Trong bối cảnh toàn cầu hóa và những biến động xã hội không ngừng, Việt Nam đang khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Dù đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, đất nước vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, từ bất bình đẳng xã hội đến tác động của biến đổi khí hậu. Với một lộ trình rõ ràng và quyết tâm vượt qua khó khăn, Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy các ưu tiên về quyền con người, nhấn mạnh vai trò của nhà nước pháp quyền, sự phát triển bền vững và quyền lợi của những nhóm dễ bị tổn thương.
Việt Nam tăng cường bảo vệ quyền lợi cho các nhóm yếu thế trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR)
|
Những bước tiến của Việt Nam trong bảo vệ quyền con người theo cơ chế UPR
|
Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc do Bộ Ngoại giao công bố đã chỉ rõ 8 ưu tiên và cam kết trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người ở Việt Nam thời gian tới. Những ưu tiên này không chỉ thể hiện quyết tâm của chính phủ mà còn phản ánh trách nhiệm của toàn xã hội trong việc xây dựng một tương lai công bằng và bình đẳng cho mọi công dân.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, tháng 5/2024. (Ảnh: TTXVN) |
Cụ thể, Việt Nam cam kết tiếp tục ưu tiên xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và tăng cường nguồn lực cho phát triển bền vững, bao trùm, phát huy dân chủ, nâng cao hiệu lực của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người vào pháp luật Việt Nam.
Việt Nam sẽ tăng cường các biện pháp, chính sách và nguồn lực nhằm bảo đảm tốt hơn tất cả các quyền cơ bản của con người về kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị theo chuẩn mực quốc tế được thừa nhận chung, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công, tăng cường các nỗ lực cải cách hành chính, thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển đổi xanh, chuyển đổi số quốc gia, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân, thúc đẩy phát triển báo chí, truyền thông.
Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), mở rộng hệ thống an sinh xã hội, giảm bất bình đẳng xã hội, bảo đảm việc thụ hưởng các quyền con người cơ bản của các nhóm dễ bị tổn thương, thu hẹp chênh lệch trình độ phát triển giữa các khu vực địa lý, các nhóm dân cư, giảm nghèo đa chiều, hỗ trợ sinh kế cho người dân. Theo hướng này, việc bảo đảm sự tham gia đầy đủ, hiệu quả và xây dựng của các đối tác phát triển quốc tế, trong đó có các cơ quan phát triển LHQ, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước là một biện pháp quan trọng, nhất là đối với việc tăng cường phát huy kinh nghiệm, tri thức và nguồn lực của các chủ thể này để đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Việt Nam sẽ ưu tiên nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về quyền con người, đặc biệt là các công ước, điều ước, văn kiện quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; lồng ghép khía cạnh giới trong quá trình tham vấn, xây dựng và triển khai chính sách; phòng chống các hình thức bạo lực và phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái.
Việt Nam cam kết thúc đẩy hợp tác với các quốc gia, các cơ chế của Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực về quyền con người trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế, không can thiệp công việc nội bộ, hướng tới xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật nhằm mang lại lợi ích và thụ hưởng đầy đủ hơn các quyền con người cho người dân trên thực tế.
Việt Nam sẽ tích cực phát huy vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 – 2025 để thúc đẩy các vấn đề ưu tiên của các nước đang phát triển, trong đó có nội dung về bình đẳng giới, các nhóm dễ bị tổn thương và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và thúc đẩy nhóm quyền lao động, sức khỏe và y tế.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I – năm 2023. (Ảnh: quochoi.vn) |
Cuối cùng, Việt Nam tăng cường tham gia và có đóng góp thiết thực nhằm thúc đẩy hợp tác trong ASEAN về quyền con người, đặc biệt tại Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR) và trong việc triển khai thực hiện Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN.
Phát biểu tại Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào ngày 7/5/2024, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết: “Việt Nam hết sức coi trọng cơ chế UPR và những nguyên tắc về minh bạch, khách quan, đối thoại và hợp tác của cơ chế này. Với Việt Nam, UPR không đơn giản chỉ là trách nhiệm rà soát, báo cáo. Chúng tôi coi mỗi chu kỳ UPR là dịp để xác định các khó khăn, thách thức, lĩnh vực có thể làm tốt hơn và các hành động cụ thể nhằm biến các khuyến nghị thành những thay đổi thực chất trong cuộc sống của người dân”.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/8-uu-tien-va-cam-ket-cua-viet-nam-trong-thuc-day-bao-ve-quyen-con-nguoi-205398.html