Ghi nhận tại mùa tuyển sinh năm 2024, dù điểm chuẩn ngành sư phạm ở mức tốp đầu nhưng vẫn có nhiều trường xét tuyển bổ sung với mức điểm chuẩn rất cao.
Hội đồng tuyển sinh đại học chính quy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vừa thông báo điểm chuẩn xét tuyển bổ sung vào trường năm 2024.
Trong đó, các ngành đào tạo cử nhân ngoài sư phạm có điểm chuẩn dao động từ 16,90 đến 26,86 điểm.
Ngành Giáo dục thể chất (Xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 kết hợp với điểm thi năng khiếu) có điểm chuẩn cao nhất là 27,20; tiếp đó là ngành sư phạm Hóa học có điểm chuẩn là 27,02. Với mức điểm này, thí sinh đạt 9 điểm/môn vẫn trượt xét tuyển bổ sung 2 ngành học này.
Kết thúc xét tuyển đợt 1 (ngày 27/8), Trường Đại học Hồng Đức xét tuyển bổ sung 651 chỉ tiêu đối với 29 ngành đào tạo chính quy trình độ đại học năm 2024.
Trong đó, nhà trường tuyển sinh bổ sung theo 2 phương thức: điểm học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, mức điểm dao động từ 15 đến 28,58 điểm. Trong đó, nhóm các ngành sư phạm lấy điểm sàn xét tuyển cao nhất với 2-3 chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung mỗi ngành.
Trong đó, ngành sư phạm Lịch sử – Địa lý có điểm sàn xét tuyển bổ sung cao nhất, 28,58 điểm với 2 chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung. Như vậy thí sinh đạt khoảng 9,53 điểm/môn mới có cơ hội trúng tuyển.
Một số ngành sư phạm khác của trường cũng có điểm sàn xét tuyển cao như ngành Giáo dục tiểu học lấy 28,42 điểm, Sư phạm Toán lấy 26,28 điểm, Giáo dục mầm non lấy 26,2 điểm, Sư phạm Khoa học Tự nhiên lấy 25,75 điểm.
Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) cũng xét tuyển bổ sung 3 ngành Sư phạm. Trong đó ngành Sư phạm Lịch sử – Địa lý có điểm nhận hồ sơ dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT từ mức 27,37 điểm.
Điểm chuẩn xét tuyển bổ sung của Trường Đại học Tây Bắc cũng ở mức rất cao, dẫn đầu là ngành Sư phạm Ngữ văn với điểm xét tuyển là 28,11 điểm; Sư phạm Lịch sử 28 điểm; Sư phạm địa lý 27,96 điểm; Giáo dục Chính trị 27,78 điểm; Giáo dục Tiểu học 27,5 điểm.
Năm 2024, cả nước có 773.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học/1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, chiếm tỷ lệ 68,5%, cao nhất trong 3 năm qua.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong số 24 lĩnh vực với khoảng 400 ngành đào tạo, đáng chú ý, năm nay khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên có tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển tăng mạnh, tăng 85% so với năm 2023.
Sức hút của ngành sư phạm có tác động lớn từ chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí, học phí thực hiện theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh mà Bộ GDĐT giao cho các trường sư phạm lại không nhiều. Đây là 2 nguyên chính khiến điểm chuẩn của ngành học này ở tốp cao trong những mùa tuyển sinh trở lại đây.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, số thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 năm 2024 trên hệ thống là 673.586 em, tăng 58.116 thí sinh so với năm ngoái. Số thí sinh xác nhận nhập học 551.479.
Như vậy, có đến 122.107 thí sinh dù trúng tuyển nhưng không nhập học đại học đợt 1, chiếm tỷ lệ 18,13%.
Nguồn: https://daidoanket.vn/tuyen-sinh-nam-2024-9-diem-mon-van-truot-xet-tuyen-bo-sung-nganh-su-pham-10291511.html