Chương trình hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Khu vực Vĩnh Linh (25/8/1954-25/8/2024), ôn lại những năm tháng chia cắt hai miền nam-bắc và đặc biệt là dịp để nhắc nhớ kỳ tích lũy thép lẫy lừng Vĩnh Linh đầu cầu miền bắc, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến miền nam.
Tham dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Quảng Trị…
Phát biểu tại sự kiện, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Vĩ tuyến 17 – Khát vọng hòa bình” là một chương trình đặc biệt để ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc, kỷ niệm 70 năm ký Hiệp định Geneva về Đông Dương, 52 năm Giải phóng Quảng Trị; cũng là dịp để bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh.
Đồng chí cho biết, cách đây 70 năm, Hiệp định Geneva đã lấy con sông Bến Hải trên Vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời với quy định sau hai năm sẽ Tổng tuyển cử, tiến tới thống nhất hai miền.
Nhưng Đế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai ở miền nam, ngang nhiên phá bỏ Hiệp định, thực hiện dã tâm xâm lược, hòng biến miền nam thành bàn đạp để tấn công miền bắc. Vì thế, con sông Bến Hải hiền hòa, bình dị đã trở thành vết thương chia cắt đất nước đằng đẵng hơn hai chục năm trời.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ ấy, Quảng Trị là chiến trường vô cùng ác liệt. Lũy thép Vĩnh Linh cùng với đảo Cồn Cỏ anh hùng vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền nam. Người Quảng Trị, dù bờ bắc hay bờ nam sông Bến Hải đã phải chịu đựng biết bao gian khổ, thương đau nhưng không hề nao núng, một lòng một dạ, son sắt, thủy chung.
Lịch sử đã chọn mảnh đất này làm nơi đối đầu lịch sử giữa hai thế lực chính nghĩa và phi nghĩa. Hàng nghìn, hàng vạn những người con từ mọi miền đất nước đã về đây, chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng. Máu xương của biết bao anh hùng, liệt sĩ đã thấm đẫm vào đất thiêng Quảng Trị, dựng lên những tượng đài chiến thắng. Những cái tên Bến Hải, Hiền Lương, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đường Chín, Khe Sanh, Cửa Việt, Thành Cổ…
Đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, ngày nay từ một tỉnh khó nghèo do hậu quả nặng nề của chiến tranh với “những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ”, Quảng Trị đã thay da đổi thịt, sánh vai với các tỉnh bạn trong khu vực với những thành tựu phát triển đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
“Với tất cả ý nghĩa và tâm nguyện thiết tha đó, Báo Nhân Dân phối hợp tỉnh Quảng Trị tổ chức Chương trình nghệ thuật chính luận Vĩ tuyến 17 – Khát vọng hòa bình. Chúng tôi hy vọng chương trình từ việc tôn vinh những giá trị bất hủ sẽ đem lại niềm tự hào, niềm tin yêu về quá khứ, qua đó truyền năng lượng của quá khứ đến hiện tại và tương lai; một lòng một dạ bên nhau phấn đấu cho những ước mơ cao đẹp nhất sớm trở thành hiện thực trên quê hương, đất nước yêu dấu của chúng ta”, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhấn mạnh.
Chương trình nghệ thuật chính luận Vĩ tuyến 17 – Khát vọng hòa bình được mở đầu với chương 1 “Những ngày tháng Bảy”. Hàng nghìn khán giả có mặt tại Kỳ đài bắc trong phút chốc như được sống trong không gian thanh bình của mảnh đất lũy thép, lũy hoa Vĩnh Linh anh hùng với các tiết mục Dòng chảy của sự sống (Vũ đoàn Lavender); Quê mẹ là quê anh (Ca sĩ Vân Khánh – Viết Danh).
Nhưng khung cảnh bình yên ấy không giữ được lâu khi những “Vết cắt Bến Hải” xuất hiện. Hai năm sau Hiệp định Geneva, khi mốc ngày Tổng tuyển cử càng tới gần, hy vọng thống nhất non sông càng bị đẩy ra xa. Nỗi đau chia cách cứa vào lòng từng người, từng gia đình đang ở trong cảnh phân ly, dang dở. Tới đây, chương 1 tiếp tục mở ra cho người xem một trường đoạn mới mang tên: Cuộc chia ly màu đỏ với nhạc phẩm bất hủ: Câu hò bên bến Hiền Lương (biểu diễn: ca sĩ Anh Thơ và Vũ đoàn Lavender).
Trong chương 2 với chủ đề “Như không hề có cuộc chia ly”, khán giả tiếp tục được lắng nghe những câu chuyện xúc động, chứa chan niềm tin và hy vọng bên ven bờ Bến Hải trong suốt hơn 20 năm xa cách. Tất cả những người có mặt đã phải lặng đi khi chứng kiến màn “song ca” có một không hai giữa cố nghệ sĩ Châu Loan và ca sĩ Huyền Trang thông qua bản phối khí có sử dụng băng ghi âm để lại với những âm điệu dân ca đầy nhớ thương, da diết của tác phẩm Giọng hò quê ta.
Chương 3 “Máu và hoa” đưa người xem còn được trở về với những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh, chứng kiến sự kiên cường của quân và dân Vĩnh Linh nói riêng và Quảng Trị nói chung qua những chuyến tiếp tế, vận chuyển lương thực, đạn dược và con người bằng cả đường bộ (Tổ khúc Nhịp bước Trường Sơn); lẫn đường thủy qua hai bên bờ sông, và từ đất liền ra đảo Cồn Cỏ, để thấy được những nỗ lực và khả năng phi thường của con người thời chiến.
Chương 4 với chủ đề Sức mạnh Việt Nam tiếp tục tái hiện ý chí quyết tâm “bám đất giữ làng” của nhân dân Vĩnh Linh trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Huyền thoại làng trong hầm hiện lên với chuỗi phóng sự, hoạt cảnh sân khấu và múa hát được dàn dựng, biên đạo công phu.
Chương trình cũng dành một phút tưởng niệm tri ân hương linh các Anh hùng, liệt sĩ, đồng bào đã nằm xuống cho đất nước đứng lên, chương cuối mang tên Đất thép nở hoa được bắt đầu. Các tiết mục Anh có về Quảng Trị với em không, Tổ khúc Giai điệu Tổ quốc – Giai điệu tự hào – Lá cờ… được thể hiện truyền đi thông điệp về quyết tâm, nỗ lực đổi mới-phát triển từng ngày của đất thép Vĩnh Linh nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung.
Nguồn: https://www.congluan.vn/tri-an-sau-sac-doi-voi-su-hy-sinh-to-lon-cua-the-he-cha-anh-post308066.html