Tính khí ban đầu của con người là giống nhau, nhưng trong quá trình trưởng thành, thói quen sẽ khác nhau do ảnh hưởng của môi trường sống.
Vì vậy, chỉ có những thói quen tốt được vun đắp từ nhỏ mới có thể mang lại lợi ích cho trẻ suốt đời. Để giáo dục, hãy bắt đầu từ việc trau dồi những thói quen tốt cho trẻ.
1. Học cách biết ơn
Trong cuộc sống, con có thể không giàu sang, có thể không có sự nghiệp lớn, nhưng nhất định phải học cách biết ơn.
Những đứa trẻ biết ơn sẽ hiểu được sự vất vả của cha mẹ, trân trọng những người xung quanh. Chúng cũng sẽ có sự bình yên trong tâm hồn.
2. Rèn luyện tính tự giác
Nếu trẻ không có ý thức sẽ khó đạt được tính tự giác. Muốn rèn cho trẻ tính tự giác thì ban đầu, cha mẹ không nên bắt trẻ phải làm thế này, thế kia. Hãy tôn trọng sự lựa chọn của trẻ và đừng quên dặn trẻ phải kiên trì.
Hãy để trẻ bắt đầu từ những việc nhỏ rồi dần dần làm việc lớn hơn. Điều này sẽ trau dồi tính tự giác cho trẻ. Chẳng hạn như nếu trẻ muốn chơi lego, hãy để trẻ thỏa sức chơi và dặn trẻ nộp sản phẩm sau khi hoàn thành, không được bỏ cuộc giữa chừng. Đồng thời, cha mẹ cần thiết lập các tiêu chuẩn, quy tắc để trẻ tuân thủ.
3. Có tình yêu với sách
Cố Đệ Nhất Phu Nhân nước Mỹ Jacqueline Kennedy từng nói: “Có nhiều cách nhỏ bé để mở rộng thế giới của con bạn và tình yêu với sách là cách tốt nhất để làm điều này”. Bạn biết không!
Đọc sách là thói quen của những người thành đạt. Tỷ phú Warren Buffet đọc 500 trang sách hàng ngày trong khi Mark Cuban đọc 3 giờ mỗi ngày. Dù lịch làm việc của họ gần như kín, nhưng họ vẫn dành thời gian để đọc sách vì họ biết đó là sự ưu tiên để phát triển tri thức.
Liệu việc dành thời gian đọc sách cho con mình hoặc giúp con mình có thói quen đọc sách có là ưu tiên của bạn?
Đọc sách, kể chuyện là một trong những hoạt động tương tác tích cực quan trọng cần có trước 10 tuổi, mà cha mẹ nên dành 10-15 phút mỗi ngày hoặc tối thiểu 40 phút/tuần hoặc 2 buổi tối/tuần để đọc sách, kể chuyện cho trẻ.
Bạn biết không nếu bạn duy trì 10-15 phút mỗi ngày đọc cho trẻ, thì chỉ cần khoảng 5-6 tháng trẻ có thể bắt đầu phát triển tình yêu với sách. Đó là cách đơn giản bạn mở rộng tri thức và phát triển thói quen đọc sách cho con bạn.
Lợi ích của hoạt động này không chỉ giúp phát triển nhận thức xã hội thông qua tương tác với cha mẹ, mà còn giúp trẻ phát triển tư duy và ngôn ngữ thông qua trang sách và câu chuyện.
4. Tự giải quyết vấn đề và suy nghĩ độc lập
Khuyến khích trẻ tập thói quen suy nghĩ về mọi việc và hình thành ý kiến cũng như cách giải quyết riêng vì điều này sẽ khiến trẻ trở nên độc lập. Sự thành công của trẻ phụ thuộc vào việc chúng tự suy nghĩ tốt như thế nào và tự đưa ra các giải pháp từ suy nghĩ độc lập của mình theo cách nào.
Nếu trẻ gặp bất kỳ vấn đề nào ở trường hoặc bạn bè, hãy hướng dẫn trẻ xác định vấn đề và giải quyết vấn bằng các giải pháp tích cực. Điều này sẽ giúp trẻ học được kỹ năng giải quyết vấn đề và tự tin trong việc tìm ra giải pháp cho những vấn đề khó hơn.
5. Tôn trọng
Người tôn trọng và yêu thương người khác sẽ được yêu mến, tôn trọng. Tôn trọng đời tư của người khác, không buôn chuyện, không lan truyền; tôn trọng sự quan tâm của cha mẹ; tôn trọng lỗi lầm của người khác, không cười nhạo…
Dạy con, tôn trọng người khác là điều bắt buộc trong cuộc sống và là quy tắc tốt nhất để mọi người giao tiếp với nhau.
6. Không trì hoãn
Nhiều người trưởng thành mắc chứng trì hoãn, làm việc gì cũng vội vàng vào phút chót, đó chính là thói quen “nước đến chân mới nhảy”.
Cha mẹ nên rèn luyện cho trẻ thói quen không trì hoãn mọi việc, để trẻ có nhiều thời gian đối phó với những trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra, như vậy sẽ học được cách bình tĩnh giải quyết vấn đề. Ví dụ, hãy chắc chắn để trẻ hoàn thành bài tập về nhà trước khi đi chơi, hoặc làm việc nhà trước khi được phép đọc truyện…
7. Học cách lắng nghe
Tại sao con người chỉ có một miệng mà lại có hai tai? Đó là vì chúng ta cần nói ít lại và lắng nghe nhiều hơn. Lắng nghe là cách tốt nhất để chúng ta hiểu người khác, đồng thời cũng là một loại trí tuệ để giao tiếp với người khác.
8. Tham gia làm việc nhà và trau dồi tinh thần trách nhiệm
Đừng cho rằng trẻ vẫn còn nhỏ và không thể làm bất cứ điều gì. Hãy để trẻ làm một số việc nhà trong khả năng, chủ yếu rèn luyện ý thức trách nhiệm với gia đình. Hãy để trẻ hiểu rằng chúng cũng là một thành viên và có nghĩa vụ chia sẻ những công việc trong gia đình.
Việc nhà là yếu tố dự đoán tốt nhất về việc trẻ có nhiều khả năng trở thành những người trưởng thành vui vẻ, khỏe mạnh và độc lập. Hỗ trợ và giúp đỡ bố mẹ là điều tốt và nó khuyến khích trẻ trở thành những công dân tốt.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/8-thoi-quen-tot-cha-me-vun-dap-con-tu-nho-con-hon-cho-chung-8-ngoi-nha-172240909154443562.htm