Ngày 14/5, Chi cục ATVSTP Hà Giang xác nhận, tại xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc xảy ra 1 vụ ngộ độc nghi do ăn nấm dại làm 8 người phải nhập viện.
Trước đó, vào khoảng 12h ngày 11/5, 4 cháu nhỏ trú tại thôn Nà Pinh, xã Niêm Tòng rủ nhau ra nương chơi, thấy có ít nấm màu trắng, hình tán ô, mọc ở đất cạnh cây ngô nên đã hái 3 cây đem về cho ông nội nấu canh ăn.
Bữa ăn gồm có 8 người, thức ăn chỉ có canh nấm nấu với rau ngót và cơm ngô.
Sau ăn khoảng 2 tiếng, bốn cháu nhỏ từ 4-7 tuổi có biểu hiện buồn nôn, nôn nhiều lần, kèm theo đau bụng, đau đầu, chóng mặt. Cả bốn trẻ được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc cấp cứu.
Đến 19h30 phút cùng ngày, cả 4 bệnh nhi đều tỉnh táo, tiếp xúc tốt, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường. Sau đó, được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực chống độc – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang tiếp tục điều trị.
4 trường hợp còn lại là ông nội cùng ba cháu nhỏ khác, trong đó có một trẻ 22 tháng tuổi, xuất hiện triệu chứng ngộ độc sau, nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang vào sáng 12/5.
Hiện tại, cả 8 trường hợp đều có các chỉ số xét nghiệm trong giới hạn bình thường, tiên lượng tốt.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, mùa mưa là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của các loại nấm. Do đó, các loại nấm có thể xuất hiện nhiều hơn trong môi trường tự nhiên.
Để an toàn, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được trồng. Hoàn toàn không nên dựa vào hình thái, màu sắc cây nấm để phân biệt nấm lành hay nấm độc. Càng không nên ăn thử để khám phá. Các loại nấm độc kể cả sau khi đun nấu, độc tố vẫn không bị phá hủy.
Cách xử trí khi bị ngộ độc nấm
– Sau khi ăn nấm nếu thấy khó chịu, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, đau bụng, nhìn không rõ phải báo ngay với người nhà và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất (nếu tự đi được).
– Khi phát hiện nghi bị ngộ độc do ăn nấm độc phải bình tĩnh, nhanh chóng tìm mọi cách làm cho bệnh nhân nôn ra hết thức ăn như: móc họng, lấy lông gà rửa sạch ngoáy họng, cho uống thật nhiều nước đến khi nôn ra nước trong, sau đó đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị.
– Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế gần nhất được theo dõi.
– Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loại nấm và gửi đi xét nghiệm.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/8-nguoi-trong-mot-gia-dinh-nhap-vien-nghi-do-an-phai-nam-doc-172240514160144098.htm