Một hiện tượng kỳ lạ
Là tảng băng trôi lớn nhất thế giới, A23a được các nhà khoa học rất quan tâm, họ đã theo dõi khối băng này kể từ khi nó tách ra khỏi thềm băng Filchner-Ronne ở Nam Cực vào năm 1986.
Hiện tại, “số phận” của tảng băng trôi này vẫn còn là một dấu hỏi vì nó vẫn đang mắc kẹt trong tình huống hiếm gặp mà các nhà khoa học cho là chưa từng có. Tiến sĩ Les Watling, ông là giáo sư danh dự ngành khoa học đời sống của Đại học Hawaii ở Manoa, đã viết trong email: “Theo những gì chúng tôi biết thì điều này chưa từng xảy ra trước đây”.
Tảng băng có diện tích khoảng 3.672 km2 – rộng gấp đôi thành phố London – trôi qua núi ngầm và mắc kẹt trong một hiện tượng được gọi là cột Taylor, một dòng xoáy nước do dòng hải lưu va vào núi ngầm. Theo Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Vương quốc Anh, tảng băng hiện đang quay khoảng 15 độ mỗi ngày theo chuyển động hình trụ phía trên núi ngầm.
Các chuyên gia cho biết tảng băng trôi đang dần tan chảy nhưng sẽ không ảnh hưởng đến mực nước biển mà thay vào đó cho ta biết thêm về vòng đời cũng như cuộc khủng hoảng khí hậu đang tác động đến các dải băng ở Nam Cực như thế nào.
Tại sao tảng băng trôi khổng lồ đang “quay tròn”?
Khi khối băng trôi ban đầu tách khỏi thềm băng vào những năm 80, nó đã trôi được không xa trước khi kẹt lại ở biển Weddell. Sau hơn ba thập kỷ, vào năm 2020, nó đã bắt đầu trôi về phía hệ thống dòng hải lưu lớn nhất thế giới – dòng hải lưu vòng Nam Cực. Nhưng khi đến dòng hải lưu vào mùa xuân, thay vì tới được Nam Đại Tây Dương, hành trình của nó đã dừng lại một lần nữa.
Khối băng đang quay chậm trên một ngọn núi ngầm có tên là Pirie Bank Seamount, cao khoảng 1.000 mét. Tảng băng trôi có kích thước khoảng 61 x 59 km, nhỏ hơn ngọn núi một chút và “nằm ở vị trí thích hợp về kích thước, nơi nó bị giữ lại bởi cột Taylor nhưng không nhô ra quá nhiều. Vì vậy, nó không dễ bị đẩy đi”, tiến sĩ Alexander Brearley, một nhà hải dương học vật lý thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Vương quốc Anh cho biết.
Viện nghiên cứu đã nhận thấy sự quay vòng kỳ lạ từ hình ảnh vệ tinh, cho thấy tảng băng trôi mắc kẹt ở một điểm gần Quần đảo Nam Orkney. Vì quay rất chậm nên ta không thể nhận ra.
Brearley cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu các cột Taylor này trước đây, không phải chỉ để nghiên cứu các tảng băng trôi, mà vì chúng thực sự là những hiện tượng hải dương học thú vị và có ý nghĩa quan trọng đối với sự lưu thông của đại dương”.
Trong khi đó, tiến sĩ Watling cho biết các điều kiện của cột Taylor phải “vừa đủ” để giữ được tảng băng trôi khổng lồ. Ông giải thích: “Nhìn chung, các cột Taylor được hình thành khi có sự cân bằng giữa dòng nước chuyển động với kích thước và hình dạng của núi ngầm… Nếu dòng nước chuyển động quá nhanh, các dòng xoáy sẽ chảy về hạ lưu của núi ngầm. Nếu dòng nước chuyển động không đủ nhanh, thì dòng nước sẽ chảy vòng quanh”.
Tảng băng trôi khổng lồ có phải là mối nguy hiểm?
Chừng nào tảng băng trôi vẫn còn bị mắc kẹt, nó sẽ tan chảy chậm hơn so với khi tiếp tục trôi. Brearley cho biết bất kể băng tan ở đâu, nó cũng sẽ không làm ảnh hưởng mực nước biển.
Ông nói rằng sự hình thành các thềm băng dọc theo bờ biển Nam Cực cũng là một phần tự nhiên trên Trái đất và không có gì khẩn cấp đối với bất kỳ tảng băng trôi riêng lẻ nào.
Nhưng điều đáng lo ngại ở đây là các thềm bang ở Tây Nam Cực ngày càng mỏng đi trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu, điều này có thể gây ra nhiều tảng băng trôi hơn và dẫn đến băng trên cạn tan nhanh hơn, do đó làm mực nước biển dâng cao.
Brearley cho biết “Tôi nghĩ chúng ta không nên quá lo lắng về việc này. Nhưng nói chung, chúng ta nên quan tâm về các tảng băng trôi – hiểu về số lượng, nguồn gốc, ý nghĩa của băng trên cạn và sự ổn định của chúng trong tương lai”.
Chu kỳ này sẽ kéo dài bao lâu?
Trong khi các nhà nghiên cứu không biết tảng băng sẽ quay vòng trong bao lâu, Brearley đã chỉ ra trong một nghiên cứu vào tháng 1 năm 2015, các nhà nghiên cứu Khảo sát Nam Cực của Vương quốc Anh đã tìm thấy một chiếc phao định hình, một công cụ dùng để đo bề mặt, đã nằm trong cột Taylor suốt 4 năm. Phao có kích thước bằng con người nên các nhà nghiên cứu không nghĩ rằng tảng băng trôi sẽ nằm trong cột lâu như vậy.
“Có thể là sự kết hợp giữa các biến đổi của gió, dòng chảy và hình dạng chính xác của khối băng sẽ khiến nó di chuyển ra khỏi cột Taylor. Nhưng chúng tôi khá ngạc nhiên khi nó tồn tại lâu như vậy. Vì vậy, chúng ta hãy cùng chờ xem,” anh ấy nói thêm.
Tiến sĩ Tony Koslow, một nhà hải dương học danh dự tại Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California, San Diego, cho rằng do núi ngầm có kích thước lớn nên tảng băng trôi có thể sẽ tiếp tục quay trong một thời gian dài, thậm chí là nhiều năm.
Các núi ngầm được biết đến là khu vực đa dạng sinh học đại dương, vì các dòng hải lưu chảy quanh các gò đất tạo nên điều kiện lý tưởng cho các loài động vật không xương bám vào núi hay các loài khác ăn các mảnh thức ăn do dòng hải lưu cuốn trôi, theo Koslow chia sẻ với CNN trong báo cáo trước đó.
Việc tan chảy của tảng băng trôi có thể ảnh hưởng đến các điều kiện tự nhiên này, nhưng cần phải nghiên cứu thêm để biết chắc chắn, theo Watling cho biết.
“Tôi cho rằng nó có thể làm giảm sự đa dạng sinh học trong cột nước nhưng tác động nhẹ đến các sinh vật biển sống ở đáy biển. Tảng băng trôi này đủ lớn để tham gia vào quá trình “sản xuất chính” như tảo cát, được tạo ra khi dòng nước giàu chất dinh dưỡng trào lên và nuôi dưỡng cho thực vật phù du. Vậy nên nếu điều đó xảy ra thì nguồn cung cấp thức ăn sẽ giảm”, Watling cho biết qua email.
Ông nói thêm, “Tôi không thấy có lý do gì để lo lắng. Tuy nhiên, điều đó thực sự tuyệt vời và một lần nữa chứng minh rằng thế giới chúng ta đang sống thú vị như thế nào”.
Hà Trang (theo CNN)
Nguồn: https://www.congluan.vn/tang-bang-troi-lon-nhat-the-gioi-dang-mac-ket-trong-vong-xoay-dai-duong-post307961.html