Số liệu mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy: Tính đến ngày 8/9, có 80/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, với tổng công suất 4.497 MW, gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện, tăng thêm 1 dự án (Nhà máy điện gió Lig Hướng Hóa 2) so với tuần trước.
Trong đó, có 67 dự án (tổng công suất 3.849,41MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương.
EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện với 62/67 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW.
Có 20 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 1.171,72MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 7/9 đạt hơn 531 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày chiếm khoảng 0,57% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
23 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 39 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Như vậy, đến ngày 8/9, vẫn còn 5 dự án với tổng công suất 236,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Tuy nhiều dự án đàm phán giá tạm, nhưng theo tìm hiểu của PV. VietNamNet, 9 tháng sau Quyết định 21 của Bộ Công Thương, vẫn chưa có dự án nào đàm phán giá chính thức với EVN.
Đây là các dự án “trượt” giá ưu đãi hỗ trợ (FiT) vào năm 2020 và 2021. Cho nên, Quyết định 21 được Bộ Công Thương ban hành tháng 1/2023 đã đưa ra khung giá phát điện cho dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.
Theo quyết định này, nhà máy điện mặt trời mặt đất có mức giá trần là 1.184,90 đồng/kWh; nhà máy điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh; nhà máy điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh; nhà máy điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.
Tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn lấy lý do giá trần thấp nên không đồng ý ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Trong khi đó, EVN vẫn thường xuyên đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể hơn cách thức đàm phán giá.
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương xem xét lại khung giá tại Quyết định 21, và hướng dẫn đàm phán giá điện theo quyết định này. Nhưng đến nay, một nguồn tin cho hay, Bộ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho EVN. Vì thế, 80 nhà máy nêu trên chỉ thống nhất được giá tạm bằng 50% giá trần tại Quyết định 21.
“Gần 1 năm kể từ khi Quyết định 21 được Bộ Công Thương ban hành nhưng chưa có nhà máy nào có giá chính thức”, nguồn tin thừa nhận.
EVN hiện vẫn sốt ruột chờ Bộ Công Thương có hướng dẫn cách đàm phán với các chủ đầu tư để có giá chính thức cho những dự án này.