Tính từ đầu năm đến ngày 15/8, Việt Nam xuất siêu 16,255 tỷ USD. Phân tích kỹ con số này, có thể thấy những điểm vừa mừng, vừa lo.
Tính từ đầu năm đến ngày 15/8, Việt Nam xuất siêu 16,255 tỷ USD. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Kết quả ấn tượng
Cán cân thương mại của nước ta từ đầu năm đến ngày 15/8 xuất siêu là kết quả rất đáng mừng.
Cụ thể, xuất siêu tính từ đầu năm đến ngày 15/8 đạt quy mô rất lớn, với 16,255 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay. Cùng kỳ năm 2022, mức xuất siêu của cả nước chỉ đạt 1,028 tỷ USD.
Xuất siêu đạt được ở tất cả các tháng từ đầu năm 2023 đến nay, bình quân xuất siêu 2,792 tỷ USD/tháng. Đây là một điểm vượt trội hiếm thấy.
Trong những tháng qua, Việt Nam xuất siêu ở 55/86 thị trường. Trong đó, có 34 thị trường xuất khẩu lớn (trên 100 triệu USD), đặc biệt có 16 thị trường xuất siêu rất lớn (trên 1 tỷ USD) như Mỹ, Hà Lan, Hong Kong (Trung Quốc), Anh, Canada, Đức…
Đặc biệt, xuất siêu đã góp phần vào tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP). Báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất siêu hàng hóa, dịch vụ đã đóng góp tới 63,45% vào tốc độ tăng GDP 3,72% của cả nước. Trong khi đó, tích lũy tài sản đóng góp 6,28%, tiêu dùng cuối cùng đóng góp 30,2% (do tốc độ tăng của tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng thấp hơn tốc độ tăng GDP (tức là “cầu” trong nước yếu).
Đây là điều rất đáng mừng, vì không chỉ thể hiện vị thế của Việt Nam trong quan hệ buôn bán với nước ngoài trong thời gian qua, mà còn là tín hiệu khả quan để Việt Nam có năm thứ 8 xuất siêu liên tiếp. Qua đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cán cân thanh toán tổng hợp, tăng dự trữ ngoại hối, không tăng nợ nước ngoài/GDP và ổn định tỷ giá.
Tiềm ẩn nỗi lo
Bên cạnh những điểm đáng mừng, thì việc xuất siêu lớn trong những tháng qua cũng có một số điểm đáng lo.
Trước hết, về con số xuất siêu, nếu tính về giá trị, thì từ đầu năm đến ngày 15/8 xuất siêu 16,255 tỷ USD, nhưng xét về lượng, thì mức xuất siêu theo tính toán chỉ khoảng trên 8 tỷ USD.
Thứ hai, về nguồn gốc của xuất siêu, thông thường, xuất siêu phải do xuất khẩu tăng, nhưng từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của nước ta giảm 10,1% (giảm 23,50 tỷ USD), còn nhập khẩu thì giảm sâu hơn (giảm 16,3%, tương ứng giảm 38,73 tỷ USD).
Giảm xuất khẩu do nhu cầu ở nước ngoài bị thu hẹp, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng GDP, ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề lao động – việc làm, khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp…
Giảm nhập khẩu trước hết là do nhu cầu ở trong nước (bao gồm cả tích lũy tài sản, đầu tư và tiêu dùng cuối cùng) còn yếu. Đồng thời, nhập khẩu giảm sẽ gây ra nhiều tác động đối với sản xuất, tiêu dùng ở trong nước.
Thứ ba, kết quả xuất siêu đến từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), còn khu vực kinh tế trong nước lại đang nhập siêu lớn.
Cụ thể, khu vực FDI xuất khẩu đạt 154,508 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu đạt 124,511 tỷ USD, giảm 17,2% – giảm sâu hơn so với tốc độ giảm xuất khẩu. Khu vực này xuất siêu đồng nghĩa có lãi, mà trong số lãi này, có một phần lớn từ có giá nhân công rẻ ở trong nước.
Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 54,923 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu đạt 68,665 tỷ USD, giảm 15,2%. Như vậy, khu vực này nhập siêu 13,742 tỷ USD.
Thứ tư, bên cạnh những thị trường Việt Nam ở vị thế xuất siêu, cũng còn nhiều thị trường Việt Nam nhập siêu lớn trong những tháng qua. Trong đó, có 9 thị trường Việt Nam nhập siêu rất lớn (trên 1 tỷ USD), gồm: Trung Quốc (27,81 tỷ USD), Hàn Quốc (15,25 tỷ USD), Đài Loan (Trung Quốc), Kawait, Thái Lan, Australia….
Như vậy, xuất siêu là tin mừng, nhưng là “mừng trước, lo sau”, hoặc là “mừng ngắn, lo dài”, “vừa mừng, vừa lo”…
Nhiệm vụ đặt ra cho các doanh nghiệp, ngành hàng là cần ngăn chặn sự sụt giảm của xuất khẩu, đồng thời cũng phải tranh thủ thời cơ để nhập khẩu, nhất là khi giá nhập còn thấp để có nguyên – nhiên – vật liệu cho sản xuất, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng.