Trong nhiệm vụ năm học mới bậc tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh việc đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.
52.482 học sinh lớp 1 chưa hoàn thành chương trình lớp học
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023-2024, cả nước có trên 1,7 triệu học sinh lớp 1. Trong đó có trên 1,1 triệu học sinh lớp 1 hoàn thành tốt môn tiếng Việt, trên 1,2 triệu học sinh hoàn thành tốt môn toán.
Tuy nhiên còn 46.334 học sinh chưa hoàn thành ở môn tiếng Việt và 36.110 học sinh chưa hoàn thành ở môn toán. Các môn học, hoạt động khác của chương trình đều có một số học sinh chưa hoàn thành hoặc cần cố gắng nhưng ít hơn nhiều hai môn tiếng Việt và toán.
Tổng số học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học là 52.482 học sinh. So với năm học trước, số học sinh lớp 1 chưa hoàn thành chương trình đã giảm nhưng không đáng kể.
Ở bậc giáo dục tiểu học, tới năm học 2023-2024, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai từ lớp 1 đến lớp 4.
Theo tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở lớp 2 cả nước có gần 1,7 triệu học sinh và cũng còn 13.898 học sinh chưa hoàn thành môn tiếng Việt, 9.181 học sinh chưa hoàn thành môn toán, gần 21.000 học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học.
Ở lớp 3, trong số trên 1,7 triệu học sinh, còn 8.129 học sinh chưa hoàn thành ở môn tiếng Việt, 7.711 học sinh chưa hoàn thành ở môn toán và 16.977 học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học.
Ở lớp 4, trong số trên 1,7 triệu học sinh, còn 5.821 học sinh chưa hoàn thành môn tiếng Việt, 6.664 học sinh chưa hoàn thành môn toán và 14.604 học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học.
Điều kiện dạy học chênh lệch giữa các vùng, miền
Nhìn vào số liệu năm học 2023-2024, có thể thấy số học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học giảm dần theo mỗi lớp. Điều này cho thấy nỗ lực của các nhà trường, ngành giáo dục các địa phương. Đồng thời cũng cho thấy khó khăn lớn nhất tập trung ở nhóm học sinh “chưa hoàn thành” và thường nằm ở những khu vực khó khăn, điều kiện dạy học còn thiếu thốn.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới và yêu cầu các nhà trường dạy 2 buổi/ngày nhưng việc chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên gặp khó khăn.
Nhiều địa phương cũng gặp khó về cơ chế chính sách hoặc điều kiện kinh phí để tuyển dụng hoặc hợp đồng giáo viên. Có những nơi khó khăn về nguồn tuyển giáo viên.
Năm học 2024-2025, lớp 5 là lớp cuối cùng ở bậc tiểu học sẽ triển khai chương trình mới. Trong nhiệm vụ năm học mới ở bậc học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh đến việc đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.
Cụ thể là thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nâng chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, nâng chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.
Năm học mới cũng là năm Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy việc chuyển đổi số, đổi mới công tác quản lý, quản trị nhà trường. Trong đó có việc tiếp tục triển khai thí điểm học bạ số.
Nguồn: https://tuoitre.vn/82-000-hoc-sinh-lop-1-ca-nuoc-chua-dat-yeu-cau-mon-toan-tieng-viet-20240808171817147.htm