Chỉ hai ngày sau khi Thủ tướng Srettha Thavisin bất ngờ bị phế truất, ngày 16/8, Quốc hội Thái Lan đã chọn Paetongtarn Shinawatra, con gái 37 tuổi của cựu Thủ tướng Thaksin làm Thủ tướng tiếp theo của xứ chùa vàng. Nhưng trước mắt tân nữ Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Thái Lan sẽ là một chặng đường đầy khó khăn và bất ngờ đang chờ đợi?
Tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra. (Nguồn: AFP) |
Việc bà Paetongtarn Shinawatra trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Thái Lan lên nắm quyền là minh chứng rõ ràng nhất cho đến nay rằng cha bà, ông Thaksin Shinawatra, người đã bị lật đổ khỏi chức Thủ tướng trong một cuộc đảo chính năm 2006 và phải sống lưu vong ở nước ngoài trong nhiều năm vẫn là một nhân vật đầy quyền lực đằng sau hậu trường. Bà Paetongtarn trở lại cũng cho thấy Đảng Pheu Thai do gia tộc Shinawatra chi phối sẽ vẫn là thế lực dẫn đầu trong nền chính trị Thái Lan.
Bất ngờ trong kế hoạch
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát chính trị khu vực cho rằng, dù có sự hậu thuẫn từ kinh nghiệm chính trường dày dạn của người cha và cả người cô ruột Yingluck Shinawatra cũng từng là Thủ tướng, thì tân nữ Thủ tướng Paetongtarn cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm nền kinh tế suy yếu và kỷ nguyên chính trị bất ổn với vai trò của quân đội và các đồng minh bảo hoàng trong tiến trình dân chủ của Thái Lan.
Một cuộc thăm dò dư luận gần đây ở Thái Lan cho thấy chỉ có 6% cử tri ủng hộ bà làm Thủ tướng, đứng sau Pita Limjaroenrat, cựu lãnh đạo của Đảng Tiến bước (MFP) hiện đã bị giải tán và đổi thành Đảng Nhân dân, và Srettha Thavisin, Thủ tướng vừa bị cách chức vào hôm 14/8.
Với tỷ lệ ủng hộ của cử tri chỉ 6%, việc vẫn được giới thiệu và được chấp thuận thay thế cho Thủ tướng Srettha được cho là một điều đáng ngạc nhiên. Những người thân cận với Thủ tướng Paetongtarn trước đây từng nói rằng bà không muốn tham gia vào chính trường vốn rất khốc liệt ở Bangkok. Là cựu Phó Giám đốc điều hành của một công ty quản lý khách sạn do gia đình điều hành, bà Paetongtarn cũng được cho là có ít kinh nghiệm trong vai trò của một lãnh đạo quốc gia.
Trong cuộc bầu cử năm ngoái, bà Paetongtarn từng là ứng cử viên hàng đầu cho chức Thủ tướng của Đảng Pheu Thai. Nhưng MFP do ông Pita lãnh đạo đã chiến thắng khá cách biệt và quay sang hợp tác với Pheu Thai để lập ra một chính phủ mới. Sau đó, kế hoạch hợp tác giữa MFP và Pheu Thai bị phá sản khi ông Pita không thể trở thành Thủ tướng do không có được sự ủng hộ từ các đồng minh của quân đội và chế độ quân chủ tại Thượng viện. Ông Srettha, người cuối cùng được Pheu Thai đưa ra làm ứng cử viên, đã trở thành Thủ tướng, nhưng ông lại chỉ giữ được chức vụ này chưa đầy một năm trước khi bị Tòa án Hiến pháp phế truất vào hôm 14/8. Đây là bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy nền chính trị của Thái Lan khốc liệt và thay đổi nhanh như thế nào – và ít ai hiểu điều đó một cách sâu sắc như gia tộc nhà Shinawatra.
Là con út của ông Thaksin, bà Paetongtarn đã sống xa cha mình 17 năm khi ông sống lưu vong, chủ yếu ở Dubai, để trốn tránh những gì ông cho là cáo buộc có động cơ chính trị chống lại ông. Cô ruột của bà, Yingluck, nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, cũng đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2014 và buộc phải chạy trốn khỏi đất nước. Chú rể của bà, Somchai Wongsawat, cũng đã bị cách chức Thủ tướng khi Tòa án Hiến pháp ra lệnh giải tán Đảng Quyền lực nhân dân do ông đứng đầu vào năm 2008.
Sau nhiều năm lưu vọng, cựu Thủ tướng Thaksin đã trở về Thái Lan vào năm ngoái sau khi ông Srettha của Pheu Thai trở thành Thủ tướng. Mặc dù bị kết án 8 năm tù vì tội tham nhũng, ông Thaksin chưa bao giờ phải ngồi tù một ngày nào, một sự thật vẫn khiến kẻ thù của ông và một bộ phận lớn công chúng Thái Lan tức giận. Vào tháng 6, ông bị buộc tội xúc phạm chế độ quân chủ. Các nhà phân tích gọi đó là dấu hiệu cho thấy cơ quan này đang mất kiên nhẫn với ông.
Khó khăn phía trước
Paetongtarn chưa từng giữ chức vụ gì trong chính phủ. Bởi thế, quyết định đưa bà vào cuộc chơi được giới quan sát cho là một “canh bạc” đối với đảng Pheu Thai của bà và người đứng đầu 75 tuổi Thaksin. Các nhà quan sát cho rằng, với vai trò là người đứng đầu chính phủ, bà sẽ phải đối mặt với những thách thức trên nhiều mặt trận, với nền kinh tế đang chao đảo, sự cạnh tranh từ một đảng đối thủ ngày càng tăng và vị thế của Pheu Thai đang giảm dần. Đặc biệt là việc Pheu Thai vẫn chưa thực hiện được chương trình trợ cấp tiền mặt trị giá 500 tỷ Baht (14,25 tỷ USD) như kế hoạch đưa ra trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Nattabhorn Buamahakul, Đối tác quản lý tại công ty tư vấn về các vấn đề chính phủ Vero Advocacy, cho biết: “Canh bạc của gia tộc Shinawatra lần này khá mạo hiểm. Nó đặt con gái của cựu Thủ tướng Thaksin vào tầm ngắm và một vị trí dễ bị tổn thương”.
Sự sụp đổ của ông Srettha sau chưa đầy một năm tại vị sẽ là lời nhắc nhở rõ ràng về nguy cơ mà Paetongtarn có thể phải đối mặt. Sự biến động trong vài ngày qua cũng cho thấy sự đổ vỡ trong “thỏa thuận đình chiến” mong manh giữa ông Thaksin và các đối thủ của ông trong giới cầm quyền và quân đội, vốn đã giúp ông trở về vào năm 2023 sau 15 năm lưu vong và đồng minh Srettha trở thành Thủ tướng cùng ngày.
Việc Thaksin đánh cược vào con gái Paetongtarn tại thời điểm quan trọng như vậy đã khiến nhiều nhà phân tích ngạc nhiên, những người mong đợi ông sẽ trì hoãn triều đại của mình và tránh để con gái mình phải trải qua những trận chiến dẫn đến sự sụp đổ của chính ông và em gái Yingluck, cả hai đều chạy trốn ra nước ngoài để tránh bị bỏ tù sau khi chính phủ của họ bị quân đội lật đổ.
Titipol Phakdeewanich, nhà khoa học chính trị tại Đại học Ubon Ratchathani cũng cho biết: “Đây là một canh bạc lớn đối với ông Thaksin. Có khả năng con gái ông sẽ lại lặp lại những gì mà ông và em gái đã từng phải trải qua. Và đó là rủi ro lớn đối với toàn bộ triều đại Shinawatra. Nếu bà ấy không thể đưa nền kinh tế trở lại và đưa đảng Pheu Thai trở lại thì đó có thể là hồi kết vì Đảng Nhân dân đang giành được nhiều động lực hơn sau khi họ giải thể”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/van-bai-moi-cua-gia-toc-shinawatra-o-thai-lan-282899.html