90% thương mại toàn cầu bị tác động bởi các biện pháp phi thuế quan, đồng thời hạn chế thương mại gấp 3 lần các biện pháp thuế quan.
Thông tin được đưa ra tại khóa đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, thương mại điện tử và logistics do Ban quản lý Dự án hỗ trợ kỹ thuật MLC (Bộ Công Thương) tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan nghiên cứu…
Việt Nam nằm trong Top 15 nước có dòng thương mại lớn nhất thế giới
Theo bà Phùng Thị Lan Phương – chuyên gia cao cấp Công ty tư vấn đầu tư và tận dụng hiệp định Thương mại tự do KTP – Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở cửa mạnh nhất, với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực với 56 đối tác thương mại.
Khóa đào tạo ngắn hạn của Dự án hỗ trợ kỹ thuật được tài trợ bởi Quỹ đặc biệt trong vòng khuôn khổ Sáng kiến Hợp tác Mê Kông-Lan Thương (MLC) do Bộ Công Thương tổ chức sáng 3/12, tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hạnh) |
Các quốc gia khác cũng thuộc khu vực ven sông Mê Kông-Lan Thương cũng đã tham gia hàng chục các hiệp định thương mại tự do, đồng thời là thành viên chung của nhiều hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ ASEAN với các nước đối tác.
Theo bà Phùng Thị Lan Phương, trong các FTA, các cam kết liên quan đến minh bạch hóa, đối xử bình đẳng hay thuận lợi hóa hơn về thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động,… ban đầu có thể gia tăng chi phí cho Việt Nam, tuy nhiên, về lâu dài thì sẽ tốt cho doanh nghiệp khi các tiêu chuẩn của Việt Nam dần tiệm cận với các tiêu chuẩn của thế giới.
Đối với từng doanh nghiệp, chúng ta sẽ tìm thấy những cơ hội và thách thức riêng trong từng hiệp định, tuy nhiên, về tổng thể các FTA đang giúp cho Việt Nam xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Có nhiều yếu tố, nhưng các FTA là một nhân tố đóng góp vào sự thành công của thương mại và đầu tư của Việt Nam trong thời gian qua. Năm 2004, thương mại của Việt Nam từ 1 nước xuất khẩu có vị thế thấp trong thương mại quốc tế thì đến nay chúng ta đã xếp thứ 15 về nhập khẩu và 11 về xuất khẩu. Việt Nam cũng là một trong số 15 nước có dòng thương mại lớn nhất thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những thách thức, hạn chế trong việc tận dụng các FTA. Theo bà Phùng Thị Lan Phương, mặc dù chúng ta xuất khẩu rất mạnh nhưng hơn 70% thuộc các doanh nghiệp FDI. Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi cho tất cả các FTA vẫn được giữ nguyên ở mức thấp chỉ 37,4% vào năm 2023, trong đó, CPTPP (6,3%), RCEP (1,26%). Nhiều trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu không đáp ứng hoặc không xin được C/O ưu đãi.
Mức độ tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu tương đối thấp. Sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) vẫn còn hạn chế ở đoạn sản xuất hoặc lắp ráp có giá trị gia tăng thấp. Hàm lượng giá trị gia tăng trong nước trong tổng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm đáng kể trên tất cả các ngành, giảm từ 69% năm 2000 xuống chỉ còn 52% vào năm 2020, so với mức trung bình của ASEAN là 69% và Trung Quốc là 84%.
Dù tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng liên tục, song phụ thuộc nhiều vào nguyên – phụ liệu nước ngoài, doanh nghiệp FDI, do đó bất kỳ biến động nào từ thị trường nguyên phụ liệu thế giới cũng ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, các nước tham gia các FTA đều gia tăng rào cản phi thuế quan cho sản phẩm nhập khẩu. Các rào cản này liên quan tới các tiêu chuẩn, đơn giản như dán nhãn hàng hóa, quy tắc xuất xứ, phức tạp hơn là chống phá rừng, giảm dấu chân carbon… “Đáng chú ý, trong khi thuế quan được cắt giảm dần từ 13% (năm 1999) xuống còn 7% (hiện nay), nhưng đồng thời với nó là các biện pháp phi thuế quan dần tăng lên từ 53,4% (năm 1999) lên 71,97% (hiện nay)”, bà Phùng Thị Lan Phương nói.
Các biện pháp phi thuế quan khó đoán định đang là rào cản đối với thương mại quốc tế. Theo thống kê, 90% thương mại toàn cầu phải tuân theo biện pháp phi thuế quan, hay nói cách khác các biện pháp phi thuế quan đang thay thế thuế quan để trở thành yếu tố quyết định chính thương mại quốc tế. Các biện pháp phi thuế quan có mức độ hạn chế cao hơn khoảng 3 lần so với thuế quan, điều này làm chi phí thương mại tăng. Trong đó, bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biện pháp phi thuế quan đó là các nước đang phát triển nước và các nước kém phát triển nhất.
Sản phẩm nông nghiệp là nhiều nhất được quản lý chặt chẽ trên khắp quốc gia, với từ 90% đến 100% sản phẩm nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi hàng rào phi thuế quan. Các nước phát triển có xu hướng có nhiều quy định hơn so với đang phát triển và các nước kém phát triển nhất. Trong khi các nước kém phát triển nhất áp dụng trung bình 7 hàng rào phi thuế quan cho từng mặt hàng nông sản nhập khẩu các nước phát triển áp dụng trung bình 13 hàng rào phi thuế quan.
Với việc giảm thuế quan do các hiệp định thương mại tự do, hàng rào phi thuế quan trở thành công cụ chủ yếu để các nước điều tiết thương mại. Hàng rào phi thuế quan có thể ảnh hưởng đáng kể đến dòng chảy thương mại và đang nổi lên như những rào cản lớn đối với xuất khẩu, đặc biệt đối với các nước kém phát triển và đang phát triển.
Nâng cao năng lực hội nhập cho các doanh nghiệp
Tại buổi tập huấn, các chuyên gia cho rằng, nội dung cam kết của các FTA ngày càng sâu và phức tạp đòi hỏi các cán bộ quản lý trong lĩnh vực này cũng như các hiệp hội, doanh nghiệp cần được đào tạo để tận dụng tối đa các ưu đãi từ các hiệp định này.
Ông Nguyễn Phúc Nam – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) – cho biết, đây là khóa đầu tiên trong chuỗi 04 khóa đào tạo ngắn hạn của Dự án hỗ trợ kỹ thuật được tài trợ bởi Quỹ đặc biệt trong vòng khuôn khổ Sáng kiến Hợp tác Mê Kông-Lan Thương (MLC).
Các khóa học này được thiết kế nhằm nâng cao kỹ năng chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức công chức, viên chức, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực xuất nhập khẩu, tập trung vào các chủ đề, bao gồm: cập nhật xu hướng trong xu hướng hội nhập kinh tế, thương mại, đầu tư, các FTA và phi thuế quan rào cản; hoạt động xuất nhập khẩu; hoạt động logistics toàn diện và quản lý chuỗi cung ứng; sự phát triển của thương mại điện tử khu vực và thế giới xu hướng và cam kết mới trong các FTA của Việt Nam…
Bà Phùng Thị Lan Phương thông tin, việc tổ chức ích giúp cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý và giới nghiên cứu có liên quan tới xuất nhập khẩu giữa các quốc gia như Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam có thêm nhiều cơ hội chia sẻ kiến thức, kỹ năng và trao đổi thực tiễn. Qua đó, khóa đào tạo này sẽ góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho các cán bộ thuộc các cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp, các viện, trường tại các nước thuộc khu vực Mê Kông-Lan Thương.
Bên cạnh đó, khóa đào tạo sẽ giúp nâng cao kiến thức chuyên môn về các cam kết quốc tế, chính sách và quy định trong nước cho đội ngũ cán bộ tham gia khóa học, giúp các học viên nâng cao năng lực quản lý cũng như việc hoạch định chiến lược, chính sách trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng tối ưu và hiệu quả hơn, từ đó, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng tiếp cận thị trường quốc tế cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Khóa học sẽ kéo dài đến hết ngày 6/12, trong đó tập trung vào 4 chủ đề, gồm: Cập nhật về các xu hướng hội nhập kinh tế, thương mại – đầu tư, các FTA và các rào cản phi thuế quan đối với thương mại quốc tế; Nghiệp vụ xuất nhập khẩu, mua hàng và thanh toán quốc tế; Hoạt động logistics và quản trị chuỗi cung ứng toàn diện trong bối cảnh hiện nay; Tình hình phát triển thương mại điện tử khu vực và thế giới, những xu hướng mới và cam kết thương mại điện tử trong các FTA của Việt Nam.
Nguồn: https://congthuong.vn/90-thuong-mai-toan-cau-bi-tac-dong-boi-cac-bien-phap-phi-thue-quan-362234.html