Lên kế hoạch cho doanh nghiệp TP.HCM “Go global”
Sáng thứ Bảy (17/6), Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) tổ chức Chương trình cà phê doanh nhân lần thứ 70 với chủ đề “Cơ chế đặc thù – Cơ hội để doanh nghiệp phát triển cùng thành phố”.
Hoạt động gặp gỡ của giới doanh nghiệp thành phố cuối tuần này có sự xuất hiện của Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi. 7h sáng, ông Mãi đến sự kiện từ khá sớm, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp về tình hình kinh tế thời gian qua và lắng nghe ý kiến phản hồi từ các thành viên Huba.
Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, ông Phan Văn Mãi cho rằng, những khó khăn, thuận lợi là điều không thể tránh khỏi trong hoạt động kinh doanh. Quý I/2023, tăng trưởng của thành phố ở mức thấp, nhưng bây giờ là lúc cần nhìn nhận sâu hơn về bản chất, nguyên nhân của vấn đề và tìm giải pháp.
Theo ông Mãi, UBND TP.HCM đang ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về Đông Nam Bộ và Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về TP.HCM. Hai nghị quyết trên đặt ra cho thành phố vị trí, vai trò hết sức quan trọng, định hướng, nhiệm vụ phát triển lớn.
Kế hoạch này của thành phố có 150 đầu việc cần phải giải quyết, như xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; hoàn thiện hệ thống bãi trung tâm logistics ở TP.HCM… Ở góc nhìn của mình, lãnh đạo thành phố thấy những cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp. Đây là không gian kinh tế lớn.
Đáng chú ý, TP.HCM cũng đang xây dựng chiến lược về đội ngũ doanh nghiệp dẫn đầu của địa phương. Đây là những doanh nghiệp lớn tại TP.HCM, đồng nghĩa là quy mô lớn trên cả nước. TP.HCM lên kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ra ngước ngoài, còn gọi là chương trình “Go Global”.
Bởi, trong một số lĩnh vực, doanh nghiệp thành phố hoàn toàn có thể ra nước ngoài đầu tư, phát triển và cạnh tranh. TP.HCM không chỉ là một địa phương chuyên thu hút doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, kỳ họp HĐND giữa tháng 7 tới, UBND TP sẽ trình một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, như chính sách hỗ trợ để giải quyết vấn đề lãi suất, hàng tồn kho, tiếp cận thị trường mới…
“Chúng tôi trân trọng nỗ lực, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM. Không chỉ bằng sản xuất kinh doanh, đóng góp ngân sách, giải quyết việc làm mà giới doanh nghiệp còn đóng góp về đường lối, định hướng phát triển, cơ chế chính sách cho thành phố. Từ đó, chúng ta cùng xây dựng thành phố phát triển. Thành phố phát triển thì doanh nghiệp phát triển”, ông Mãi nói.
Kinh tế TP.HCM đã chạm “đáy”, đang dần cải thiện
Cũng tại chương trình, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế nhận định, bối cảnh kinh tế cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng còn nhiều khó khăn, nhưng cần hướng tới triển vọng trong giai đoạn mới.
Là người theo dõi kinh tế cả thời gian dài, ông đánh giá, tăng trưởng kinh tế của thành phố giảm sâu trong quý I/2023 chính là đáy của sự suy giảm. Ông Lịch khẳng định, thành phố đã chạm đáy và không có đáy thứ hai sâu hơn. Nguyên nhân được vị chuyên gia kinh tế giải thích.
Thứ nhất, đại địch Covid-19 khiến nền kinh tế bị gãy đổ cục bộ. TP.HCM phải đóng cửa trong 4-5 tháng, mọi hoạt động bị ảnh hưởng.
Thứ hai, khi dịch bệnh kết thúc thì tình hình thế giới lại trở nên phức tạp, đặc biệt, là cuộc xung đột vũ trang Nga – Ukraine. Từ quý II năm ngoái, tình hình bất ổn của thị trường tài chính xuất hiện, tất cả các chính sách đều tập trung vào vấn đề chống chịu kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Thứ ba, TP.HCM có độ mở nền kinh tế cực lớn nên chịu phụ thuộc vào chuỗi cung ứng trong nước và thế giới. Các ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng tới 60% trong cơ cấu, khi chuỗi cung ứng gẫy đổ đã tạo tác động rất nghiêm trọng. Đây là lý do vì sao kinh tế của thành phố giảm sâu hơn so với nhiều địa phương khác.
Cùng với đó, từ quý IV/2022, các chính sách kiểm soát, xử lý những bất cập trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản, cũng tác động tới tình hình chung.
Tựu chung, TP.HCM là nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất của các tác động kép, bộc lộ rõ vào quý I/2023. Chính sự suy giảm kinh tế quý I cũng cho thấy cơ cấu kinh tế địa phương bất cập hoàn toàn so với nhu cầu cạnh tranh của một nền kinh tế; thể chế quản lý cũng bất cập so với quy mô của một đô thị lớn.
Chuyên gia kinh tế cho rằng, tình hình đang dần cải thiện. Thành phố có khoảng 250.000 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và 450.000 hộ sản xuất kinh doanh mà không phải doanh nghiệp, họ hoạt động với quy mô khác nhau. Điều đó chứng tỏ TP.HCM vẫn là nơi lập nghiệp của cả nước và cần tạo cơ hội để thành nơi lập nghiệp của khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện điều đó, TP.HCM cần tạo ra hệ sinh thái mới, nuôi dưỡng và phát triển nền kinh tế trong dài hạn.