1. Hay so sánh con với trẻ khác
So sánh con với những trẻ khác là điều nhiều cha mẹ mắc phải. Các nhà tâm lý học cho rằng cha mẹ không nên lặp lại sai lầm này bởi việc so sánh như vậy sẽ hạ thấp lòng tự trọng và giá trị của trẻ. Điều đó cũng tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái bởi chúng cảm thấy bị mất niềm tin, ngại giao tiếp hơn.
2. Đáp ứng mọi đòi hỏi của con
Rất nhiều ông bố bà mẹ hiện nay đang chiều con như… vua. Bởi bố mẹ không chịu đựng được tiếng khóc của con. Chỉ cần bé òa lên ăn vạ là mọi yêu cầu của con đều được đáp ứng. Hoặc có dọa nạt trẻ nhưng chỉ qua loa rồi lại chiều theo ý chúng.
Cách làm này của cha mẹ chỉ khiến con giỏi mè nheo, phụ thuộc vào người lớn. Sau này khi lớn lên, ra ngoài xã hội, con không có ai để “ăn vạ”, giúp đỡ mình nữa. Thế là đứa trẻ trở nên sợ hãi. Chưa kể con có thể thành người ích kỷ, dựa dẫm và luôn coi mình là trung tâm.
3. Không quan tâm đến cảm xúc của con
Nếu con đến để nói với bạn một vấn đề nào đó về sự tổn thương lòng tự trọng thì việc bạn cần làm là hãy lắng nghe để biết điều gì đã khiến con cảm thấy buồn bã đến như vậy. Điều này sẽ giúp bạn hiểu được những nguyên nhân tiềm ẩn và giúp con đưa ra một giải pháp hiệu quả.
Đừng cho rằng con chỉ đang cố gây sự chú ý và bỏ qua những cảm xúc của trẻ. Bởi điều đó sẽ khiến con thu mình lại để trốn chạy những cảm xúc tiêu cực và dần trở nên nhút nhát khi không tự giải quyết được những vấn đề của mình.
4. Mắng con trước mặt người ngoài
Hay quát mắng con trước mặt người ngoài là một trong những hành vi của cha mẹ khiến con ngày càng trở nên tự ti, mặc cảm. Trái tim trẻ non nớt, dễ bị tổn thương nếu bị cha mẹ thường xuyên quát mắng, nhất là mắng trước mặt người thân và bạn bè.
Ngay cả khi muốn biện hộ cho những sai lầm của mình, trẻ cũng chẳng dám giải thích vì sợ vẻ mặt tức giận của cha mẹ.
Việc cha mẹ thường xuyên chỉ ra khuyết điểm của con trước mặt người khác khiến trẻ cảm thấy không được tôn trọng, không có tiếng nói trong gia đình. Điều này có thể khiến trẻ dần trở nên xa lánh cha mẹ. Ngay cả khi có vấn đề cần chia sẻ, trẻ cũng không thể chủ động nói với cha mẹ và luôn cảm thấy mình rất dư thừa trong gia đình.
5. Kiểm soát mọi hành vi của trẻ
Phụ huynh kiểm soát con quá mức sẽ khiến trẻ không biết cách tự quản lý cảm xúc của bản thân. Khi được cha mẹ bao bọc, trẻ sẽ gặp nhiều vấn đề về khả năng thích nghi xã hội, kết bạn hay phân tích hành vi.
Vì vậy, khi nhận thấy trẻ có thể xử lý các tình huống mà không cần hỗ trợ, cha mẹ hãy để con tự làm điều đó.
6. Khen con quá nhiều
Đành rằng mỗi lần con làm việc tốt, cha mẹ nên khen thưởng để khuyến khích con. Nhưng nếu chúng ta cuồng con quá mức, đi đâu cũng kể lể những điều tốt đẹp của con, lúc nào cha mẹ cũng khen con mình… vô tình phụ huynh sẽ bằng lòng với thành tích mà con đạt được, coi thường những hành vi kém.
Cuối cùng trẻ sẽ học được cách gian lận, phóng đại, nói dối, né tránh thực tế khó khăn. Bởi trẻ đã không học được cách đối diện với những khó khăn và thất bại.
7. Không đặt niềm tin vào con
Bố mẹ luôn là những nhà phê bình khắt khe nhất đối với con cái. Nhiều khi những đứa trẻ không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mà bố mẹ đặt ra và điều đó khiến bạn mất niềm tin vào con. Tuy nhiên, nếu lạc quan hơn và nhìn nhận vấn đề ở những khía cạnh khác, kiên nhẫn đặt niềm tin ở con thì bạn có thể xoay chuyển tình hình.
Nếu bạn liên tục nói rằng con là một đứa trẻ hư, con học hành kém cỏi… thì chắc chắn bé sẽ tin vào điều đó và ngày càng trở nên tự ti hơn. Hãy đặt niềm tin vào con, dành những lời động viên đúng mức. Niềm tin của bố mẹ chính là một chỗ dựa để con cảm thấy có thể tự tin hơn vào bản thân mình.
8. Thường xuyên phàn nàn con
Nhiều cha mẹ có thói quen phàn nàn con cái. Chẳng hạn, họ sẽ nói: “Tại sao con luôn luôn làm sai?”, “Con khiến mẹ phát bực”, “Bao giờ con tính sẽ sửa lỗi ngớ ngẩn đó?”,… Những lời nói này không mang lại hiệu quả giáo dục. Ngược lại còn khiến trẻ bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy cha mẹ không chịu tìm hiểu nguyên nhân sự việc mà chỉ luôn bắt lỗi con. Việc cha mẹ nên làm là đặt rõ kỳ vọng và ranh giới để trẻ thực hiện, thay đổi. Nếu trẻ đang gặp vấn đề về tâm lý, hành vi, cha mẹ nên lắng nghe trẻ nói để tìm cách tháo gỡ.
9. La hét với con
Nhiều cha mẹ tin rằng la hét là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề và tạm dừng hành vi sai của trẻ. Tuy nhiên, điều này có thể khiến hành vi của trẻ trở nên tồi tệ hơn. Trẻ thường xuyên bị mắng mỏ, la hét dễ thu mình, nhạy cảm và nhút nhát khi đối mặt với người ngoài.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/9-sai-lam-cua-cha-me-vo-tinh-bien-con-thanh-dua-tre-nhut-nhat-yeu-duoi-172240610105804545.htm