Trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 89.400 lượt, gấp 4,07 lần so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 454,3 tỉ đồng, gấp 1,35 lần so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, 9 tháng đầu năm, du lịch Quảng Bình tiếp tục được các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế đánh giá cao, như Lonely Planet (Mỹ), The Travel (Canada), Wanderlust (Anh), Booking.com.
Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, đơn vị đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu về du lịch Quảng Bình đến các thị trường khách nội địa và quốc tế tại các sự kiện, lễ hội du lịch. Để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách, ngành du lịch Quảng Bình cũng phát triển nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo. Tính từ đầu năm đến nay, đã có 34 sản phẩm, điểm tham quan du lịch được phê duyệt đề án hoặc cho phép khai thác thử nghiệm trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại, Sở Du lịch cũng đang tiếp tục hoàn tất các nội dung nhằm thẩm định 2 đề án khai thác sản phẩm du lịch mới, gồm “Trải nghiệm làm ngư dân tại Quảng Bình” của Công ty TNHH Nhật Lệ Travel và “Trải nghiệm thiên nhiên kết hợp lưu trú cắm trại Trằm Mé – Chày Lập Glamping” của Công ty TNHH tập đoàn Vĩnh Hưng.
Công tác phát triển sản phẩm du lịch kết nối, liên kết giữa các tỉnh, thành, khu vực cũng được Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình quan tâm nhằm kết nối các sản phẩm du lịch thông qua các hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các tỉnh Lai Châu, Bình Định và khảo sát các sản phẩm du lịch miền tây Quảng Trị.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, nhìn nhận nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch vẫn chưa đạt công suất như thời điểm trước dịch Covid-19, đang khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Chất lượng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong điều kiện mới.