên quan đến dự thảo bảng giá đất dự kiến áp dụng tại TP HCM.
Thời gian khảo sát tiến hành từ ngày 19/8 đến ngày 23/8/2024. Người dân có thể đóng góp ý kiến qua địa chỉ khảo sát, thăm dò dư luận xã hội Tại đây.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã trình Dự thảo bảng giá đất điều chỉnh với mục tiêu đưa giá đất hiện tại về sát với giá thị trường. Do đó, bảng giá đất trong dự thảo có chênh lệch với bảng giá đất cũ áp dụng từ năm 2020, với mức tăng từ 5 đến 30 lần.
Đặc biệt, tại một số các tuyến đường trung tâm như Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1), giá đất ở cao nhất lên tới 810 triệu đồng/m2; đoạn đường Công trường Lam Sơn có giá cao nhất tới 579,5 triệu đồng/m2; đường Tôn Đức Thắng (từ Công trường Mê Linh đến cầu Nguyễn Tất Thành) có giá cao nhất tới 528 triệu đồng/m2…
Sau khi công bố thông tin, dự thảo này đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh giá đất hiện tại chưa phù hợp, tạo áp lực tài chính lớn, đặc biệt với người dân đang có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở. Phần lớn đều cho rằng việc điều chỉnh giá đất nên có lộ trình để người dân có thời gian thích nghi.
Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cũng đã tổ chức một hội nghị phản biện xã hội về dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn thành phố vào ngày 12/8. Tại hội nghị, các chuyên gia và luật sư cũng đã nêu rõ nhiều tác động của việc áp dụng bảng giá đất điều chỉnh vào thời điểm hiện tại tới người dân và doanh nghiệp.
Nguồn: https://www.congluan.vn/tp-hcm-bat-dau-lay-y-kien-nguoi-dan-ve-du-thao-bang-gia-dat-dieu-chinh-post308310.html