Liên kết với HTX trồng cây dược liệu
Trong buổi giao lưu với 2 nữ nông dân tiêu biểu đến từ Mỹ do Bộ NNPTNT phối hợp Đại sứ quán Mỹ tổ chức tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) mới đây, bà Nguyễn Thanh Tuyền – Phó Giám đốc HTX Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn cho biết, vùng đất này không có thế mạnh trồng cây lương thực, cây ăn quả như các địa phương khác ở Việt Nam nhưng có lợi thế đặc biệt để bảo tồn, phát triển các loại dược liệu quý.
Trong số các loại dược liệu đang phát triển tại HTX, bà Tuyền rất tâm đắc với trà hoa vàng và cây ngưu bàng. Trong đó, ngưu bàng là loại cây dễ trồng, thường mọc hoang ở những nơi có đất bị xáo trộn.
Phần quả và rễ ngưu bàng chứa nhiều khoáng chất như canxi, sắt, các loại vitamin A, B6… nên khi chế biến thành trà sẽ rất tốt cho tiêu hóa.
Cùng với sản phẩm trà, bà Tuyền cùng HTX đã nghiên cứu và phát triển sản phẩm xì dầu làm từ cây ngưu bàng và đỗ đen.
Sản phẩm mới được công bố thành phẩm vào tháng 9/2023, nhưng đã nhận được tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thu Thoan – Giám đốc HTX gà vi sinh Thu Thoan (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) giới thiệu với nông dân tiêu biểu của Mỹ về mô hình chăn nuôi gà vi sinh. Ảnh: T.Đ
Để bảo tồn và phát triển bền vững các giống cây dược liệu, TP.Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn năm 2024 – 2025. Theo đó, TP.Hà Nội ưu tiên phát triển 16 loại cây dược liệu gồm trà hoa vàng, kim ngân hoa, đinh lăng, cà gai leo, xạ đen, râu mèo, sâm bố chính, hương nhu, cỏ ngọt, thanh hao, húng quế, bạc hà, cúc chi, nghệ vàng, gừng, đông trùng hạ thảo. Ngoài ra, tùy theo lợi thế, điều kiện thực tế, các địa phương có thể lựa chọn, phát triển các loài dược liệu khác có thế mạnh, giá trị kinh tế, có đầu ra cho sản phẩm, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các tiểu vùng sinh thái của địa phương, như: thìa canh, khôi tía, cây tràm, nhân trần, chè vằng, đu đủ đực, mùi già, diếp cá, rau má, sâm, sương sáo…
Những năm trước đây, xã Bắc Sơn thường được xem là vùng quê nghèo của huyện Sóc Sơn khi người dân chủ yếu phát triển lâm nghiệp, trồng chè và cấy lúa, thu nhập thất thường do thường xuyên gặp khó về đầu ra.
Vì lẽ đó, Sóc Sơn là huyện đi đầu ở Hà Nội trong việc trồng thử nghiệm cây dược liệu, trong đó có cây ngưu bàng, trước mắt là chuyển đổi những vùng trồng lúa, rau màu kém hiệu quả sang trồng loại dược liệu này.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trịnh Hồng Phong ở thôn Phúc Xuân (xã Bắc Sơn) cho biết, trước đây cuộc sống của gia đình ông trông cả vào diện tích trồng sắn trên đất đồi gò.
Tuy nhiên, cây sắn có giá trị kinh tế thấp nên ông Phong cũng như các hộ trong thôn luôn mong muốn tìm hướng đi mới hiệu quả hơn. Vài năm gần đây, ông Phong đã cho HTX Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn thuê đất trồng cây dược liệu, đồng thời nhận chăm sóc vườn cây sau chuyển đổi. Ngoài tiền thuê đất được trả hàng năm, đều đặn mỗi tháng ông Phong còn được nhận tiền công.
Được biết, HTX Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn cũng đang phối hợp với Hội Nông dân huyện Sóc Sơn trồng thí điểm mô hình cây ngưu bàng tại xã Xuân Thu theo kế hoạch công tác hội và phong trào nông dân năm 2024.
Ghi nhận tại mô hình cho thấy, sau 6 tháng triển khai, mỗi sào trồng cây ngưu bàng mang lại thu nhập từ 36 – 40 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa, góp phần tạo động lực cho nông dân mở rộng diện tích.
Bà Tuyền cho biết: “Xì dầu đỗ đen, ngưu bàng là sản phẩm được HTX rất kỳ vọng, phấn đấu xây dựng trở thành thương hiệu riêng của huyện Sóc Sơn. Hiện tại, sản phẩm đang được UBND huyện hỗ trợ hoàn thiện để tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024”.
Hiện HTX Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn có 5 hộ thành viên, ngoài ra còn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trên địa bàn, với diện tích hàng chục ha.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sóc Sơn Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cây dược liệu được người dân Sóc Sơn phát triển từ những năm 2015, song còn nhỏ lẻ manh mún.
Đến khi HTX Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn được thành lập vào năm 2018, bao tiêu sản phẩm cho bà con thì cây dược liệu đã dần có “chỗ đứng”.
“Mô hình trồng cây dược liệu có sự liên kết giữa các HTX và hàng trăm nông hộ đã và đang giúp khai thác hiệu quả giá trị từ đất ở vùng đồi gò, bán sơn địa Sóc Sơn. Quan trọng hơn là tạo sinh kế, mang lại nguồn thu nhập tốt hơn cho hàng trăm nông hộ…” – ông Hùng đánh giá.
Tạo điều kiện cho các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao
Các đại biểu quốc tế thăm mô hình trồng cây dược liệu tại HTX Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn. Ảnh: T.Đ
Đến thăm trang trại chăn nuôi gà, lợn hữu cơ, vi sinh quy mô hàng nghìn con của HTX gà vi sinh Thu Thoan (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), chị Nguyễn Thu Thoan – Giám đốc HTX cho biết, trang trại có diện tích gần 1ha, áp dụng chăn nuôi theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
So với cách chăn nuôi thông thường trước đây chị Thoan từng làm, điểm khác biệt, mấu chốt của mô hình này chính là thức ăn vi sinh và đệm lót sinh học.
Theo đó, quá trình chăm sóc, chị Thoan cho gà, lợn ăn bằng thức ăn tự ủ, gồm các loại ngũ cốc, đạm thực vật trộn với các loại cây dược liệu như cỏ nhọ nồi, nghệ, sâm đương quy, diệp hạ châu, dầu gấc…
Tất cả được nghiền nhỏ, trộn đều với nhau, ủ lên men trong 24 giờ rồi cho gà ăn. Nhờ việc bổ sung các thành phần thảo dược vào khẩu phần ăn hằng ngày, đàn gà có sức đề kháng tốt, ít bệnh dịch, phân thải ra cũng ít mùi hôi.
Đối với việc xử lý phân và chất thải của vật nuôi, chị Thoan dùng đệm lót làm từ trấu, mùn cưa trộn men vi sinh, nhờ vậy mà dù chăn nuôi hàng nghìn con song trang trại gần như không có mùi hôi, ruồi muỗi.
Đệm lót sau khi sử dụng sẽ được thu gom, ủ thành phân bón hữu cơ cho khu trồng rau, cây dược liệu nên không xả thải ra môi trường.
“Mọi người có thể vào thăm trang trại tự nhiên vì tôi chăn nuôi thuận tự nhiên, thả gà ra vườn cho chúng tự do chạy nhảy. Tôi cũng không sử dụng kháng sinh, không cắt mỏ gà, không bấm tai lợn.
Bình thường gà ri nuôi 3 tháng là có thể xuất chuồng, song tôi thường đợi đến 5 tháng mới bán để con gà tích luỹ đầy đủ chất dinh dưỡng, thảo dược, giúp thịt gà thơm ngon nhất” – chị Thoan nói.
Chị Thoan cho biết, hiện trang trại của chị đã được cấp chứng nhận hữu cơ. Mỗi năm, HTX xuất bán hơn 1 vạn con gà với giá bán cao hơn gà nuôi bình thường, chưa kể số lượng gà từ các mô hình liên kết với HTX, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng.
Mỗi năm, trang trại đạt doanh thu trung bình hơn 1,5 tỷ đồng. Hiện chị đã và đang chuyển giao công nghệ chăn nuôi gà vi sinh cho nhiều chị em nông dân và bà con ở các tỉnh, thành để cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, hướng tới thiết lập một hệ thống chăn nuôi gà sạch rộng lớn hơn.
Nhằm thúc đẩy phát triển các mô hình HTX, hình thành các chuỗi liên kết hiệu quả như HTX của bà Tuyền, chị Thoan…, huyện Sóc Sơn cũng đang quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó ưu tiên nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo vành đai xanh cho TP.Hà Nội.
Theo thống kê, đến nay, huyện Sóc Sơn đã có 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 76 sản phẩm được công nhận OCOP, 15 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao…
Nguồn: https://danviet.vn/nong-dan-mot-huyen-cua-ha-noi-nuoi-con-dac-san-trong-cay-dac-san-kieu-gi-ma-giau-len-20240815174311058.htm