Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève được ký kết, nước ta tạm thời bị chia làm 2 miền Nam – Bắc. Trước yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngày 19.11.1958, Trung ương đã ra Nghị quyết số 58-NQ/TW về việc tổ chức “Xây dựng lực lượng cảnh vệ nội địa và biên phòng”.
Sau đó, ngày 3.3.1959, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 100/TTg hợp nhất các đơn vị công an, bộ đội làm nhiệm vụ trên các tuyến biên giới, bờ biển, giới tuyến và bảo vệ các mục tiêu nội địa thành một lực lượng có tổ chức thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên gọi là Công an nhân dân vũ trang.
Ngay sau ngày thành lập, Công an nhân dân vũ trang đã chủ động triển khai nhiệm vụ bảo vệ biên giới, bờ biển miền Bắc, giới tuyến quân sự tạm thời và các mục tiêu quan trọng trong nội địa của 33 khu, tỉnh, thành miền Bắc và thủ đô Hà Nội.
Ở các địa bàn vùng sâu, vùng cao biên giới, thời tiết khắc nghiệt, giao thông khó khăn, công tác đảm bảo còn nhiều thiếu thốn, cán bộ, chiến sĩ đã phát huy tinh thần chủ động, tự lực cánh sinh để xây dựng đồn trạm, vượt rừng tìm bà con về lập bản, dựng nhà, tiến hành công tác vận động quần chúng, vận động nhân dân định canh, định cư, xây dựng cơ sở chính trị… trên biên giới.
Công an nhân dân vũ trang đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và chính quyền địa phương tiến hành tiễu phỉ, trừ gian và phá tan âm mưu gây bạo loạn ở các địa phương, kêu gọi hàng nghìn tên phỉ ra đầu thú trở về sinh sống với gia đình, bóc gỡ hàng trăm tổ chức phản động đội lốt tôn giáo trên tuyến biển. Đồng thời đập tan âm mưu dùng gián điệp, biệt kích phá hoại miền Bắc của địch.
Trên giới tuyến quân sự tạm thời dọc 102 km từ Cửa Tùng đến Cù Bai, 11 đồn Công an nhân dân vũ trang đóng giữ đã bảo vệ toàn vẹn giới tuyến, làm thất bại âm mưu và hành động phá hoại của địch, củng cố niềm tin cho đồng bào bờ nam Bến Hải.
Trong khu vực nội địa, các đơn vị Công an nhân dân vũ trang đã giải quyết, xử lý nhiều tình huống nguy hiểm, quản lý và theo dõi, bắt giữ nhiều gián điệp của địch cài cắm lại, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cơ quan Trung ương, các chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đã góp phần không nhỏ trong cuộc đấu tranh chống phá hoại miền Bắc.
Trên chiến trường miền Nam, sự chiến đấu anh dũng của hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang miền Bắc chi viện đã tạo thêm sức mạnh cho quân dân miền Nam.
Các chiến sĩ an ninh vũ trang đã sát cánh với các lực lượng khác chiến đấu giải phóng Tây nguyên, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn… nhanh chóng tiếp quản các vùng giải phóng, giữ gìn an ninh trật tự, ổn định đời sống xã hội.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, Công an nhân dân vũ trang nhanh chóng tổ chức triển khai lực lượng trên cả nước, hình thành một hệ thống bảo vệ biên giới thống nhất; phối hợp với công an, quân đội và nhân dân cả nước quyết tâm đấu tranh chống kế hoạch “hậu chiến”, truy quét tàn quân Fulro, chống vượt biên, vượt biển trái phép, bóc gỡ cơ sở ngầm của địch, củng cố hệ thống chính trị cơ sở mới thành lập ở các tỉnh biên giới phía nam.
Vết thương sau 2 cuộc kháng chiến còn chưa lành, thì tiếng súng lại vang lên trên bầu trời biên giới. Các đồn biên phòng lại trực tiếp chống “chiến tranh phá hoại nhiều mặt” của kẻ thù, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam (1975 – 1979) và biên giới phía Bắc (1979 – 1989) giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang luôn nêu cao ý chí “kiên quyết dũng cảm trước kẻ thù, tận tụy với nhân dân” phối hợp tác chiến với các lực lượng vũ trang tấn công tiêu diệt, ngăn chặn quân xâm lược, bảo vệ biên giới, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.
Thực hiện chủ trương của Đảng “giúp bạn là tự giúp mình”, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã điều 9 trung đoàn sang chiến đấu và giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ, xây dựng cuộc sống mới.
Vào thời điểm này, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của lực lượng Công an nhân dân vũ trang cũng là bản hùng ca bất diệt về sự dũng cảm của những chiến sĩ quân hàm xanh quyết tâm giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 10/10/1979, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết số 22-NQ/TW chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng Công an nhân dân vũ trang từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng, đổi tên thành Bộ đội biên phòng.
Lực lượng Bộ đội biên phòng luôn giữ vững và phát huy truyền thống anh hùng đã được xây đắp bằng xương máu và sự cống hiến của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong khói lửa chiến tranh, tiếp tục trọng trách bảo vệ biên giới Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Hiện nay, để chủ động đối phó với mọi tình huống xảy ra trên biên giới, vùng biển, nhiều biện pháp nghiệp vụ, chương trình huấn luyện mới đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng chỉ đạo các nhà trường, đơn vị áp dụng theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”.
Bộ đội biên phòng đã phát huy cao độ năng lực sáng tạo, tự lực tự cường; sử dụng thành thạo vũ khí, khí tài hiện có, kết hợp với bản lĩnh chuyên môn và ý chí cách mạng; giỏi về kỹ, chiến thuật, nắm chắc pháp luật, am hiểu về phong tục tập quán của đồng bào, tinh thông về nghiệp vụ biên phòng. Toàn lực lượng luôn bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cao, kịp thời xử lý các tình huống, nhất là ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Một số hình ảnh về bộ đội biên phòng
Nguồn: https://thanhnien.vn/80-nam-thanh-lap-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-22121944-22122024-dau-an-bien-phong-185241214203611142.htm