Theo Cục Lâm nghiệp, sâm Việt Nam có tên khoa học Panax Vietnamensis là loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu có công dụng và giá trị cao. Hiện nay ở một số địa phương đã và đang nuôi trồng phát triển sâm và đã có một số mô hình thành công. Dược tính của sâm theo nghiên cứu trên sâm Ngọc Linh được xếp vào một trong bốn loại sâm tốt nhất thế giới với số lượng Saponin cao hơn nhiều so với các loại sâm khác.
Phát triển giống sâm Việt Nam hiện tập trung theo hai hình thức là nhân giống từ hạt và nhân giống vô tính. Nhân giống từ hạt giống của cây mẹ tại các vườn giống tại tỉnh Lai Châu (Sâm Lai Châu), Kon Tum và Quảng Nam (Sâm Ngọc Linh). Nhân giống vô tính được thực hiện tại Trung tâm quốc gia Nghiên cứu và Phát triển Sâm Ngọc Linh tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum và Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam, Công ty Sâm Sâm.
Nhằm xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 theo chuỗi sản phẩm. Tọa đàm về phát triển sâm để bàn giải pháp thực hiện chương trình, sớm đưa sâm Việt Nam trở thành sản phẩm đa dạng, định vị phân khúc phù hợp mang lại thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Tại buổi tọa đàm, ông Ngô Tân Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội sâm tỉnh Lai Châu cho biết, điều khó nhất hiện nay là việc canh tác sâm mỗi nơi một kiểu khiến cho việc xây dựng thương hiệu cho cây dược liệu quý này rất khó khăn.
Theo ông Hưng, Việt Nam phải sớm định hình và thống nhất truyền thông về thương hiệu sâm Việt Nam mới có thể xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm sâm vươn được ra thế giới như sâm Hàn Quốc.
Ông Huỳnh Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết, nếu như trồng trong nhà màng, tỉnh mong sớm có quy trình để tỉnh áp dụng. Nếu trồng dưới tán rừng thì phải có tiêu chuẩn quốc gia về trồng sâm dưới tán rừng để làm sao không ảnh hưởng đến rừng mà cây sâm vẫn phát triển được.
Ông Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Minh (Lai Châu) cho biết, từ bài học của Hàn Quốc, Việt Nam phải thực hiện thâm canh đối với cây sâm mới có thể cho năng suất cao. Bên cạnh đó là xây dựng thương hiệu duy nhất là sâm Việt Nam.
Nhìn từ bài học của Hàn Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các doanh nghiệp phải có tinh thần dân tộc, tinh thần đất nước, cùng nhau xây dựng sản phẩm, thương hiệu quốc gia mang biểu tượng của đất nước.
“Để chương trình phát triển sâm hiệu quả, bền vững hơn, chúng ta phải thay đổi tư duy. Chúng ta phải tiếp cận cây sâm theo chuỗi ngành hàng. Chúng ta phải thống nhất gọi tên sản phẩm, thương hiệu là sâm Việt Nam. Sau đó mới truy xuất nguồn gốc về sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu, đưa ra thị trường để khách hàng lựa chọn mua, tiêu dùng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/ban-giai-phap-dinh-huong-phat-trien-cay-sam-viet-nam.aspx