Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện trẻ em và người lớn đều có thể phát triển và trau dồi sự dẻo dai tinh thần theo thời gian.
Dưới đây là 9 điều cha mẹ có thể dạy con để trẻ có tinh thần mạnh mẽ.
1. Giúp con xác định đam mê
Nhà văn Paul Tough, tác giả cuốn How Children Succeed, nói rằng một đặc điểm của đứa trẻ mạnh mẽ, dễ thành công là có động lực tìm kiếm hạnh phúc thông qua việc nuôi dưỡng và cố gắng vì mục tiêu ban đầu.
Vì thế, cha mẹ cần giúp trẻ tìm kiếm, xác định đam mê ngay từ những năm đầu đời. Khi các con lớn hơn, bạn hãy cho phép con theo đuổi sở thích đã chọn. Đây là phương pháp giúp trẻ chủ động tham gia các hoạt động và học cách kiên trì ngay cả khi gặp khó khăn.
2. Trao quyền cho con
Theo nhà trị liệu tâm lý Amy Morin (Mỹ) sự tự tin và động lực bản thân là phần quan trọng của sức mạnh tinh thần. Điều đó có nghĩa con bạn không nên phụ thuộc vào người khác để thấy hài lòng về bản thân.
Bạn giúp trẻ tự tin về bản thân bằng cách dạy chúng những cụm từ lặp đi lặp lại nhắc nhở chúng chịu trách nhiệm về cách chúng suy nghĩ, cảm nhận và hành xử, bất kể những người xung quanh như thế nào.
Amy gợi ý những câu khẩu hiệu ngắn gọn và dễ nhớ như “Tất cả những gì tôi có thể làm là cố gắng hết sức”, “hành động tự tin”, “Tôi đủ tốt rồi”, “Hôm nay, tôi chọn hạnh phúc”.
3. Khuyến khích con bước khỏi vùng an toàn
Đối với trẻ, niềm tin của cha mẹ là động lực để các em vươn lên và thoát khỏi vùng an toàn của bản thân. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ thử và kiên trì với những điều khó. Nhân cơ hội đó, trẻ sẽ chứng minh được bản thân có thể làm mọi thứ, kể cả những thử thách khó nhất.
Nhà tâm lý học Angela Duckworth tại ĐH Pennsylvania (Mỹ) gợi ý cha mẹ nên cho trẻ cơ hội theo đuổi ít nhất một điều khó hoặc một hoạt động đòi hỏi kỷ luật rèn luyện. Bà nói với Verywell Family rằng hoạt động thực tế sẽ trở nên quý giá nếu đi kèm nỗ lực và những kinh nghiệm đạt được.
4. Cho con thấy giá trị của việc làm gì đó khó khăn
Có thể sẽ rất khó khăn khi chứng kiến con mình thất bại ở việc gì đó. Tuy nhiên, cha mẹ cần cho con thấy chấp nhận thử thách có thể dạy con nhiều điều, chẳng hạn cách chúng ta chịu đựng áp lực, dù thành công hay thất bại.
Hãy khen ngợi con khi chúng dũng cảm đương đầu với một thử thách khó khăn, theo nhà tâm lý học Mary C. Murphy, giáo sư Khoa học tâm lý và não bộ, đại học Indiana, Mỹ.
Cha mẹ nên giúp con suy ngẫm về những gì đã học và cách áp dụng những bài học và kỹ năng mới đó trong tương lai.
Murphy khuyên thử kể cho con nghe những câu chuyện cá nhân về lúc bạn kiên trì trong những tình huống khó khăn và những gì bạn học được từ sai lầm trong quá khứ. “Những câu chuyện kiểu này giúp bình thường hóa và cho trẻ thấy hầu hết mọi việc đáng làm thường có chút khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn đầu”, Murphy nói.
5. Giúp con hình thành tư duy phát triển
Tư duy của con người được chia làm hai loại là tư duy cố định (fixed mindset) và tư duy phát triển (growth mindset). Tư duy cố định là kiểu suy nghĩ cho rằng thông minh là trời ban, sẵn có. Những người sở hữu dạng tư duy này thường ngại thử thách, khó khăn.
Trong khi đó, tư duy phát triển là lối suy nghĩ với niềm tin tư duy có thể cải thiện thông qua nỗ lực học tập. Người sở hữu tư duy phát triển không ngại đương đầu với thử thách để rèn luyện bản thân.
Cha mẹ nên giúp con hình thành tư duy phát triển từ sớm bằng cách tập trung vào quá trình trẻ phát triển bản thân thay vì cho rằng con mình thông minh sẵn có. Việc này giúp trẻ nhận ra thành công được xây dựng từ những nỗ lực thường ngày, không chỉ đơn giản là nhờ trí tuệ bẩm sinh.
6. Hãy lạc quan
Thái độ của bạn có thể lây lan. Đó là lý do các nhà tâm lý học trẻ em cho rằng điều quan trọng là cha mẹ phải làm gương cho con về hành vi tốt. Nhà khoa học thần kinh Wendy Suzuki, giáo sư trung tâm Khoa học thần kinh, đại học New York, cho rằng lạc quan là một phần quan trọng của sức mạnh tinh thần.
Nhà tâm lý học giáo dục Michele Borba (California, Mỹ) cho biết những đứa trẻ lạc quan, đầy hy vọng sẽ cảm thấy tự chủ hơn trong cuộc sống và thường tự tin hơn khi đón nhận những thử thách mới.
Sự lạc quan có thể học và dạy được. Vì vậy hãy nhớ rằng trẻ em luôn lắng nghe và quan sát các tín hiệu về cách cư xử. “Lần tới khi có điều gì đó xảy ra, bạn có thể nói ‘Không sao đâu, chúng ta đã có thứ này”, Borba nói.
7. Giúp con hiểu thất bại cũng không sao
Nói chuyện với con về những thất bại của bản thân sẽ giúp chúng hiểu rằng thất bại là điều bình thường, ai cũng từng trải qua. Trẻ thường học hỏi từ những kinh nghiệm xung quanh nên bạn có thể kể cho trẻ nghe bạn đã vượt qua thất bại thế nào để chúng ghi nhớ, biết cách xử lý nếu gặp những tình huống tương tự.
Ngoài ra, bạn cũng nên cùng trẻ xây dựng các kế hoạch thay thế cho những tình huống đó. Đây là phương pháp tốt để trẻ hình thành tư duy linh hoạt, biết cách giải quyết vấn đề nhanh chóng.
8. Dạy con cách xin lỗi và khi nào cần xin lỗi
Quan trọng của sức mạnh tinh thần là trí tuệ cảm xúc, bao gồm sự đồng cảm và tự nhận thức. Hãy dạy con tầm quan trọng của việc tôn trọng người khác và bản thân mình, gồm lắng nghe một cách tôn trọng quan điểm và xin lỗi chân thành khi làm sai điều gì đó với ai.
Điều đó không có nghĩa bạn và con phải xin lỗi liên tục. Nhà trị liệu tâm lý Amy Morin (Mỹ) cảnh báo chúng ta không nên rơi vào bẫy tự trách mình một cách độc hại, khi những suy nghĩ tiêu cực làm mất sự tự tin.
Chỉ cần nhớ những người cứng rắn về mặt tinh thần chịu trách nhiệm về hành vi của mình. “Họ đưa ra lời xin lỗi chân thành khi hối hận về hành động của mình và cố gắng sửa đổi bất cứ khi nào có thể”, Morin nói.
9. Khen ngợi nỗ lực thay vì khen ngợi thành tích
Mục tiêu của mỗi nhiệm vụ là quá trình, không phải kết quả hay sự hoàn hảo. Nếu bạn liên tục xen vào quá trình làm việc của trẻ, các em sẽ cho rằng bạn không tín nhiệm khả năng của con.
Khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ, bạn nên tập trung khen ngợi sự cố gắng của con, thay vì chỉ khen kết quả con đạt được. Ngoài ra, bạn cũng nên cho phép trẻ chia sẻ những khó khăn bản thân đã trải qua và dành cho con một cái ôm động viên, khen ngợi.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/9-viec-lam-cha-me-don-gian-nhung-rat-quan-trong-de-con-lon-len-de-thanh-cong-172240608102700082.htm