(Dân trí) – Phạm Thị Thủy Tiên (SN 1990) kể lại những câu chuyện xưa sống động thông qua hội họa và thu hút hàng chục triệu lượt xem trên mạng xã hội.
Video về lịch sử Việt Nam đã được Thủy Tiên chỉnh sửa sau khi nhận góp ý từ công chúng (Video: NVCC).
Phạm Thị Thủy Tiên là chủ kênh TikTok Vẽ kể chuyện. Hiện nay, kênh Tiktok của cô thu hút một triệu lượt theo dõi và 29 triệu lượt thích nhờ vào những video vẽ về nhân vật nổi tiếng kết hợp cùng các câu chuyện lịch sử, giai thoại huyền bí.
Vẽ là đam mê
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về lần đầu bén duyên với hội họa, Thủy Tiên nói: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã thích vẽ và có thể vẽ ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Đến năm lớp 4, tôi được chọn tham dự cuộc thi vẽ tranh cấp tỉnh và may mắn đoạt giải nhì. Tôi vui sướng vô cùng vì đã được ghi nhận. Thông qua cuộc thi, tôi cũng xác định được đam mê và ước mơ về công việc sau này là gì”.
Tuy nhiên, sinh ra trong gia đình không mấy khá giả ở tỉnh Đồng Nai, bố mẹ Thủy Tiên không ủng hộ cô theo hội họa bởi họ cho rằng, vẽ là một nghề khá bấp bênh, không có sự ổn định, không phải là công việc tốt để cô theo đuổi.
Mới đây, Thủy Tiên thực hiện bộ ảnh “Vẽ tiếp ước mơ” như lời nhắn gửi tới các bạn trẻ: Hãy dũng cảm theo đuổi đam mê và cố gắng từng chút, thành công sẽ “gõ cửa” tìm bạn (Ảnh: NVCC).
Hồi nhỏ, bị bố mẹ ngăn cấm, Tiên thường trốn lên gác xép hay chui xuống gầm giường vẽ lên những tờ giấy nháp. Lên cấp 3, phải tập trung học để trở thành giáo viên như nguyện vọng của bố mẹ, cô gái quê Đồng Nai tạm gác lại đam mê hội họa.
Sau khi tốt nghiệp ngành Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia TPHCM), Thủy Tiên làm nhiều việc như thu âm sách nói, biên tập viên, viết truyện… Dù mỗi công việc đều giúp Tiên trưởng thành, hoàn thiện bản thân, cô vẫn không cảm thấy hạnh phúc, bởi đó không phải là đam mê cô theo đuổi.
Mỗi năm vào dịp Tết, Tiên thường ra phố Ông Đồ (Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM) để cho chữ. “Tôi nghĩ, tranh thư pháp thường chỉ có chữ thì đơn điệu nên đã vẽ trang trí thêm các họa tiết hoa lá giúp bức thư pháp sống động hơn. Đồng thời, tôi cũng được thỏa mãn phần nào đam mê vẽ”, cô tâm sự.
Thủy Tiên yêu thích hội họa và cả nghệ thuật thư pháp truyền thống (Ảnh: NVCC).
Khi dịch Covid-19 bùng phát vào giữa năm 2021, Thủy Tiên rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực với nhiều lo âu. Để giải tỏa cảm xúc, cô tìm đến hội họa và nhen nhóm ý tưởng lập kênh Tiktok vừa vẽ, vừa kể, giới thiệu những câu chuyện lịch sử, văn hóa dân gian đặc sắc của Việt Nam.
“Ban đầu, tôi lo ngại nội dung về lịch sử sẽ ít được các bạn trẻ quan tâm nhưng may mắn thay, chủ đề này vẫn được nhiều người đón nhận. Hội họa giúp tôi được trải nghiệm cảm giác lần đầu có video triệu lượt xem, lần đầu đưa bố mẹ lên truyền hình, lần đầu được minh họa sách…”, cô tâm sự.
Kể sử bằng nét vẽ
Thủy Tiên cho biết: “Tôi chủ yếu lấy ý tưởng, tìm hiểu các kiến thức thông qua em trai học chuyên ngành lịch sử và những câu chuyện mình được biết qua người thân. Ngoài ra, tôi nghiên cứu thêm qua sách, báo để đa dạng thông tin hơn”.
Để những câu chuyện chia sẻ trên kênh thực sự có ý nghĩa và chính xác, Tiên tìm thông tin từ các nguồn chính thống như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục, Lĩnh Nam chích quái… Sau khi có ý tưởng, cô bắt tay vào xây dựng cốt truyện, kiểm tra lại các thông tin tìm được và biên tập cho phù hợp.
Tiên thường sử dụng màu nước để thực hiện các bức tranh (Ảnh: NVCC).
Về phần hội họa trong lúc kể chuyện, cô gái SN 1990 thường tham khảo nhiều tài liệu để phối màu cho nhân vật được đẹp và đúng với bối cảnh lịch sử. “Tôi dựa vào những bức tượng tạc từ xưa, hình ảnh còn sót lại của nhân vật và tìm hiểu thêm trang phục theo từng thời kỳ sẽ có họa tiết, mão đội đầu và màu sắc ra sao”, cô chia sẻ.
Thủy Tiên mất khoảng 3-4 tiếng để hoàn thành các bức tranh đơn giản và 6-8 tiếng hoàn thành các bức tranh nhiều chi tiết, độ khó cao. Sau khi hoàn thành tranh, cô thường thu âm và dựng video vào buổi đêm bởi không có tiếng ồn và dễ tập trung. Tự thực hiện tất cả công đoạn, tùy theo độ khó của tranh và nhân vật, câu chuyện lịch sử, Tiên thường mất 1-3 ngày để sản xuất một video.
Cẩn thận trong việc kiểm tra các nguồn thông tin nhưng đã có lần Thủy Tiên sai sót, nhầm lẫn một chi tiết lịch sử trong video tóm tắt lịch sử từ thời Hùng Vương cho tới triều Nguyễn.
“Tôi đã khóc rất nhiều bởi những lời tiêu cực và cho rằng, mọi người đang quá khắt khe. Bình tĩnh nhìn nhận lại, tôi hiểu ra, lịch sử không thể nhầm lẫn mà phải chính xác tuyệt đối.
Từ bài học này tôi nhận ra, nếu vấp ngã ở đâu thì phải đứng dậy ở đó. Có thái độ tích cực và cầu thị, dám nhận sai và sửa sai, mọi người sẽ bỏ qua và tiếp tục đón nhận các video trên kênh”, Tiên tâm sự.
Thủy Tiên trong một buổi giao lưu với các em học sinh (Ảnh: NVCC).
“Tôi hạnh phúc vì nội dung kênh đã thúc đẩy một bộ phận người xem yêu thích, muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân gian nước nhà. Có bạn học sinh cấp một vui mừng khoe nhờ xem video trên kênh Vẽ kể chuyện mà ghi nhớ lịch sử tốt hơn, đạt điểm cao môn lịch sử.
Một số phụ huynh từng nói với tôi, hồi đầu hạn chế con xem các video trên mạng xã hội vì khá lo ngại các nội dung gây ảnh hưởng xấu. Theo dõi kênh của tôi một thời gian, thấy những câu chuyện hay về lịch sử, các truyền thuyết dân gian Việt Nam ý nghĩa nên cũng an tâm để con xem hơn”, cô gái Đồng Nai chia sẻ.
Thủy Tiên vẽ tặng chú bán chong chóng bảng hiệu với hy vọng bảng hiệu này sẽ thu hút sự chú ý của người đi đường, giúp chú nhanh bán hết hàng (Ảnh: NVCC).
Thủy Tiên vẫn ấp ủ thực hiện dự án vẽ tranh tặng những mảnh đời khó khăn để phần nào giúp họ có được tinh thần thoải mái, thêm yêu cuộc đời.
Thủy Tiên đã làm video kể về ông bố bán chong chóng, một mình nuôi con hay những đứa trẻ mồ côi trong trại trẻ. Những video ấy đã giúp họ được biết đến nhiều hơn, nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ cộng đồng. Theo Tiên, đây chính là giá trị tinh thần to lớn nhất cô nhận được từ khi lập kênh Tiktok Vẽ kể chuyện.
“Tôi luôn mong bản thân của ngày hôm nay sẽ tốt hơn hôm qua để tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng.
Tôi muốn nhắn nhủ với mọi người rằng, đừng từ bỏ mà hãy đầu tư cho ước mơ, đam mê và học hỏi, phát triển từ những điều nhỏ nhặt. Những thành tựu lớn lao đều bắt nguồn từ những điều nhỏ bé”, cô gái SN 1990 tâm sự.
Dantri.com.vn