Nam nhạc sĩ 8x trong trang phục áo sơ mi kẻ trẻ trung hơn so với tuổi thật sau thời gian chăm chỉ tập luyện thể thao, giảm cân thành công. Ai cũng nghĩ anh là “con nhà nòi” trong sáng tác âm nhạc. Nhưng thực ra anh “tay ngang” đến với âm nhạc là vì… bị thất tình. Từ mối tình đầu không thành, Nguyễn Văn Chung đã tập tành sáng tác, rồi theo con đường trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp lúc nào không hay. Rồi đang là “chuyên gia tạo hit” với những bản tình ca, Nguyễn Văn Chung lại đột ngột rẽ hướng sang nhạc thiếu nhi. Kể về những cú chuyển hướng bất ngờ và những bài hát thiếu nhi, ánh mắt của ông bố trẻ 2 con lấp lánh niềm vui.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung 8 năm gai góc, đánh đổi cho nhạc thiếu nhi thăng hoa
Cảm xúc của anh hiện tại có giống với lần anh rơi nước mắt, lạc giọng khi họp báo ra mắt quyển sách nhạc “100 bài hát thiếu nhi” hồi năm 2017 hay không?
– Cảm xúc hiện tại của tôi rất khó tả, vừa cảm thấy bất ngờ, vừa hạnh phúc, vừa thấy nhẹ nhõm nhưng cũng đầy tự hào! Tôi bất ngờ là vì không nghĩ mình đạt được danh hiệu này. Con số 300 ca khúc nhạc thiếu nhi cũng không phải tôi cố gắng viết để đạt tới số lượng đó, mà chỉ đơn giản là thử thách tôi tự đặt ra cho bản thân mình. Tôi hạnh phúc vì 8 năm qua, những gì tôi cố gắng, đánh đổi và hy sinh đã được ghi nhận và trân trọng. Tôi nhẹ nhõm vì mình đã làm xong được một việc cực kỳ khó khăn và gai góc đối với một nhạc sĩ trẻ như tôi. Và tôi tự hào vì mình đã làm được một điều ý nghĩa với bản thân mình, sự nghiệp sáng tác của mình và có lẽ cho cả nền âm nhạc, nhất là nhạc thiếu nhi nói riêng.
Tại sao lại là con số 300? Có phải anh lấy cảm hứng từ bộ phim “Tây Du Ký ngoại truyện” của Châu Tinh Trì chăng?
– Đúng vậy, tôi rất thích phim Châu Tinh Trì. Trước khi xem Tây Du Ký ngoại truyện, tôi đã viết được 2 album thiếu nhi, khoảng 20 bài! Sau khi xem phim, tôi rất hứng thú với tình tiết Đường Tăng dùng bộ sách 300 bài hát thiếu nhi để cảm hoá yêu quái! Tôi là một kẻ mơ mộng ngốc nghếch nên tôi muốn biến điều đó thành hiện thực! Và tôi nghĩ, ai mà thuộc được hết 300 bài hát thiếu nhi của tôi thì sẽ không thể nào thành yêu quái được! (cười).
Nói vui vậy thôi! Thật ra tôi nghĩ rằng trẻ con ai được học những bài hát thiếu nhi hay và ý nghĩa đều sẽ trở thành những đứa trẻ tự tin, có lòng yêu thương và biết quan tâm đến người khác.
Nhớ lại những ngày đầu chuyển hướng sang nhạc thiếu nhi, khi đó anh đang được cho là “chuyên gia tạo hit” cho hàng loạt ca sĩ với “Vầng trăng khóc” – Nhật Tinh Anh và Khánh Ngọc, “Mùa đông không lạnh” – Akira Phan, “Nhật kí của mẹ” – Hiền Thục… Phải chăng có biến cố, hay điều gì thôi thúc khiến anh quyết định chuyển hướng sang sáng tác nhạc thiếu thi?
– Tất nhiên là đã có một biến cố xảy ra khiến tôi chuyển hướng. Nhưng trên hết, có một động lực cho tôi viết nhạc thiếu nhi, đó là khi tôi bắt đầu trở thành một người cha, tôi có con. Tôi trước giờ vẫn luôn sáng tác bằng cảm xúc và trải nghiệm của chính bản thân mình ở từng giai đoạn của cuộc đời. Trước đó, khi còn trẻ, tôi chìm đắm say mê trong tình yêu nên viết rất nhiều ca khúc nhạc tình.
Sau đó khi trưởng thành hơn, nhận thức được sự quan trọng của gia đình, thì tôi viết khá nhiều bài hát về cha mẹ. Và khi có con, tôi cũng tận dụng cảm xúc và trải nghiệm thật của người cha để viết thật nhiều bài hát thiếu nhi cho con của mình, con của đồng nghiệp mình, con của khán giả mình và tất cả các bé thiếu nhi khác. Tôi nghĩ rằng sự nhạy cảm trong tâm hồn, khả năng lưu giữ và truyền tải cảm xúc là điều may mắn nhất mà ông trời đã ban tặng cho tôi.
Ít ai biết để viết được những bài hát thiếu nhi như “Gia đình nhỏ hạnh phúc to”, “Mẹ ơi có biết”… được nhiều người yêu mến như hiện nay, Nguyễn Văn Chung đã phải rèn luyện rất nhiều. Ngay từ khi bắt đầu, anh đã tự ép mình vào một môi trường suốt ngày suốt tuần phải tiếp xúc liên tục với các bé thiếu nhi. Anh dạy học, trò chuyện, tâm sự và chơi cùng các bé, để có thể hiểu được tâm lý trẻ con, để có thể biết chúng thích gì, mê gì, nghĩ gì. Từ đó mới có nhiều cảm xúc, suy nghĩ giống như một đứa trẻ và mới có thể viết được những bài hát cho thiếu nhi.
Nhiều người cho rằng sáng tác nhạc thiếu nhi là lĩnh vực “kén người”, “khô cằn”, “khó tạo tiếng vang”…, anh nghĩ sao?
– Tất nhiên họ nói đúng. Chính vì vậy chúng ta ít thấy ai, nhất là những nhạc sĩ trẻ, dám dấn thân vào con đường này. Tôi liều! Vâng, tôi cũng ngông nữa! Tôi tự đặt cho mình một thử thách quá lớn mà trên con đường 8 năm ấy nhiều lần tôi mệt mỏi, muốn ngừng lại, muốn bỏ cuộc. Nhiều lần tôi tự hỏi: “Mình đang làm gì vậy?”, “Mình hy sinh vậy có đáng không?”, “Mình làm vậy có ai ghi nhận mình không?”, “Mình có thể hoàn thành và thành công không?”… Rất nhiều lần như vậy. Cảm giác như tôi đang đào bới mãi một vùng đất bao la cằn cỗi mà ai cũng bĩu môi bỏ qua.
Để sáng tác khối lượng “khủng” – 300 bài hát thiếu nhi, có khi nào nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bị thiếu chất liệu sáng tác? Nguồn cảm hứng cho những sáng tác của anh từ đâu mà dồi dào đến vậy?
– Đúng là con số 300 ca khúc rất lớn với những ai viết một cách tuỳ hứng và vô định. Nhưng tôi làm gì cũng có kế hoạch rõ ràng. Khi sáng tác thì cần cảm xúc, khi làm dự án thì phải có kế hoạch. Hơn nữa tôi có một lợi thế rất lớn là xung quanh tôi đầy trẻ con, 2 đứa con của mình và rất nhiều học trò nhỏ. Tôi chỉ cần hỏi các con là: “Con thích hát về cái gì?”, “Hát về ai?”, ” Hát về điều gì?”, “Câu chuyện cổ tích nào con thích nhất?”, “Con thích ngày lễ nào nhất?”, ” Vì sao?”, “Điều gì làm con ấn tượng nhất?”, “Con thích con vật nào nhất?”, “Con thích trò chơi dân gian nào?”, “Con muốn nói gì với mẹ, với cha, với ông bà, với chị, với các em?”… Rất nhiều câu hỏi và các con sẽ trả lời cho tôi, từ đó tôi có chủ đề để viết. Sau đó, tôi lên mục lục, chia danh sách thành 5 chủ đề lớn, phân ra thành 6 chủ đề nhỏ. Mỗi chủ đề viết 10 bài hát về từng khía cạnh là đủ 300 bài. Còn lời bài hát à? Hầu hết là do các con nói cho tôi nghe.
Những ca khúc nhạc thiếu nhi nào anh ấn tượng nhất trong 300 bài hát thiếu nh anh đã sáng tác?
– Nhiều lắm! Đó là “Gia đình nhỏ hạnh phúc to”, “Bố ơi kể chuyện con nghe”, “Mẹ ơi có biết”, “Vui đến trường”, “Món quà tặng cô”, “Bố ơi về nhà”, “Ông già Noel”, “Bé chơi trung thu”, “Hải âu bay cao”, “Mỗi ngày học một ngày vui”, “Bà ôm vào lòng”, “Chị thương em lắm”, “Halloween”… và rất nhiều bài hát nữa!
Có người cho rằng để có được thành quả 300 bài hát thiếu nhi, anh đã phải “ở ẩn” không sáng tác những ca khúc nhạc trẻ để tránh bị xáo trộn cảm xúc, điều này có đúng không?
– Đúng rồi! Khi làm gì cũng phải làm hết mình, sống hết thời gian với nó. Quả thật đó là điều hy sinh lớn nhất của tôi. Vì nhạc tình, nhạc trẻ mang lại cho tôi rất nhiều, danh tiếng “người tạo hit” này, tiền bạc này, sự ngưỡng mộ này, mối quan hệ thân thiết với các ca sĩ… Tất cả những điều đó suốt 8 năm qua tôi phải hy sinh hết.
Và bây giờ khi hoàn thành xong dự án này, tôi quay lại mảng nhạc trẻ như một người mới, như một người tập làm quen lại từ đầu trên đường đua. Tôi hụt hẫng lắm. Nhưng tôi sẽ cố gắng thôi! Tôi không ngại khó khăn, miễn tôi còn cảm xúc, tôi còn sự nhạy cảm, tôi tin mình vẫn sẽ làm được.
Anh nghĩ sao khi có người “khó tính” cho rằng số lượng bài hát của người nhạc sĩ không quan trọng bằng chất lượng và những điều còn đọng ở khán giả, người nghe nhạc…
– Điều đó đúng! Số lượng bài hát không có nghĩa gì nếu những bài hát đó không đọng lại gì hay không có giá trị thực tiễn, có thể ứng dụng và sử dụng trong cuộc sống thường ngày. Và tôi tin tôi đã làm được cả hai. Hãy lắng nghe những bài hát thiếu nhi của tôi đã và đang được hát vang tại các trường mầm non, tiểu học, các khu vui chơi, các trung tâm mua sắm mẹ và bé…, để thấy được tôi đã cố gắng như thế nào để những bài hát đạt được chất lượng tốt nhất. Tôi vui vì rất nhiều bài hát thiếu nhi của tôi đã trở thành hit với các con như: “Gia đình nhỏ hạnh phúc to”, “Vui đến trường”, “Món quà tặng cô”…
Vừa có tài tạo hit cho ca khúc nhạc trẻ, vừa dồi dào cảm xúc viết nhạc thiếu nhi. Anh có thể phân tích kỹ cái dễ – cái khó khi viết nhạc thiếu nhi?
– Viết nhạc thiếu nhi tưởng dễ nhưng lại rất khó. Dễ ở chỗ khúc thức bài hát đơn giản, không cầu kỳ phức tạp, có bài chỉ cần 4 câu mà thôi. Nhưng nó lại rất khó ở chỗ đơn giản nhưng không ngô nghê, không cầu kỳ nhưng lại phải thật kỹ, về cả nội dung và ý nghĩa bên trong bài hát, vừa dạy được trẻ con những bài học hay nhưng lại không được hô hào, giáo điều, ít câu ít chữ nhưng phải ấn tượng và dễ nhớ… Rất nhiều mâu thuẫn cùng lúc tồn tại trong một bài hát thiếu nhi. Vì thế ai nghĩ dễ thì sẽ viết thành hời hợt, ai nghĩ khó thì sẽ viết thành cứng nhắc, chỉ có người thật sự sống trong cảm xúc với các bé mới tìm được niềm vui khi viết nhạc thiếu nhi.
Vậy mà có những người vẫn cho rằng anh chuyển hướng sang sáng tác nhạc thiếu nhi để “an toàn” hơn khi thị trường âm nhạc có nhiều nhạc sĩ trẻ, tài năng?
– Nếu chuyển hướng như vậy là “an toàn”, vậy tại sao các nhạc sĩ khác lại không làm? Nếu đường dễ đi như vậy tại sao chỉ có mình tôi đi? Tôi nói thẳng: Đây là một vùng đất ít ai dám bước vào gieo trồng, vì nó không ngay lập tức sinh ra lợi nhuận và danh tiếng như vùng đất của những bài hát về tình yêu.
Nó cần sự tận tâm để gieo mầm, vun trồng, chăm bón, và nó sẽ mất rất nhiều thời gian để có được quả ngọt. Nhưng khi thành công, nó sẽ là điểm son, là niềm tự hào của một người nhạc sĩ. Tôi tin những người sâu sắc sẽ thấy được cái tâm và sự dũng cảm của tôi. Tôi có lý tưởng của mình và sẽ kiên trì theo đuổi lý tưởng đó.
Có khán giả nhận xét: “Nguyễn Văn Chung trong những sáng tác sâu sắc, cảm xúc lắng đọng khác hẳn với “phiên bản” một nhạc sĩ hài hước, thân thiện, hóm hỉnh với những dòng chia sẻ về các con, bản thân “không thể lầy hơn”, “cực mặn” trên mạng xã hội. Anh thấy sao?
– Tôi nghĩ tôi là một người tình cảm, vui có buồn có, nhưng tôi luôn lạc quan tích cực và nhìn cuộc đời một cách hài hước kể cả khi gặp những điều bực bội, khó chịu trong cuộc sống thường ngày. Tôi đọc được một câu rất hay: “Buồn vui do mình”. Sự việc xảy đến, tuỳ theo cách mình đón nhận mà cảm xúc của mình sẽ khác. Tôi không muốn chia sẻ nỗi buồn quá nhiều trên mạng xã hội vì thật sự cũng chả có ai giúp gì được cho mình hay giải quyết gì cho mình ngoài những comment an ủi. Vì thế, tôi chỉ muốn chia sẻ những gì hài hước, mang lại cho mọi người niềm vui, tiếng cười. Còn nỗi buồn của tôi, tôi sẽ tự giữ nó, cảm nhận nó, ngắm nhìn nó, rồi nhào nặn nó thành những bài hát cho mình. Tôi có một quan điểm sống: “Muốn vui thì gặp tôi trên Facebook, muốn chia sẻ thì gặp tôi trong âm nhạc”.
Những người thân yêu trong gia đình, nhất là các con có ảnh hưởng như thế nào trong những sáng tác nhạc thiếu nhi của anh?
– Các con ảnh hưởng rất nhiều đến dự án thiếu nhi này của tôi. Nhờ các con tôi mới có động lực mạnh mẽ nhất để hoàn thành dự án. Kế đó là mẹ tôi, dù mọi người có bĩu môi hay chê bai tôi đang làm một điều gì đó dở hơi, viển vông, dư thừa, thì mẹ vẫn luôn tin và ủng hộ tôi. Mẹ thậm chí còn động viên tôi rất nhiều khi nói: “Viết nhạc thiếu nhi mới là tích phước, tiền kiếm ít hay nhiều không quan trọng bằng việc tích phước”. Lời nói đó khiến tôi nghĩ rằng việc tôi đang làm rất có ích và cần thiết.
Các con và học trò có nhận xét thế nào về những sáng tác nhạc thiếu nhi của anh?
– Khi tôi viết xong một bài thiếu nhi nào, tôi luôn cho các con và học trò của mình nghe và tập hát. Khi tôi thấy Pu (con trai nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung – PV) nhảy nhót theo điệu nhạc, thấy bé Ri (con gái nam nhạc sĩ – PV) hát theo giai điệu một cách nhanh chóng, thấy các học trò hứng thú tập và thu âm rồi khen: “Con thích bài này quá thầy ơi!” là tôi biết bài đó đạt yêu cầu. Tôi nghĩ rằng viết nhạc thiếu nhi thì không cần bất kỳ nhà chuyên môn hay nhạc sĩ gạo cội nào đánh giá, kiểm định, mà chỉ cần các bé thích và nhớ, hát theo được là đạt yêu cầu. Chính các bé mới là khán giả và là những kiểm định viên chính xác nhất.
Khi đã gặt hái được thành công trong sáng tác nhạc thiếu nhi, anh có trở lại với nhạc trẻ, trở về với danh xưng “nhạc sĩ tình ca” hay tiếp tục là “Chung thiếu nhi”?
– Chắc chắn! Khi tôi đã hoàn thành xong dự án này, cũng là lúc Nguyễn Văn Chung – “Nhạc sĩ tình ca” trở lại, và tôi đang rất sung sức, rất hào hứng với chặng đường sắp tới của mình. Sắp tới tôi sẽ còn nhiều bài hát, nhiều chủ đề, nhiều dòng nhạc muốn khai thác và khám phá. Tôi hy vọng khán giả sẽ luôn nhớ đến tôi như một nhạc sĩ luôn hết lòng với đam mê, luôn vô tư với sáng tác và luôn trân trọng với nghề của mình!
Xin cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung!