Nhiều người có duy nghĩ rằng các bệnh lý về da chỉ nhẹ khi gây khó chịu và mất thẩm mỹ cho bệnh nhân nên đôi khi đã không thăm khám mà tự ý điều trị và gây ra nhiều biến chứng về sức khỏe.
Thư viện Y học quốc gia Mỹ cũng ghi nhận, mụn trứng cá thường xuất hiện ở tuổi dậy thì do thay đổi nội tiết tố (hormone giới tính androgen gia tăng), ảnh hưởng khoảng 95% thanh thiếu niên.
Nhiều người có duy nghĩ rằng các bệnh lý về da chỉ nhẹ khi gây khó chịu và mất thẩm mỹ cho bệnh nhân nên đôi khi đã không thăm khám mà tự ý điều trị và gây ra nhiều biến chứng về sức khỏe. |
Nhiều người bị mụn trứng cá kéo dài khi trưởng thành. Tỷ lệ nữ giới xuất hiện tình trạng này cao hơn nam giới do đặc trưng mang thai, mãn kinh và dễ rối loạn nội tiết.
Chỉ trong vòng 1 tháng, một bệnh nhân đa khoa tại TP.HCM tiếp nhận khoảng 500 ca điều trị mụn trứng cá chủ yếu học sinh, sinh viên, trong đó khoảng 50% bị mụn nặng do tự điều trị.
Phần lớn người bệnh ở nhóm 12-35 tuổi, tới khám khi tình trạng mụn đã nặng nề, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, chất lượng sống.
Chị P.V.H (22 tuổi, ở TP.HCM) bị mụn trứng cá khắp mặt từ năm 13 tuổi tới nay. H. cho biết mình đã đến dùng nhiều loại thuốc trị mụn, tiêu tốn nhiều tiền, thời gian và và công sức nhưng mụn không đỡ.
Mẹo nào trên mạng hay người quen chỉ, chị đều thử, như rửa mặt bằng nước vo gạo, nước chanh, nước vôi pha loãng, nước lá trà xanh; chấm mụn bằng kem đánh răng; thoa giấm táo… Chị duy trì thói quen cứ thấy mụn chớm lên là nặn bằng tay, dụng cụ nặn mụn inox hoặc tới spa lấy nhân mụn.
Tuần trước, sau khi tự peel da (tái tạo da bằng hóa chất) tại nhà bị kích ứng, mặt sưng phù, các nốt mụn viêm tấy, chị liền tới bệnh viện khám.
Em Đ.T.A (16 tuổi, Vũng Tàu) cũng không biết phải làm sao để thoát khỏi mụn trứng cá, thường xuyên dùng đầu bút bi nặn mụn để lại sẹo thâm đen.
Tại một phòng khám da liễu, T.A được chẩn đoán nổi mụn trứng cá dậy thì, kê thuốc điều hòa nội tiết đường uống, thuốc thoa khô cồi mụn, sữa rửa mặt.
Sau hơn một tháng theo liệu trình, mụn vẫn chi chít khắp mặt, lưng, ngực. Sốt ruột, T.A mua kem trị mụn trên mạng, được quảng cáo “bay sạch mụn sau 1 tuần” về dùng kèm. Tới ngày thứ ba, khi thấy T.A sốt cao, các nốt mụn thâm tím, chảy mủ, mẹ em vội đưa con đến bệnh viện.
Hai người bệnh được chẩn đoán viêm da, bội nhiễm trên nền da mụn trứng cá nặng do rối loạn nội tiết tố và chăm sóc da không đúng cách. Riêng da mặt chị H. còn bị kích ứng do sử dụng hóa chất peel da có nồng độ axit quá cao, da nhiều nốt sẹo thâm, sẹo lõm nhẹ.
Hiện chị H. và T.A đang điều trị tại bệnh viện với thuốc điều hòa nội tiết, kháng sinh, kháng viêm và thuốc trị mụn, bổ sung thêm kẽm. Để nhanh cải thiện bệnh, T.A được chỉ định lấy nhân mụn, peel da và chiếu xung ánh sáng cường độ cao ILP tại các vùng mụn.
Còn chị H. thực hiện điện di với tinh chất trị mụn và chiếu đèn LED sinh học Cellum Pro để nhanh lành tổn thương. Khi mụn được kiểm soát ổn định, chị H. sẽ tiếp tục điều trị các biến chứng sẹo thâm bằng laser pico, bóc tách đáy sẹo lõm, chiếu laser CO2 fractional làm đầy sẹo kèm dùng công nghệ RF vi kim để thu nhỏ lỗ chân lông và cải thiện kết cấu collagen cho da mụn.
TS.Đặng Thị Ngọc Bích, phụ trách chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, chị H. bị rối loạn nội tiết tố nhưng không được chẩn đoán và điều trị đúng cách nên mụn không khỏi.
Với mụn trứng cá, người bệnh cần kiên trì tuân thủ liệu trình, có thể từ 1-3 tháng mụn mới cải thiện. Khi nội tiết tố trong cơ thể được điều hòa, mụn trứng cá sẽ thuyên giảm dần và hết.
Hai người bệnh cũng được bác sỹ tư vấn cách chăm sóc da mụn đúng cách, phù hợp với tình trạng da mỗi người. Ngoài ra, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt như uống đủ 2 lít nước, ngủ sớm và ngủ đủ 8 giờ, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế tinh bột và nước ngọt.
Mụn trứng cá là một bệnh của đơn vị tuyến bã – nang lông, gồm hai loại là tổn thương không viêm (đặc trưng là mụn đầu đen, đầu trắng), hoặc tổn thương viêm như các sẩn viêm, sẩn mủ, cục, nang… chủ yếu vùng nhiều tuyến bã như mặt, ngực, lưng…
Mụn trứng cá không được điều trị đúng cách có thể gây ra những tổn thương nặng nề, mạn tính, mụn ở mặt tạo sẹo xấu, tăng hoặc giảm sắc tố ảnh hưởng tới thẩm mỹ và sự tự tin của người bệnh.
Mặc dù vậy, mụn trứng cá nói riêng và các bệnh da liễu nói chung ít gây nguy hiểm tính mạng, người bệnh thường ít coi trọng, hay tự điều trị, nếu bệnh nặng mới tới bệnh viện. Lúc này khiến mụn trứng trở thành mạn tính, kéo theo những biến chứng nặng nề như nhiễm trùng, bội nhiễm, sẹo mụn, tăng hoặc giảm sắc tố da.
Sai lầm thường gặp nhất của người bệnh là tự nặn mụn. Dùng tay hoặc dụng cụ nặn mụn không được vô khuẩn dễ gây nhiễm trùng da, áp xe hóa.
Nguy hiểm hơn, nếu tự nặn mụn ở vùng cấm – vùng chữ T (trán, mũi, cằm, miệng) nơi có nhiều mạch máu, dây thần kinh vùng sọ não) có thể gây phù, sưng mắt, méo mặt, thậm chí viêm tắc tĩnh mạch xoang hang não gây hôn mê, nguy hiểm tính mạng.
Nhiều người bệnh cũng hay lạm dụng mỹ phẩm, thuốc, các sản phẩm trị mụn không rõ nguồn gốc khiến mụn trứng cá bùng phát toàn thân, kèm nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, sẹo khó hồi phục…
Theo bác sỹ Bích, khó có thể kiểm chứng được các thành phần trong các sản phẩm này. Chúng có thể chứa các chất không được cấp phép sử dụng trên da vùng mặt, như corticoid, axit nồng độ cao, thủy ngân… Người dùng có thể rơi vào tình trạng “nghiện” bôi kem khi nếu ngừng bôi, tình trạng da sẽ xấu đi nhanh chóng.
Giống như chị H. nhiều người bệnh khi đến khám do “gặp nạn” sau khi dùng thuốc peel da, kem lột mụn không rõ thành phần, nguồn gốc trên mạng. Peel da là thủ thuật phải được chỉ định bởi bác sỹ, với loại thuốc, nồng độ axit phù hợp.
Các loại hóa chất khác nhau sẽ có công dụng khác nhau, có loại peel trị nám, peel mụn viêm… Thêm nữa, không phải loại da nào cũng có thể peel được mà còn tùy vào tình trạng, tính chất của da ở từng thời điểm.
Nếu da mỏng, da nhạy cảm, đang có mụn trứng cá nặng, nhiễm trùng, nhiễm nấm… thì không được peel da. Sau khi peel cũng cần tránh nắng, thoa các sản phẩm phục hồi da và dưỡng ẩm để bảo vệ da.
Các mẹo dân gian như bôi kem đánh răng, đắp lá trầu không, thoa nước chanh, đắp nha đam, lòng trắng trứng hay tắm biển… để trị mụn cũng chưa chính xác. Hiện chưa có các chứng cứ khoa học nào chứng minh tác dụng của các mẹo này.
Trong các nguyên liệu này còn nhiều hoạt chất không được tinh chế, chứa vi khuẩn, vi trùng dễ gây kích ứng, dị ứng, bội nhiễm. Thoa các nguyên liệu này quá lâu cũng dễ gây bít tắc và sừng hóa nang lông, tăng thúc đẩy mụn viêm hình thành và trở nặng.
Nước biển chứa muối nhưng cũng lẫn nhiều các tạp chất khác, do đó, nước biển không giống như nước sát trùng. Tắm biển có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Cũng về sai lầm điều trị các bệnh lý về da, thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bố mẹ cũng chưa có cách chăm sóc đúng như tìm các biện pháp dân gian tắm nước muối, nước lá hoặc nước bị nóng quá làm ảnh hưởng tới da của trẻ nhỏ.
Bố mẹ cũng có xu hướng mua thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc thuốc không đúng chỉ định, khiến bệnh không khỏi, có xu hướng nặng lên. Khi bố mẹ đưa con đến bác sỹ thì không còn là bệnh chẩn đoán ban đầu về bệnh lý da nữa, mà có thể là 1, 2 tình trạng bệnh khác.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Hà Vinh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, một số cha mẹ khi thấy con bị mày đay sẽ cho tắm lá khế, viêm da khô đỏ, tắm lá bạch đàn, xà cừ, sài đất… Các loại lá này không có tác dụng với bệnh vì cơ chế bệnh sinh không liên quan đến việc điều trị bằng lá cây.
Lá cây có thể có chất sát khuẩn, nhưng nếu sử dụng nhiều quá có thể làm cho da khô, mất lớp lipit bảo vệ da. Bên cạnh đó, các loại lá cây, nước muối có một số thành phần không đúng khiến tình trạng da thêm nặng.
Một sai lầm thường gặp nữa, bố mẹ mua các loại thuốc lá, kem không rõ thành phần, có thể có corticoid không phù hợp trong điều trị bệnh về da.
Với thuốc Nam, thuốc lá cũng tương tự dễ làm cho viêm da cơ địa chảy dịch nhiều hơn, đóng vẩy tiết dày, nơi vi khuẩn, virus xâm nhập sau khi làn da vốn đã bị tổn thương
“Chúng tôi đã gặp trường hợp viêm da cơ địa kèm thêm nhiễm khuẩn, nhiễm virus khác, tình trạng nặng, điều trị lâu dài…”, bác sỹ Vinh chia sẻ.
Với viêm da cơ địa không biến chứng, bác sỹ có thể kê đơn điều trị tại nhà. Trường hợp nặng bội nhiễm, phải điều trị nội trú tích cực, với kháng sinh đường uống và bôi, điều trị 1-2 tuần mới đỡ. Tuy nhiên, với các bệnh mạn tính không thể điều trị dứt điểm trong 1-2 ngày nên người bệnh cần kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Bác sỹ của Bệnh viện Da liễu Trung ương lưu ý, với người mắc viêm da cơ địa, thời tiết nồm ẩm khiến bệnh nặng hơn. Nhất là ở trẻ nhỏ chạy nhảy nhiều, ra mồ hôi ở các nếp kẽ, ẩm ướt làm tình trạng viêm da nặng, hoặc bội nhiễm thêm vi khuẩn virus khác, cha mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám kịp thời, chớ tự ý điều trị.
Nguồn: https://baodautu.vn/bac-sy-chi-ra-sai-lam-khi-dieu-tri-cac-benh-ve-da-d222473.html