Doanh thu du lịch tăng 6,5%
Du khách tham quan trải nghiệm Làng rừng Đất Mũi nằm trong Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. |
Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Cà Mau thông tin, tính đến ngày 13/9, Cà Mau đã đón trên 1.624.157 lượt du khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, đạt 69,11% so kế hoạch năm 2024. Trong đó, khách quốc tế 10.914 lượt người, tăng 45% so cùng kỳ; khách trong nước là 1.613.243 lượt du khách.
Tổng thu du lịch 9 tháng đầu năm 2024 đạt 2.313,4 tỷ đồng, tăng 6,5% so cùng kỳ 2023. Chỉ riêng trong quý III/2024 tổng lượt khách đến Cà Mau tham quan, du lịch đạt 464.491 lượt người. Trong đó, khách quốc tế 3.522 lượt người, tăng 30,3% so cùng kỳ; khách trong nước 460.969 lượt người. Doanh thu Quý 3 đạt 792,6 tỷ đồng, tăng 3% so cùng kỳ.
Bên cạnh đó, địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình sự kiện “Cà Mau điểm đến năm 2024”; Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Cà Mau năm 2024 và Chương trình xúc tiến Du lịch năm 2024. Cà Mau tham gia các sự kiện về du lịch do các tỉnh, thành phố tổ chức như: Hoạt động giới thiệu điểm đến Du lịch Cà Mau tại Hà Nội, Ngày hội du lịch TP HCM 2024, Hội chợ du lịch quốc tế VITM HaNoi 2024, Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang 2024…
Ngoài ra, Cà Mau tiếp tục duy trì và phát triển trang web du lịch Cà Mau và các trang mạng xã hội (facebook, fanpage “Du lịch Mũi Cà Mau”); vận hành, khai thác và nâng cấp Cổng thông tin du lịch Cà Mau tại địa chỉ website: www.camautourism.vn, đây là kênh thông tin quảng bá du lịch hỗ trợ tối ưu phục vụ cho du khách tiếp cận, tương tác trực tiếp đến các cơ sở cung cấp dịch vụ như: Các điểm dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí; các cơ sở lưu trú du lịch, các điểm cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch; Công ty lữ hành du lịch được cấp phép; các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh… Từ đó tạo thuận lợi cho khách hàng tương tác với doanh nghiệp du lịch trong môi trường số, từng bước hiện đại hóa việc ứng dụng dịch vụ, sản phẩm du lịch.
Du khách trải nghiệm vào rừng tràm U Minh Hạ lấy ong và thưởng thức vị mật ong thơm ngon. |
Để đạt được những thành công trên, ngay từ đầu năm, các đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau luôn duy trì việc kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phục vụ du khách; giá cả được niêm yết công khai và thực hiện đúng giá niêm yết…
Ông Trần Hiếu Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: “Thành công của ngành du lịch Cà Mau 9 tháng đầu năm 2024 là nhờ sự đầu tư, chuẩn bị tốt của các ngành các cấp. Cạnh đó là sự tổ chức hoạt động phục vụ khách tại các khu, điểm du lịch, di tích trên địa bàn tỉnh được cơ quan chức năng quan tâm, tạo sinh khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân đến tham quan, giải trí…
Trong đó, một số khu, điểm du lịch nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang các mô hình sản phẩm tham quan, trải nghiệm đã thu hút nhiều sự quan tâm của du khách (Đất Mũi, Sông Trẹm, Đầm Thị Tường…). Tuy nhiên, để trong năm 2024 và những năm tiếp theo đạt nhiều thành tựu mới, Cà Mau còn cần phải nổ lực hơn nữa. Theo đó, trên cơ sở những thành công, ngoài củng cố năng lực vốn có cần phải đầu tư sáng tạo và phát huy những thế mạnh du lịch của địa phương”.
“Những năm tiếp theo, Ngành du lịch Cà Mau đẩy mạnh khai thác tốt hơn tài nguyên du lịch theo hướng du lịch xanh; tạo tính hấp dẫn cho sản phẩm du lịch; Tổ chức các sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch; tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng chuyên nghiệp”, ông Trần Hiếu Hùng nhấn mạnh.
Thời gian tới, để tăng sức hấp dẫn của du lịch địa phương, thu hút du khách trong và ngoài nước tiếp tục đến Cà Mau, Ngành du lịch tỉnh tiếp tục xây dựng nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau; Triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp ngành du lịch trên toàn tỉnh, nhất là các cơ sở lưu trú, các hộ du lịch cộng đồng; Tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất; đẩy mạnh xây dựng phát triển sản phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, tinh thần trách nhiệm và văn hóa giao tiếp để phục vụ tốt khách du lịch.
Thời gian tới, Cà Mau tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp ngành du lịch trên toàn tỉnh, nhất là các cơ sở lưu trú, các hộ du lịch cộng đồng… |
Kết nối tạo thành các tour du lịch trải nghiệm
Mới đây, Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Cà Mau tổ chức đoàn Famtrip khảo sát các điểm Khu du lịch Đất Mũi – huyện Ngọc Hiển; Tuyến du lịch xuyên rừng; Điểm du lịch cộng đồng Đất Mũi; Di tích lịch sử Văn hóa Căn cứ Tỉnh ủy (ấp Xẻo Đước, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân); Điểm du lịch cộng đồng ở Đầm Thị Tường (ấp Tân Lợi, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời)…
Tại trải nghiệm tour thực tế, đoàn Famtrip đánh giá, đây là các địa điểm được đánh giá là có tiềm năng, giá trị về lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, ẩm thực phong phú… có sự khác biệt và có thể kết nối tạo thành các tour du lịch trải nghiệm cho du khách, các nhóm gia đình và phù hợp với xu thế du lịch ngắn ngày của nhiều đối tượng khách du lịch.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn nữa trong cách làm và phát triển các điểm du lịch, địa phương cần quan tâm hơn nữa công tác đầu tư nâng cấp các tuyến du lịch xuyên rừng Mũi Cà Mau… Qua đó nhằm tạo thêm sự hấp dẫn thu hút du khách đến với Cà Mau.
Ngoài ra, đoàn Famtrip cũng hướng dẫn các hộ du lịch cộng đồng phát triển sản phẩm du lịch, hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống, mở rộng dịch vụ ăn uống, mua sắm phục vụ khách tham quan du lịch… đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách gần xa.
Anh Nguyễn Trung Kiên (Điều hành Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ – xây dựng – du lịch Hoàng Hôn, ấp Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) cho biết: “Thời gian tới, điểm du lịch sinh thái Hoàng hôn xây dựng thêm nhiều mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm thú vị với những tour mới… Đặc biệt hơn được trải nghiệm bắt nghêu, chèo Sup (mô hình mới) để giới trẻ ngắm hoàng hôn tại Mũi Cà Mau.
Song song đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn trên tuyến xuyên rừng; Phục dựng lại nhà ba gian không cửa, xây dựng cầu khỉ trong rừng để du khách check-in. Qua đó, đáp ứng nhu cầu du khách nghỉ ngơi và thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương…”.
Trải nghiệm bắt ba khía về đêm tại điểm du lịch Hoàng Hôn (Ấp Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển). |
Trao đổi phóng viên, ông Trần Xuân Trường – Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau) cho biết: “Thời gian qua, Ngành du lịch Cà Mau cùng các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp, Công ty lữ hành… tham gia trải nghiệm, giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch của Cà Mau để tăng hiệu quả lan toả tới khách du lịch.
Thông qua chuyến khảo sát, nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá các điểm du lịch trọng tâm, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đến những thị trường trọng điểm thông qua các phương tiện truyền thông, các đơn vị lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của Cà Mau. Từ đó, tạo điều kiện để các tổ chức và cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trao đổi, kết nối, định hướng xây dựng và khai thác các tour, tuyến du lịch hiệu quả hơn trong thời gian tới.”.
Nguồn: https://baophapluat.vn/9-thang-tinh-ca-mau-don-hon-16-trieu-luot-khach-du-lich-post527806.html