Hành trình của ngoại giao Việt Nam trải qua nhiều sự kiện và dấu mốc quan trọng, nhưng ngày 28/8 vẫn có dấu ấn riêng.
Thời điểm này cách đây 78 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cũng là dấu mốc khởi sinh nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Ủy ban Giải phóng dân tộc, do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra, về Hà Nội. Ngày 25/8/1945, Ủy ban được cải tổ thành Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Chính phủ lâm thời chụp ảnh lưu niệm sau phiên họp đầu tiên. (Ảnh tư liệu TTXVN) |
Hành trình nhiều thành tựu
Hành trình 78 năm kết tinh nhiều thành tựu và những vấn đề mang tính bản chất, quy luật của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Khó có thể bao quát đầy đủ, sâu sắc về một chủ đề lớn, trong một chặng đường dài như vậy. Xem như đây là dịp để suy ngẫm, chiêm nghiệm về một số vấn đề, bài học kinh nghiệm đối ngoại, thông qua những “lát cắt”.
Một là, nền ngoại giao cách mạng Việt Nam kết hợp hài hòa các giá trị truyền thống trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc; tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh; lý luận và thực tiễn ngoại giao thế giới.
Với vị trí địa chiến lược quan trọng, Việt Nam là đối tượng “nhòm ngó” của nhiều thế lực bên ngoài. Hoàn cảnh ấy khiến ngoại giao trở thành một hoạt động thường xuyên, công cụ quan trọng trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, trực tiếp chỉ đạo, dìu dắt ngoại giao Việt Nam. Không nhiều ngành ngoại giao của các quốc gia trên thế giới cũng như ngành, lĩnh vực khác có vinh dự đặc biệt như vậy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các giá trị truyền thống dân tộc và tinh hoa ngoại giao thế giới được tiếp thu, kế thừa và phát triển phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện cụ thể của đất nước.
Theo năm tháng, qua thử thách, các giá trị tốt đẹp lắng đọng, kết tinh thành những quan điểm, tư tưởng lớn, bài học kinh nghiệm sâu sắc về chiến lược và sách lược ngoại giao. Nhờ cơ duyên ấy mà nền ngoại giao cách mạng Việt Nam vừa hội tụ những phẩm chất chung của ngoại giao thế giới, vừa có nét đặc biệt, đặc sắc và đặc thù của dân tộc: Hòa bình, hữu nghị, hòa hiếu, nhân ái, chân thành, tin cậy, trách nhiệm, toàn diện và hiện đại.
Hai là, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, nhân tố quyết định bản chất và sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và tư tưởng Hồ Chí Minh hàm chứa các quan điểm cơ bản: Độc lập tự chủ, tự lực tự cường gắn liền với đoàn kết, hợp tác quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên hàng đầu; kiên định nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược; ngoại giao là một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược…
Từ các quan điểm ấy đề ra nguyên tắc, phương châm chỉ đạo phù hợp: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “thêm bạn bớt thù”, “dựa vào sức mính là chính”, “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết cương, biết nhu”, “biết tiến, biết thoái”…
Trải qua thử thách thời gian, nhiều quan điểm, nguyên tắc, phương châm vẫn nguyên giá trị. Trong bối cảnh đan xen phức tạp hiện nay, các nước lớn ra sức lôi kéo, càng thấm thía lời dạy của Bác: Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến ta”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy.
Ngoại giao Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân và tiên phong trong nhiều nhiệm vụ, hoạt động. (Nguồn: Báo TG&VN) |
Ba là, ngoại giao luôn nỗ lực phấn đấu, không ngừng đổi mới, phát triển, khẳng định vai trò, hoàn thành tốt sứ mệnh, góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua nhiều thử thách hiểm nghèo, giành thắng lợi vẻ vang.
Ngay từ khi thành lập, ngoại giao tiên phong mở đường, vận động các nước công nhận chính quyền cách mạng non trẻ, nền độc lập mới giành được. Trong các cuộc kháng chiến, ngoại giao tiên phong tìm cách trì hoãn nguy cơ chiến tranh; làm sáng tỏ tính chính nghĩa; tranh thủ sự ủng hộ to lớn của các nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Vừa đánh vừa đàm là chủ trương sáng suốt của Đảng. Mặt trận ngoại giao phối hợp với mặt trận quân sự, tạo bước phát triển nhảy vọt, kết thúc cuộc kháng chiến trong điều kiện có lợi, giảm bớt tổn thất.
Ngoại giao là mũi nhọn tiên phong trong cuộc đấu tranh chống bao vây cấm vận, cô lập; mở đường bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, ASEAN…, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Ngày nay, ngoại giao tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Để thực hiện tốt trọng trách, sứ mệnh vinh quang, ngoại giao thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chuyển hóa thành hành động cách mạng. Kiên định nguyên tắc, đồng thời kịp thời đổi mới tư duy, chính sách, phương thức triển khai khi bối cảnh quốc tế, tình hình đất nước thay đổi.
Ngoại giao ghi đậm dấu ấn của mình trên mọi chặng đường, trong các giai đoạn cách mạng, xứng đáng với ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân: Luôn đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân và tiên phong trong nhiều nhiệm vụ, hoạt động.
Bốn là, ngoại giao đưa Việt Nam đến với thế giới và thu hút thế giới đến Việt Nam, nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.
Tính đến đầu năm 2023, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với 192 quốc gia; trong đó có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 17 quốc gia, bao gồm các nước lớn, các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước.
Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với khoảng 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Việt Nam đã ký kết và thực thi 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), đang đàm phán 3 FTA; là quốc gia duy nhất ký kết FTA với các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu.
Những con số ấn tượng, minh chứng đầy sức thuyết phục về thành tựu của nền ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn mới, tạo cục diện ngoại giao thuận lợi, vị thế vững chắc của đất nước trên trường quốc tế.
Đằng sau những sự kiện, thành tựu nổi bật là các hoạt động âm thầm, bền bỉ và cuộc đấu tranh ngoại giao kiên trì, khôn khéo; xử lý linh hoạt, cân bằng, hài hòa quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước trong khu vực cũng như các tình huống phức tạp trên biển, trên biên giới… Các hoạt động “hậu trường” thường khó định lượng, “đong đếm”, nhưng góp phần quan trọng tăng cường “sức mạnh mềm”, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.
Nhớ lại và suy ngẫm để thấu hiểu thành tựu, bài học kinh nghiệm và niềm tự hào về nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Không có nền vững chắc, hành trình gần 80 năm, thì không có những thành tựu hôm nay. Trong đó, ngành ngoại giao giữ vai trò nòng cốt; các ngành, lĩnh vực khác và mỗi người dân đóng góp theo cách của mình.
Chiêm nghiệm và tự hào là cần thiết nhưng chưa đủ. Thế giới vẫn vận động, đặt ra các yêu cầu mới. Tiếp tục hành động, tiếp tục tiến lên là cách tốt nhất để gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống.
Quốc ca Việt Nam vang lên tại Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Canada tại Hà Nội ngày 24/82023. (Nguồn: Đại sứ quán Canada tại Việt Nam) |
Tiếp tục đồng hành, phụng sự và tiên phong
Đại hội XIII của Đảng hoàn chỉnh, phát triển đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Hội nghị giữa nhiệm kỳ đã đánh giá kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm và xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trên cơ sở đó, ngoại giao cần thực hiện các ưu tiên và những giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, đánh giá đúng tình hình, tham mưu đề xuất chủ trương, đối sách đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Trong những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, mạnh mẽ, sâu sắc, phức tạp, khó lường. Ngoại giao cần tiếp tục chủ động, nhạy bén, phối hợp chặt chẽ với các ngành, tổ chức khác trong công tác nghiên cứu, dự báo sát tình hình, các vấn đề có tính quy luật và đột biến trên các lĩnh vực. Kịp thời tham mưu, đề xuất đối sách phù hợp, tận dụng các nhân tố có lợi, hạn chế tác động tiêu cực.
Thứ hai, tiếp tục quán triệt các quan điểm cơ bản, bài học kinh nghiệm và định hướng trong Hội nghị nửa nhiệm kỳ, thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại trên cả 3 trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các trụ cột, lực lượng. Đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa; gia tăng tin cậy chính trị và đan xen lợi ích. Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương. Ứng xử chủ động, linh hoạt, hiệu quả với các liên kết mới ở khu vực, phù hợp với lợi ích, an ninh quốc gia.
Quán triệt và tiếp tục phát triển, thực hiện trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” như chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “gốc vững, thân chắc, cành uyến chuyển”. Cốt lõi của “gốc vững” là “bám sâu đất Mẹ”, giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Để “thân chắc” phải nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, trình độ, khả năng vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng năng động trước những chuyển biến của thế giới. Muốn “cành uyến chuyển” cần đối sách, ứng xử linh hoạt, khôn khéo trước mọi biến động, tình huống.
Thứ ba, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Chuyển hóa lợi thế quan hệ chính trị, ngoại giao thành lợi ích kinh tế. Củng cố, mở rộng thị trường xuất khẩu, từng bước đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, thị trường và đối tác nhập khẩu. Định vị Việt Nam trong chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và chuyển đổi xanh. Chủ động, tích cực nắm bắt cơ hội, xu thế phát triển, tranh thủ sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế. Triển khai thực hiện có hiệu quả các FTA, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, RCEP…
Thứ tư, phát huy vai trò đối ngoại trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh, nắm chắc tình hình Biển Đông và biên giới trên bộ. Chủ động thúc đẩy hợp tác với các nước liên quan, kịp thời tham mưu, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng của Việt Nam. Thúc đẩy đàm phán xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Chủ động thông tin, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, kích động, chia rẽ…
Thứ năm, tiếp tục xây dựng ngành ngoại giao đồng bộ, toàn diện, hiện đại trên các trụ cột: nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy, quy trình, phương thức hoạt động và kết cấu hạ tầng.
Đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao toàn diện về chính trị, tư tưởng, bản lĩnh, đạo đức, trí tuệ, hiện đại, chuyên nghiệp về phong cách, phương pháp làm việc, có tinh thần đổi mới, sáng tạo; nhất là cán bộ chiến lược, lãnh đạo, quản lý và đội ngũ chuyên gia có trình độ đạt tầm khu vực, quốc tế. Kiện toàn tổ chức, bộ máy tinh gọn, khoa học, hợp lý và hiệu quả. Đẩy mạnh hiện đại hóa, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số xây dựng kết cấu hạ tầng vật chất – kỹ thuật phục vụ cho hoạt động ngoại giao.