Thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đạt trung bình 10 tỷ USD/tháng Gần 80 doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Chiết Giang) |
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 35,79 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rau quả là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc |
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,13 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ nhiều năm qua. Năm 2018 quy mô kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc đạt 100 tỷ USD (theo thống kê của Tổng cục Hải quan), đây là thị trường đầu tiên đạt con số kỷ lục này.
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường quan trọng của nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như: Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng…
Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng sắp tới sẽ có thêm mít. Trung Quốc cũng đang xem xét cho dừa tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa hạn chế lây lan dịch bệnh Covid-19 đã giải phóng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, nước này cũng đã triển khai nhiều chính sách kinh tế mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng. Ngân hàng thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi lên mức 5,6% trong năm 2023.
Từ nay tới cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc dự báo sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ. Một số nhóm hàng như rau quả, gạo, điều vẫn sẽ duy trì tăng trưởng cao. Các mặt hàng suy giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm như gỗ, thủy sản, sắn có thể phục hồi nhẹ trong 3 tháng cuối năm.
Trong thời gian tới, để hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khôi phục và phát triển bền vững, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thực phẩm cần chú ý nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc.
Phối hợp với đối tác Trung Quốc đa dạng hóa tuyến xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh tập trung vào một vài cửa khẩu biên giới nhất định hoặc tận dụng tuyến vận tải biển, vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc, hạn chế tối thiểu nguy cơ gây ùn tắc tại các cửa khẩu trong mùa cao điểm.
Nghiên cứu kỹ thông tin, tín hiệu và các quy định, tiêu chuẩn của thị trường, tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng ký doanh nghiệp, các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc…
Tăng cường tham dự các chương trình hội chợ, triển lãm quốc tế do các địa phương, cơ quan trung ương hai nước phối hợp tổ chức nhằm tăng cường kết nối trực tiếp sau thời gian hạn chế kéo dài của dịch bệnh.
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%; nhập siêu ở mức 60,1 tỷ USD, tăng 10,18%.