Đó là thông tin ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công thương tổ chức chiều 18.5, liên quan đến giải pháp cung ứng điện trong cao điểm mùa nắng nóng năm nay, trong bối cảnh thủy điện, nhiệt điện đang gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Trần Việt Hòa, nhiều hồ thủy điện có mực nước đang giảm dần, thậm chí có nhiều hồ đã về mực nước chết, gây khó khăn trong vận hành và cung ứng điện.
Trước tình trạng này, Bộ Công thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo vận hành, cũng như đảm bảo cung ứng nhiên liệu than, khí cho phát điện. Một trong những giải pháp Bộ Công thương đang chỉ đạo thực hiện là đẩy nhanh quá trình đàm phán, khẩn trương huy động các dự án điện gió, điện mặt trời đã đảm bảo thủ tục pháp lý, trong đó bao gồm các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp để bổ sung nguồn cung điện vào hệ thống.
Theo cập nhật đến ngày 18.5, chủ đầu tư của 8 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời trong số các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, đã thống nhất với EVN về phương án giá tạm thời.
Tuy nhiên, ông Trần Việt Hòa cũng lưu ý, giá tạm thời chỉ là một yếu tố để các nhà máy này đi vào hoạt động, khi đáp ứng đầy đủ các quy định thì 8 nhà máy này sẽ được huy động điện lên lưới.
Thông tin từ EVN cho biết, trong số 85 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, có 7 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 4.185,4 MW và 8 nhà máy điện mặt trời tổng công suất 506,66 MW.
Doanh nghiệp ‘tay ngang’ thu về tiền tỉ mỗi tháng nhờ điện gió, điện mặt trời
Đến nay, đã có 31 dự án nộp hồ sơ đàm phán mua điện với EVN. Trong đó, 16 nhà đầu tư đề xuất về việc áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán mua điện. Tuy nhiên nhiều dự án hiện nay đang gặp khó khăn trong hoàn thiện hồ sơ khi vướng nhiều quy định về pháp lý liên quan đến quy hoạch, nguồn gốc đất đai, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy…
Tại cuộc họp với đại diện các bộ, ngành liên quan về đàm phán giá bán điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng song chưa được vận hành mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công thương và các địa phương khẩn trương hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục hồ sơ theo quy định; trước ngày 25.5, Bộ KH-ĐT phải có văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố thực hiện việc xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án chuyển tiếp có thời gian thực hiện quá 24 tháng so với thời hạn được quy định tại giấy chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu theo đúng quy định.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo các cơ quan đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án đã hoàn thành để sớm đưa vào sử dụng, bổ sung nguồn điện quan trọng này vào hệ thống, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.