GĐXH – Chúng ta chỉ có khoảng 4.000 ngày thứ Hai để sống. Dù số ngày thứ Hai nhiều hay ít, bạn nên sống một cuộc sống “không phung phí”.
1. Không biết trân trọng thời gian
Khi còn trẻ, chúng ta dễ tặc lưỡi mà cho rằng tương lai còn rất dài và mọi thứ đang chờ ta phía trước. Việc hôm nay chưa làm mai vẫn còn đó, đi đâu mà phải vội vàng.
Thế nhưng thời gian trôi nhanh hơn những gì chúng ta vẫn tưởng, thoắt cái cơ hội đã vụt qua, chỉ biết ngồi đó và nuối tiếc nói hai chữ “giá như”.
Trong những đêm cô đơn, nhìn lại cuộc sống hiện tại của mình, hai chữ ấy càng ám ảnh trong đầu cùng tiếng thở dài đầy ngao ngán.
Đời người chỉ có một lần, đừng làm điều gì khiến bản thân phải hối hận. Lẽ ra bạn nên đến lớp học và tiếp thu những kiến thức hữu ích cho bản thân mình nhưng lại phung phí tuổi trẻ vào những cuộc chơi vô tận.
Lẽ ra bạn nên nỗ lực phấn đấu, làm việc siêng năng nhưng lại chọn sự thoải mái ngay từ đầu.
Lẽ ra bạn nên không ngừng trau dồi nghiệp vụ, hoàn thiện bản thân nhưng lại đắm mình trong những buổi tụ tập bạn bè vô nghĩa…
Thời gian bạn làm việc chăm chỉ tỷ lệ thuận với những gì bạn có thể thu hoạch. Nếu không muốn bỏ ra công sức, làm sao có thể có mùa màng bội thu?
Càng trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, bạn sẽ càng hiểu rằng mọi sự tốt đẹp đều bắt đầu từ việc biết trân trọng từng khoảnh khắc.
2. Sống cuộc đời của mình theo cách người khác muốn
Rất nhiều người ao ước bản thân có đủ can đảm để sống một cuộc sống đúng với bản thân mình, không phải đi theo những gì người khác mong đợi.
Cho dù được chỉ định rõ ràng hay chỉ áp dụng một cách vô thức, nhiều người thường đưa ra những lựa chọn quan trọng trong cuộc sống theo hướng mà cha mẹ/bạn bè/người yêu/đồng nghiệp mong đợi và sẽ hài lòng.
Chỉ sau đó, 1 hoặc 10 năm nữa, khi bạn phát hiện ra rằng những người xung quanh đang dần ra đi và bạn không thực sự làm những gì mình muốn làm.
Một cơn hoảng loạn có thể bắt đầu ập đến. Rốt cuộc “Tôi đang sống cuộc đời của ai?”.
3. Chỉ biết công việc mà quên phải thư giãn
Trung bình một người dành 90.000 giờ trong đời để làm việc. Bạn có đang làm việc quá sức hay làm việc không mang lại ý nghĩa như mong muốn.
Nghiên cứu về lý thuyết quyền tự quyết cho thấy những người thực sự yêu thích công việc của họ có xu hướng có một số thứ: sự liên quan (họ cảm thấy được kết nối và có cảm giác thuộc về nơi làm việc), quyền tự chủ (họ cảm thấy tự do thực hiện các ý tưởng đổi mới), quyền làm chủ (họ tin rằng họ đang cải thiện bản thân) và mục đích (công việc của họ phù hợp với những gì họ tin là có ý nghĩa cá nhân).
Hầu hết những người bày tỏ sự hối tiếc này là những người đàn ông thuộc thế hệ cũ, những người dành nhiều thời gian cho công việc hơn làm việc họ yêu thích.
4. Không thể báo hiếu cha mẹ
Đừng đợi đến ngày cha mẹ ra đi mới biết hiếu kính. Đến lúc đó mọi chuyện đã muộn, bạn dù muốn cũng không còn được nghe thấy tiếng nói, nhìn thấy khuôn mặt trìu mến của người mình yêu thương.
Con người, sống hiếu thuận đúng lúc là sự tu dưỡng lớn nhất. Nếu bạn thậm chí không thể chăm sóc tốt cho cha mẹ của mình và không tôn trọng họ thì cuộc sống này chỉ là vô nghĩa.
Cha mẹ là người đã đưa chúng ta đến với thế giới này, dạy ta đi từ những bước chập chững đầu đời, những lời nói bi bô chưa rõ nghĩa.
Họ dành cho ta những điều tốt đẹp nhất, dù ở trong hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng ở bên ta, chăm sóc ta như những ngày còn nhỏ.
Cha là trời, mẹ là đất. Cha mẹ là trời đất của chúng ta, là những người gắn bó cả đời với ta. Không có họ, làm sao ta có thể sống một cuộc đời hạnh phúc?
Những gì họ hy sinh là cả cuộc đời, nhưng thứ họ lấy đi chẳng là gì cả. Cha mẹ chỉ mong cuộc sống của con mình luôn hạnh phúc đủ đầy, sẵn sàng cho đi những gì tốt đẹp nhất.
Vậy nhưng chúng ta lại không ít lần giận hờn cha mẹ vì sự bận bịu của họ, vì những hiểu lầm nhất thời… Mãi đến khi họ đi xa, ta mới nhận ra tầm quan trọng trong trái tim mình.
Nhiều người coi tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là điều dĩ nhiên, thứ tình cảm miễn phí trọn đời. Họ nhận những điều cha mẹ dành cho như một thói quen, đến khi mất đi mới thấy lòng mình đã trống rỗng.
Hãy đối xử tốt với cha mẹ khi còn có thể, đừng để những năm tháng sau này phải ôm nuối tiếc vì những điều đã qua.
Chúng ta đều từng thất vọng và đều từng bị tổn thương. Cuộc sống là như vậy, hoàn mỹ chỉ là một câu chuyện cổ tích.
Tuy nhiên, ai cũng có cơ hội để dừng lại những tiếc nuối hay thay đổi để bản thân không phải tiếc nuối một lần nữa.
Khi kịp thời bù đắp những tiếc nuối và trân trọng những gì đang có hiện tại, nắm bắt thời gian, trân trọng người yêu, hiếu thảo với cha mẹ, cuộc đời của bạn sẽ thực sự ý nghĩa.
5. Không chăm sóc sức khỏe khi còn có cơ hội
Mọi người đều không nghĩ đến sức khỏe của mình – cho đến khi có vấn đề. Và tại thời điểm đó, chúng ta tự hứa với bản thân rằng nếu bản thân khỏe lại, chúng ta sẽ đối xử tốt hơn với cơ thể của mình.
Hầu hết các bệnh nhân nghĩ rằng nếu họ ăn ngon hơn, ngủ nhiều hơn và quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và tinh thần của mình, họ có thể đã không bị ốm. Họ ước rằng họ đã ưu tiên chăm sóc bản thân hơn.
6. Không dám bày tỏ cảm xúc của mình
Theo hiệp hội lo lắng và trầm cảm Mỹ, mỗi năm, rối loạn lo âu là bệnh tâm thần phổ biến nhất Mỹ, ảnh hưởng đến khoảng 40 triệu người trưởng thành, chiếm 19% dân số.
Trong khi chứng rối loạn lo âu phát triển từ một tập hợp phức tạp các yếu tố nguy cơ (di truyền, hóa chất trong não, tính cách, các sự kiện trong cuộc sống,..), thì theo bác sĩ tâm thần David Burns, còn một thứ nữa gọi là mô hình cảm xúc ẩn giấu.
Theo đó, người chịu ảnh hưởng của yếu tố này chỉ che giấu cảm xúc của mình và tránh nói ra những gì họ thực sự cảm nhận hoặc tin tưởng. Đây đều là những bệnh nhân mắc chứng rối loạn hoảng sợ nghiêm trọng liên quan đến lo lắng tột độ.
Burns nói khoảng 75% bệnh nhân mắc chứng lo âu đủ can đảm bày tỏ cảm xúc thì lo lắng hầu như biến mất.
Có lẽ bạn không phải là một trong số 40 triệu người mắc chứng lo âu, nhưng vẫn cần can đảm để bày tỏ cảm xúc. Cuộc sống của bạn sẽ thay đổi như thế nào trong năm nay nếu bạn bày tỏ cảm xúc thực sự của mình thường xuyên hơn?
7. Bỏ quên những người thân yêu
Nhiều người thường bày tỏ sự buồn bã vì đã không có sự hiểu biết, quan tâm và ở bên cạnh những người quan trọng với họ.
Họ ước mình có đủ can đảm để nói “Anh yêu em”, “Con yêu bố mẹ” thường xuyên hơn.
Vào cuối cuộc đời, nhiều người thường hối tiếc vì đã không dành nhiều thời gian hơn cho con cái, bố mẹ và không giữ liên lạc với bạn bè và người thân.
8. Không tận hưởng cuộc sống nhiều hơn
Hầu hết mọi người đều hối tiếc về khoảng thời gian họ đã lãng phí để lo lắng về những điều ngoài tầm kiểm soát của mình.
Họ không nhận ra rằng họ có khả năng lựa chọn niềm vui và hạnh phúc cho đến khi quá muộn.
Hãy dành vài phút mỗi ngày để làm điều gì đó mà bạn yêu thích và điều đó mang lại cho bạn niềm vui.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/8-dieu-hoi-tiec-nhat-doi-nguoi-biet-som-de-sau-nay-khong-phai-noi-gia-nhu-172241120151225959.htm